Tiêu Phong: Vị Nam Viện đại vương có thật trong lịch sử nước Liêu
- Trần Hưng
- •
Trong “Thiên Long bát bộ” nổi tiếng của Kim Dung, có nhiều nhân vật là có thật trong lịch sử, được tác giả vận dụng và đưa vào tiểu thuyết với tình tiết cuộc đời khác cho liền mạch với tác phẩm của mình. Trong đó có thể kể đến Đoàn Dự của Đại Lý và Tiêu Phong của Liêu quốc.
Tiêu Phong là một nhân vật có thật trong lịch sử, là danh tướng người Khiết Đan của Liêu quốc. Khiết Đan nguyên nghĩa là “Thép gió”, hàm ý cực kỳ rắn chắc, bền vững. Do vậy có thể thấy đây là một dân tộc thượng võ, dũng mãnh. Trong thời kỳ cường thịnh nhất, Liêu quốc chiếm một nửa Trung Nguyên, phía bắc tới tận hồ Baikal; phía Đông sát Sakhalin; phía tây vượt dãy Altai; Nam tới Hà Bắc và phía Bắc tỉnh Sơn Tây ngày nay.
Tiêu Phong là danh tướng dưới thời vua Gia Luật Chỉ Cốt. Đây là thời kỳ mà Triều đình nhà Liêu suy yếu, gian thần nắm quyền, bách tính khốn khổ, quân đội suy nhược. Gia Luật Chỉ Cốt thực hiện các cuộc chinh chiến lên miên với Tây Hạ và Tống mà không chú ý hưng quốc. Điều này khiến quốc khố cạn dần, dân chúng oán thán.
Ở Liêu quốc, người bộ tộc Trở Bốc luôn đối đầu với người Khiết Đan từ các đời Vua trước. Năm 1048, Tiêu Phong lập công lớn khi đánh bại bộ tộc Trở Bốc, sau đó tiếp tục đánh tan bộ tộc Địch Liệt.
Liêu sử mô tả Tiêu Phong là “người có dáng vạm vỡ, mày rậm mắt to, mũi cao miệng rộng, mặt vuông. Tướng mạo đường đường, mạnh mẽ, giọng nói vang như sấm, khiến kẻ nhút nhát phải khiếp sợ”.
Năm 1055, Gia Luật Chỉ Cốt mất, con trưởng là Gia Luật Hồng Cơ lên thay. Đến đây mối quan hệ giữa Gia Luật Hồng Cơ và Tiêu Phong có nhiều chi tiết rất giống trong “Thiên long bát bộ” của Kim Dung. Hai người thân thiết và tin tưởng nhau dù không kết nghĩa huynh đệ như trong tiểu thuyết.
Thời kỳ Gia Luật Hồng Cơ trị vì Liêu quốc, Phật giáo rất thịnh, triều chính ổn định. Tuy nhiên về cuối đời thì ông lại chìm đắm vào ăn chơi xa xỉ, tin dùng gian thần, làm cho cơ nghiệp suy vong. Đoạn nhân duyên giữa Gia Luật Hồng Cơ và Tiêu Phong diễn ra vào thời điểm Gia Luật Hồng Cơ mới nắm được vương vị.
Theo Liêu sử, sau khi lên ngôi, Gia Luật Hồng Cơ phong cho chú của mình là Gia Luật Trọng Nguyên làm Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái, năm 1058 lại ban cho Kim quyển nắm toàn bộ binh quyền, vinh hoa phú quý đến cùng cực. Thế nhưng Gia Luật Trọng Nguyên lại có ý dòm ngó ngôi báu.
Gia Luật Hồng Cơ cũng phong cho Tiêu Phong làm Thái bảo, giữ chức Đồng tri Khu mật viện sứ, phụ trách quân đội bên cạnh mình.
Trong “Thiên long bát bộ”, nhân lúc Gia Luật Hồng Cơ ra ngoài Kinh thành, cha con Gia Luật Trọng Nguyên làm phản cướp ngôi, bắt cả Thái hậu cùng phi tần của Vua. Trong thế đường cùng, Gia Luật Hồng Cơ chỉ còn cách đưa kiếm lên cổ tự sát. Nhưng Tiêu Phong đã ngăn lại, rồi một mình xông thẳng vào đám quân phản loạn bắt sống được Gia Luật Trọng Nguyên, chuyển bại thành thắng, được phong làm Nam Viện đại vương chỉ huy đại quân nước Liêu.
Chi tiết này lấy cảm hứng khá nhiều từ lịch sử. Theo sử sách, Tiêu Phong là người tinh anh nên đoán được Gia Luật Trọng Nguyên có ý tạo phản cướp ngôi, bèn bàn với Gia Luật Hồng Cơ. Tuy nhiên Gia Luật Hồng Cơ thấy chưa có chứng cớ rõ ràng, nếu ra tay trước thì sẽ khiến nhiều người không phục, cho rằng nội bộ gia tộc hại nhau, nhất là Gia Luật Trọng Nguyên là con thứ của Liêu Thánh Tông, thế lực rất mạnh. Vì thế Tiêu Phong bàn với Vua vờ rút khỏi Kinh thành để xem động tĩnh thế nào.
Hay tin Gia Luật Hồng Cơ rời Kinh thành, Gia Luật Trọng Nguyên thừa cơ hội cướp ngôi Vua. Theo Liêu sử, năm 1063, nhân lúc Gia Luật Hồng Cơ rời khỏi Kinh thành, Gia Luật Trọng Nguyên tổ chức binh biến cướp ngôi. Tiêu Phong chuẩn bị trước nên đã cầm quân đánh bại và bắt được đám phản loạn.
Sau 3 ngày thì cuộc binh biến thất bại, cha con Gia Luật Trọng Nguyên cùng 1 vạn tàn quân chạy trốn đến sa mạc phía bắc. Gia Luật Trọng Nguyên chết tại đây.
Sau chiến công này, Gia Luật Hồng Cơ vui vẻ và rất tin tưởng phong cho Tiêu Phong làm Nam Viện đại vương nắm giữ đại quân nước Liêu, quyền lực chỉ sau Vua.
“Thiên long bát bộ” có tình tiết Tiêu Phong phản đối việc tiến đánh Tống, nhưng trong lịch sử không hề có chi tiết đánh Tống.
Sau khi Tiêu Phong mất, Vua thương tiếc phong cho ông làm Liêu Tây quận vương.
Năm 2017, người ta khai quật một khu mộ cổ ở núi Trường Bạch thuộc địa phận tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc). Dựa vào cổ vật cùng các tài liệu thu được, cơ quan bảo vệ di sản văn hóa tỉnh Cát Lâm kết luận, chủ nhân của khu mộ cổ này là Liêu Tây quận vương Tiêu Phong.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Đoàn Dự: Vị minh quân có thật trong lịch sử
- Diệu Hương quốc và những vị Vua rời ngai vàng, chuyên tâm tu luyện
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử