Tìm hiểu một đoạn lịch sử qua bài “Cam đường” trong Quốc âm thi tập
- Ninh Sơn
- •
Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có bài thơ Cam đường như sau:
Thấy bóng cam đường nhớ Thiệu Công
Ðất dư dời được bạn cùng thông.
Bút thơ đã chép hương còn bén
Ngâm ngợi nào ai chẳng động lòng.
Bài thơ này lấy ý từ chùm bài thơ Cam đường trong Kinh Thi, kể về Thiệu Công Cơ Thích, còn gọi là Thiệu Bá. Thiệu Công thuộc dòng dõi của Chu Văn Vương, có công cùng Chu Vũ Vương đánh vua Trụ, diệt nhà Ân, lập nên nhà Chu. Vì Cơ Thích được phong thực ấp ở đất Thiệu, nên gọi là Thiệu Công hay Thiệu Bá.
Chùm bài thơ Cam đường trong Kinh Thi nằm ở phần Thiệu Nam, chính là phong dao của vùng đất Thiệu mà Cơ Thích được phong cho:
Tế phế cam đường
Vật tiễn vật phạt.
Thiệu Bá sở bạt.
Tế phế cam đường,
Vật tiễn vật bại.
Thiệu Bá sở khí.
Tế phế cam đường
Vật tiễn vật bái.
Thiệu Bá sở thuế.
Dịch nghĩa:
Cây cam đường un tùm,
Chớ xén chớ chặt
Vì là nơi ông Thiệu Bá ở đấy.
Cây cam đường um tùm
Chớ xén chớ bẻ gãy
Vì là nơi Thiệu Bá nghỉ ngơi.
Cây cam đường um tùm,
Chớ xén chớ quẳng uốn.
Vì là nơi nhà ông Thiệu Bá.
Tản Đà dịch thơ như sau:
Rườm rà cái cây cam đường
Ấy quan Thiệu bá xưa thường nghỉ ngơi
Chớ vin! Chớ bẻ! Ai ơi,
Chớ ai cắt lá! Chớ ai đẵn cành.
Chùm bài thơ này là để thể hiện tấm lòng của dân chúng hướng tới Thiệu Công. Bởi vì lúc làm quan, Thiệu Công vô cùng yêu thương và bảo vệ bách tính, cho nên khi ông qua đời, dân chúng vì cảm động và thương nhớ ân đức của ông.
Chuyện kể rằng khi Thiệu Công đi thị sát ở các nơi, vì không muốn dân chúng phải dựng nhà cho mình, ông đã dựng chòi lá dưới cây cam đường (có nơi coi cây lê là cây cam đường) để nghỉ ngơi, thẩm tra xử lý các vụ thưa kiện, phân xử phải trái đúng sai cho dân.
Bởi vì Thiệu Công dùng đức để giáo hóa người dân, cho nên khi ông mất, dân chúng đều rất thương nhớ ông, chẳng những không nỡ chặt cây cam đường nơi ông từng dùng để nghỉ ngơi và xử lý chính sự, mà còn làm thơ để ca ngợi ông.
Trong bài “Thấy bóng Cam đường nhớ Thiệu Công” trên Bách Việt Trùng Cửu có một cách giải thích sâu xa hơn cho bài thơ này, đáng giá tham khảo. Đó là công đức của Thiệu Công đối với người dân không đơn giản ở việc xử án cho dân.
Thiệu Công phụ giúp nhiều đời vua, Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương, Chu Thành Vương, Chu Khang Vương, công lao to lớn. Thời Chu Thành Vương, ông giúp vua dẹp loạn nhà Ân.
Số là sau khi diệt nhà Ân, Chu Vũ Vương biết lòng người còn nhớ nhà Ân, nên không làm tuyệt hương hoả nhà Ân. Vũ Vương bèn phong cho Vũ Canh tiếp tục cai trị đất Ân. Các vùng xung quanh nhà Ân còn chưa hoàn toàn thần phục nhà Chu, Vũ Vương phong cho ba người em cai quản giám sát.
Sau khi Chu Vũ Vương qua đời, Chu Thành Vương lên nối ngôi còn nhỏ tuổi, Vũ Canh dẫn dụ ba người em của Vũ Vương nổi loạn, mưu đồ khôi phục nhà Ân. Cuối cùng việc nổi loạn không thành, Thiệu Công cùng một vị khác là Chu Công đã giúp nhà Chu dẹp loạn.
Trong Thượng Thư (Kinh Thư) có thiên Thiệu Cáo, là lời tâu với Chu Thành Vương của Thiệu Công. Rất có khả năng là lời tâu bàn trong hoàn cảnh vừa dẹp loạn Vũ Canh xong.
Trong thiên Thiệu Cáo này có viết một đoạn lời khuyên và lời cầu xin khá dài, đại ý rằng Nhà Ân trước kia cũng có nhiều bậc vua hiền được Trời phù hộ, nhưng vua Trụ coi khinh dân nên dẫn đến mất ngôi. Nay nhà Chu lên thay, người dân vẫn còn nhớ đến nhà Ân, coi mình là con dân nhà Ân, nên phạm lỗi. Thiệu Công nài xin Chu Thành Vương chớ bỏ đi đạo đức, noi gương tiền nhân, thương xót dân chúng mà không trừng phạt giết chóc dân chúng.
Đặt trong hoàn cảnh nhà Chu diệt nhà Ân, chỉ sau một đời vua thì có loạn nhà Ân nổi lên đe dọa, Thiệu Công cầu xin vua Chu không sát hại, phạt tội người dân nhà Ân, thì có thể thấy được công đức to lớn của Thiệu Công cho muôn dân, và cũng là công đức to lớn cho nhà Chu. Có lẽ đây mới là ý thực sự được nói đến trong bài Cam đường của Kinh Thi.
Bài “Thấy bóng Cam đường nhớ Thiệu Công” trên Bách Việt Trùng Cửu có bàn rằng:
Tế phế Cam đường nghĩa là cây Cam đường tỏa bóng. Cam đường tượng trưng cho ông Thiệu Bá. Bóng tỏa rộng là ân đức phủ tới muôn dân.
Vật tiễn vật phạt/bại/bái là Chớ bẻ, chớ uốn, chớ phạt… Nghĩa tỉ dụ ở đây nói đến việc Thiệu Công xin vua Chu không giết, không áp dụng hình phạt với đám dân Ân.
Thiệu Bá sở bạt/khế/thuế. Ba chữ cuối hiện đều dịch nghĩa là “nghỉ ngơi”. Nhưng nếu hiểu theo ý nghĩa mới thì cây Cam đường không phải chỉ là chỗ nghỉ ngơi của Thiệu Bá. 3 chữ này thuộc 3 bộ thủ khác nhau: bộ Thảo (艹), bộ Tâm (心) và bộ Ngôn (言). Nghĩa bóng phải hiểu là Nơi ở, Tấm lòng và Lời nói của Thiệu Bá.
Dịch lại bài Cam đường trên lời thơ của Tản Đà:
Rộng che cái cây cam đường
Tấm lòng Thiệu Bá, chỗ thường thuyết chơi
Chớ vin! Chớ bẻ! Ai ơi,
Chớ ai cắt lá! Chớ ai đẵn cành.
Ninh Sơn tổng hợp
Xem thêm:
- Đạo làm quan: Tế thế an dân, hậu đức tải vật
- Đạo làm quan thời xưa: Xử chặt chân người, người vẫn cảm ân
Mời xem video:
Từ khóa Kinh Thi
