Tinh thần lập chí đọc sách của người xưa
- ChanhKien
- •
Trong sử sách ghi chép lại rất nhiều câu chuyện về các tấm gương chăm chỉ chịu khó học tập. Có những người sinh ra trong gia đình bần cùng, nhờ tinh thần khổ học mà đạt được thành tựu lớn trong cuộc đời. Cũng có những người không gặp phải nghịch cảnh đến vậy, nhưng khi đã lập chí đọc sách rồi thì họ kiên trì đến cuối cùng. Dưới đây là hai tấm gương như vậy.
Tô Tuân là người Mi Sơn, Mi Châu, triều Tống. Ông cùng con cả Tô Đông Pha và con thứ Tô Triệt đều là văn nhân nổi tiếng, người đời gọi ba người họ là “Tam Tô”. Tuy nhiên không giống như hai con, Tô Tuân bắt đầu đọc sách khá muộn.
Thời thiếu niên, Tô Tuân là người không thích đọc sách, lúc 27 tuổi, thấy anh họ đỗ khoa cử, ông đột nhiên nghĩ mình cần phải nỗ lực đọc sách. Thế là ông quyết tâm, dốc lòng nghiên cứu Lục kinh và các học thuyết Bách Gia.
Một năm sau, Tô Tuân tham gia khoa cử nhưng thi rớt. Quay về nhà, ông thở dài nói rằng: “Ta nhất định là đã chuẩn bị không đầy đủ, cho nên mới không thể có tên trên bảng vàng. Nhưng mà tham gia thi cử để cầu lấy công danh thì thực sự không phải là mục đích của học tập và đọc sách”. Thế là ông lấy toàn bộ văn chương viết hơn một năm đó đem đốt sạch. Từ đó ông đóng cửa nỗ lực đọc sách, không cất bút viết văn chương.
Trải qua 5-6 năm chăm chỉ đọc sách, Tô Tuân cảm thấy học thức có tăng trưởng lớn, có thể cầm bút viết văn trở lại. Khi ông hạ bút, do tri thức uyên bác, thường trong thời gian rất ngắn có thể hoàn thành một thiên văn chương mấy ngàn chữ, luận điểm văn chương chính xác, kiến giải độc đáo, được giới trí thức lúc bấy giờ tôn sùng.
Trong những năm niên hiệu Gia Hựu của hoàng đế Tống Nhân Tông, Tô Tuân mang theo Tô Thức và Tô Triệt đến kinh đô. Sau khi xem văn chương của Tô Tuân, Âu Dương Tu vô cùng tán thưởng tài hoa của ông, đã tiến cử ông cho Tể tướng lúc bấy giờ là Hàn Kỳ. Hàn Kỳ cũng rất khen ngợi tài văn chương của Tô Tuân, trọng đãi ông. Từ đó Tô Tuân vang danh thiên hạ, mọi người bắt chước phương pháp sáng tác của ông. Ông có ảnh hưởng sâu xa đối với thời bấy giờ.
Có những người bắt đầu muộn, khi ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách thì cảm thấy thời gian chưa chắc đã kịp, nhưng họ có can đảm gắng sức vượt lên. Trong việc đọc sách, người ta khởi đầu dù muộn bao nhiêu cũng không sao cả, nhưng mọi người cũng cần phải rút ra bài học kinh nghiệm, sớm đọc sách, chớ có bỏ lỡ thời gian.
Câu chuyện Tô Tuân còn chỉ ra rằng mục đích của đọc sách không phải vì công danh. Triều đình thời xưa thông qua khoa cử để chọn lấy nhân sĩ có tài, vì mong tìm được hiền tài an bang trị quốc. Thí sinh nếu chỉ là vì công danh mà tham gia, thì đã đi ngược lại với ý nguyện ban đầu về lập chí của người đọc sách. Nói cách khác, người ta cần sớm kiên trì học tập và đọc sách, nhưng đồng thời cũng không nên quên rằng đọc sách cần phải có mục đích trong sáng.
Một câu chuyện kiên trì học tập khác thường được nhắc tới là Lương Hạo triều Tống. Khác Tô Tuân, từ nhỏ Lương Hạo đã yêu thích đọc sách. Nhưng khi tham gia ứng thí thì năm nào ông cũng rớt. Lương Hạo không nhụt chí, từ đầu đến cuối kiên trì không ngừng đọc sách, trước sự châm chọc giễu cợt của người khác ông chỉ bình lặng tiếp tục chuẩn bị ứng thí kỳ thi năm sau.
Sau khi con ông thi đỗ Trạng Nguyên, Lương Hạo vẫn ở trong nhà chăm chỉ học. Bạn bè gặp ông đều khuyên bảo, thế nhưng Lương Hạo cũng không vì thế mà thay đổi. Trải qua quá trình không ngừng nỗ lực, cuối cùng năm 82 tuổi ông đã thi đậu tiến sĩ.
Vào kỳ thi cuối, trên điện đường ông đối đáp trôi chảy, tuổi cao chí càng cao, các quan đại thần đều rất khâm phục ông, Hoàng đế cũng rất khen ngợi ông. Cuối cùng Lương Hạo đỗ Trạng Nguyên. Sau đó, ông nói với con cháu: “Sống đến già, học đến già. Chỉ cần kiên trì bền bỉ, gậy sắt cũng có thể mài thành kim”.
Có những người hết sức độc lập, không bị quan điểm của đời thường trói buộc, học đến già thi đến già, thi đỗ hay không thi đỗ không phải là mục đích. Đọc sách đến già học tập đến già là để cho mình có kiến thức, tỏ tường đạo lý mới là mục đích, đây chính là niềm vui của bản thân, cứ như vậy thì chính là không ngừng đề cao sự tu dưỡng và kiến thức của bản thân.
Lương Hạo và Tô Tuân đều là những người chân chính hiểu được mục đích của việc đọc sách, do đó mới hăng hái tiến lên, không cần người khác khuyên, cũng không sợ người khác chế giễu, bởi vì trong tâm họ đều hiểu được mình đọc sách là vì tu chính bản thân, noi gương thánh hiền. Nếu như thi không đậu thì sẽ làm một người tốt, nếu như thi đậu sẽ làm thêm việc cứu giúp thiên hạ, có thể tiến có thể lùi, không hề chấp trước, trong lòng hiểu rõ những việc này. Minh bạch ra điểm này thì sẽ không dao động phương hướng và ý chí của mình, văn chương viết ra sẽ có tư tưởng sâu rộng, bởi vì văn giống như người.
Có thể thấy rằng sớm đọc sách và sớm lập chí, đồng thời hiểu được thực sự lập chí là như thế nào, đối với người đọc sách mà nói là vô cùng quan trọng.
Theo “Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút“
Đăng trên ChanhKien.org
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đọc sách trí tuệ cổ nhân
