Đạo lý của việc trị quốc cũng giống như việc làm cha mẹ, phải dùng lời dạy dỗ, lấy thân làm gương. Tự xưa trên làm dưới theo, việc quốc gia cũng là như vậy. Đã có người cha như thế tất có người con như thế, như vậy nếu có quân vương như thế, tất sẽ có thần dân như thế. Tu sửa bản thân tức là trị mình, vậy nên mới có thể kiến lập đức hạnh, thành tựu sự nghiệp mà ít kết oán với người. Kẻ tiểu nhân khi xử lý công việc trước tiên đều truy cầu những điều nhỏ nhặt, tức là trị người, cho nên không thể thành tựu sự nghiệp, mà còn gây thù kết oán rất nhiều. Bởi vậy tu thân là gốc rễ của việc trị quốc.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Nước chảy đủ ắt sẽ thành sông
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Thiên “Đạo ứng” sách “Hoài Nam Tử” trích lời Lão Tử rằng: “Người quý trọng bản thân mà lại đem thân cho thiên hạ, thì có thể giao phó thiên hạ cho họ; người yêu quý bản thân mà lại đem thân cho thiên hạ, thì có thể gửi gắm thiên hạ cho họ”. Chỉ có người coi trọng bản thân mới có thể coi trọng sinh mạng người trong thiên hạ, người như thế mới có thể đem thiên hạ giao cấp cho họ. Chỉ người quý tiếc bản thân mới quý tiếc sinh mạng của người trong thiên hạ, người như thế mới có thể đem thiên hạ giao cấp cho họ. Nhưng coi trọng bản thân, quý tiếc bản thân mà Lão Tử nói đến ở đây là gì? Tu thân mới chính là quý tiếc bản thân chân chính.

Lúc Đại vương Đản Phủ ở đất Mân, người nước Địch thường xuyên đến quấy nhiễu. Vì thế, Đại vương Đản Phủ đã mang thuộc da, vải vóc và trân châu ngọc thạch tặng cho người nước Địch để cầu hòa hảo thái bình. Nhưng người nước Địch lại không chịu nhận, nói rằng thứ họ muốn là đất đai chứ không phải là tài vật. Đại vương Đản Phủ đã giải thích với dân chúng rằng: “Sống cùng với người anh mà lại giết chết người em trai của anh ta, sống cùng với người cha mà lại giết chết con của ông ta, những sự tình như thế tôi không làm được. Mọi người hãy cùng nhau chung sống hòa thuận ở đất này đi! Thần dân của ta và thần dân của nước Địch có gì khác nhau đâu? Hơn nữa, ta nghe nói không thể bởi vì tham lam mà làm tổn hại tính mạng.”

Thế là Đại vương Đản Phủ chống gậy rời khỏi đất Mân, dân chúng cũng kéo nhau đi theo ông, sau này thành lập ra nhà Chu ở dưới chân núi Kỳ Sơn. Đây chính là kiểu người coi trọng sinh mạng mà Lão Tử nhắc đến, cho dù phú quý cũng không thể vì tài vật mà tổn hại, cho dù nghèo hèn cũng không thể vì tham lợi mà sa đọa. Ngày nay có những người luôn dễ dàng vứt bỏ đi “sinh mệnh”, vứt nó cho lòng tham, vứt nó cho dục vọng, cho kim tiền và quyền lực. Điều này chẳng phải là quá hồ đồ rồi sao?

Đại vương Đản Phủ là Chu Thái Vương, còn được gọi là Cổ Công Đản Phủ hay Cổ Công Đản Phụ. Ông là thủ lĩnh của bộ tộc Chu, là tổ tiên của nhà Chu. Bởi vì nhân từ rộng rãi nên ông khiến cho nhiều bộ tộc quy thuận. Sau khi nhà Chu diệt nhà Thương, người ta cho rằng vương khí nhà Chu bắt nguồn từ Đản Phủ cho nên đã truy tôn ông làm Thái Vương. “Sử ký. Chu bản kỷ” ghi lại rằng sau khi Đản Phủ kế thừa sự nghiệp của đời trước đã luôn tích đức hành nghĩa, được dân chúng kính yêu.

Thiên “Đạo ứng” sách “Hoài Nam Tử” cũng trích câu: “Tu chi vu thân, kì đức nãi chân dã”, nghĩa là tu dưỡng bản thân tốt thì phẩm chất đạo đức sẽ chân thật thuần khiết. Tu đức bắt đầu từ bản thân thì đức sẽ chân thật, tu đức trong gia đình thì gia đình sẽ có dư thừa đức, tu đức ở quê hương thì đức sẽ phát triển, tu đức ở bang quốc thì đức sẽ phồn thịnh, tu đức ở thiên hạ thì đức sẽ uyên thâm rộng rãi.

Vua của nước Sở là Sở Trang Vương hỏi thuật sĩ Chiêm Hà rằng: “Như thế nào mới có thể trị vì được đất nước?”

Chiêm Hà trả lời: “Tôi chỉ minh tỏ việc tu dưỡng bản thân mà không biết như thế nào trị vì được đất nước”.

Sở Trang Vương nói: Bây giờ ta lên ngôi và nắm quyền triều chính, ta hy vọng sẽ học được một số phương pháp trị vì và bảo vệ đất nước”.

Chiêm Hà vì thế nói tiếp: “Tôi chưa từng nghe qua chuyện tu dưỡng bản thân tốt mà đất nước lại hỗn loạn. Tôi cũng chưa từng nghe chuyện bản thân không tu dưỡng mà lại trị vì đất nước tốt.”

Sở Trang Vương nghe xong, cảm thán: “Nói rất hay!”

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Tần Sơn
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: