Trí tuệ cổ nhân: Quân tử lấy thành tín nhân nghĩa làm chuẩn tắc
- An Hòa
- •
Quân tử và tiểu nhân, người minh trí và kẻ ngu khờ là đề tài được rất nhiều học giả nổi tiếng trong lịch sử đàm luận.
Trong thiên “Thái tộc” sách “Hoài Nam Tử” viết:
Có được thiên hạ là lợi ích rất to lớn, nhưng so sánh lợi ích này với mạng sống thì lợi ích này lại rất nhỏ bé. Mạng sống là quý trọng nhưng so sánh với đạo nghĩa thì mạng sống này dường như lại rất nhẹ nhàng. Người ta có gan vứt bỏ mạng sống đó là vì để giữ gìn đạo nghĩa. Trong “Kinh Thi” viết rằng: “Quân tử bình dị dễ gần, theo đuổi hạnh phúc nhưng không vi phạm chính đạo”.
Trong thiên “Thái tộc” còn viết:
Trăm con sông đều chảy, nhưng nếu không thể chảy vào biển thì không thể được coi là con sông chính; nếu đều bận rộn kinh doanh mà không hướng về thiện lương thì không thể coi là quân tử được. Vì vậy, lời nói lý luận hay hay không còn phụ thuộc vào việc nó có thực tế và có khả thi hay không, mà hành vi tốt hay không còn phụ thuộc vào việc nó có phù hợp với nhân nghĩa hay không.
Bởi vậy người quân tử phải lấy thành tín nhân nghĩa làm chuẩn tắc ứng xử của mình trong xã hội.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Điền Tử Phương và Đoàn Can Mộc người nước Ngụy đều xem nhẹ tước lộc mà quý trọng bản thân, không bởi vì dục vọng cá nhân mà làm thương tổn sinh mệnh, không vì lợi ích mà liên lụy bản thân. Lý Khắc là tướng của Ngụy Văn Hầu, dùng toàn tâm toàn lực phò tá quốc quân, thống lĩnh quản lý các quan lại khiến cho vạn dân sống hòa mục, khiến cho quốc quân không còn việc gì để làm khi còn sống và không còn rắc rối nào sau khi chết đi. Đây chính là trường hợp hành động cụ thể khác nhau nhưng mục đích đều là quay về con đường lương thiện.
Thời Chiến Quốc, Trương Nghi và Tô Tần đều không có nơi ở cố định và bản thân họ cũng không có vị quân vương nào cố định để phụng sự. Họ suốt ngày thực hiện sách lược hợp tung liên hoành, mưu kế của họ ảnh hưởng khắp nơi, làm thiên hạ đảo lộn, làm nhiễu loạn các nước chư hầu và làm cho dân chúng không thể an cư lạc nghiệp được. Dù là hợp tung, liên hoành, liên hợp nhiều nước nhỏ và yếu lại với nhau hay là liên kết vài nước mạnh lại với nhau, những phương pháp cụ thể này là khác nhau nhưng bản chất đều là giống nhau, đều gây hại cho thế nhân.
Cho nên người xưa nói rằng lỗi của bậc quân tử tựa như nhật thực, nguyệt thực, ai ai cũng nhìn thấy, nhưng qua đi rồi, sửa chữa rồi thì không làm tổn hại đến ánh sáng của chính mình. Kẻ tiểu nhân cũng có chỗ tài năng, nhưng người xưa ví tài năng ấy giống như con chó sủa ban ngày và con cú nhìn thấy vào ban đêm, không có ích gì cho thiện hạnh.
Vì vậy, bậc trí giả không mù quáng hành động, kẻ dũng không làm xằng làm bậy, nhất định sẽ lựa chọn việc thiện để làm, suy xét xem việc đó có phù hợp với đạo nghĩa hay không rồi mới hành động, Vì vậy, sự việc sau khi làm thành công rồi thì công hiệu của nó đủ để có thể dựa vào được, và sau khi chết đi thì thanh danh của họ cũng đủ để người khác ca ngợi. Cho nên, cho dù có được trí tuệ và tài cán thì cũng nhất định phải lấy nhân nghĩa làm gốc, sau đó mới có thể phát huy tài trí thông minh mà thành tựu được sự nghiệp.
Người có năng lực thì bận rộn, đủ thứ chuyện nối tiếp nhau xảy ra, nhưng dù có nhiều công nhiều việc, thánh nhân chỉ là lấy nhân nghĩa làm tiêu chuẩn duy nhất để cân nhắc và phán xét người và việc. Người hành động phù hợp với nhân nghĩa được xưng là quân tử còn hành động không phù hợp với nhân nghĩa thì được gọi là tiểu nhân.
Người quân tử cho dù có chết đi thì thanh danh của họ cũng không bị hủy mất còn kẻ tiểu nhân cho dù có quyền thế đến đâu thì tội lỗi cũng không thể tiêu trừ đi được. Nếu như để tay trái của một người cầm bản đồ lãnh thổ thiên hạ mà họ thống trị và tay phải cầm dao cắt cổ tự sát thì cho dù là kẻ ngu xuẩn cũng sẽ không làm chuyện đó, bởi vì mạng sống là quý giá hơn so với việc sở hữu thiên hạ rất nhiều lần. Nhưng nếu như có người hy sinh mạng sống vì quân vương và người thân, xem cái chết như không, thì điều đó lại đáng khen ngợi, bởi vì so với mạng sống thì đạo nghĩa còn quý trọng hơn nhiều.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Thái Sơn
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Người quân tử nhân nghĩa trí tuệ cổ nhân Hoài Nam Tử