Triều đình Đại Việt thời xưa làm gì để giúp dân kêu oan?
- Trần Hưng
- •
Dân oan thời nào cũng có, nhất là ở những nơi xa triều đình, các quan địa phương dễ lạm quyền nhũng nhiễu dân chúng. Nhiều trường hợp dân chúng trực tiếp đến triều đình vì không còn tin tưởng các quan ở địa phương. Như vậy triều đình cũng phải thiết lập các cơ chế để giúp dân kêu oan.
Tiếng chuông ở điện Thiên An
Việc giúp dân chúng kêu oan thẳng đến triều đình có từ năm 1052 thời vua Lý Thái Tông. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có ghi chép rằng: “Đúc chuông lớn để ở sân rồng điện Thiên An, cho dân hễ ai có điều gì oan ức không thông đạt được lên trên thì đánh chuông để thấu đến nhà vua”.
Chuông này đặt ngay ở Long Trì (thềm rồng) ngay trước cửa chính điện Thiên An, để dân chúng ai cũng có thể đánh đánh chuông, bày tỏ để được thấu xét.
Hòm thư
Năm 1158 thời vua Lý Anh Tông, trọng thần là Nguyễn Quốc Dĩnh đi sứ nhà Tống về, tâu với Vua nên học nhà Tống làm hòm thư để ở trong Triều để ai có kiến nghị hay oan sai có thể bỏ vào.
Ngay sau đó Triều đình cho làm một hòm thư bằng đồng để dân bị oan, hay ai có chuyện thì bỏ thư vào hòm đồng này. Chỉ trong vòng 10 ngày thư kiến nghị đã đầy hòm, mở ra xem thì thấy rất nhiều thư đều nói Anh Vũ làm phản.
Lúc này Anh Vũ đang là quyền thần thao túng Triều đình, cho rằng Nguyễn Quốc Dĩnh bày ra trò này để hại mình nên tâu với Vua bắt anh em Quốc Dĩnh rồi đem đi đày. Hòm đồng từ đấy cũng bị bỏ, khiến dân chúng mất đi cơ hội kêu oan.
Trống Đăng Văn
Vào năm 1832 thời vua Minh Mạng, các quan đề xuất đặt một chiếc trống, gọi là trống Đăng Văn (tiếng trống đánh lên để thấu đến vua nghe) ở Tam pháp ty. Dân chúng có gì oan khuất muốn báo lên Triều đình sẽ đến đánh, Triều đình sẽ xem xét. Vua Minh Mạng chuẩn tấu.
Triều đình cho làm một phòng ở góc đông nam Kinh thành, với kiến trúc 3 gian, 2 chái, phía trước có tấm biển “Công chính đường” rồi treo trống lớn. Khi có người đánh trống kêu oan, “Tam pháp ty” cho người nhận đơn, rồi làm thành bản tấu dâng lên Vua. Vua xem bản tấu rồi tùy theo tình tiết mà phân cho Bộ liên quan đến vụ việc để xử lý. Trường hợp người dân dâng thư kín muốn báo riêng trực tiếp lên Vua, thì người người nhận sẽ đưa trực tiếp lên Vua mà không được tùy tiện phát cho người khác.
Trống Đăng Văn bắt đầu từ thời vua Minh Mạng tồn tại mãi đến năm 1885 mới mất khi Kinh thành Huế thất thủ. Trong lịch sử trống Đăng Văn đã giúp dân kêu oan nhiều lần, nhiều câu chuyện còn được ghi chép lại, như vụ án Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa năm 1848. Câu chuyện vụ án như sau:
Năm 1835, Bùi Hữu Nghĩa đỗ Giải nguyên (tức thủ khoa) kỳ thi Hương ở Gia Định, nên dân chúng hay gọi là Thủ khoa Nghĩa. Năm 1848, ông được cử làm Tri phủ Trà Vang (thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long ngày nay).
Trà Vang là nơi có nhiều dân tộc như người Kinh, Hoa, Khmer, nhưng đông nhất là tộc người Khmer. Khi Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy sát phải chạy đến nơi đây, dân Khmer đã tận tình che chở và phò giúp. Vì thế khi lên ngôi, vua Gia Long đã xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn cho tất cả người Khmer khai thác thủy sản ở rạch Láng Thé thuộc huyện Trà Vang.
Thấy người Khmer có nguồn lợi lớn, một số chủ người Hoa đã dùng tiền đút lót cho các quan là Tổng đốc Vĩnh Long Tống Văn Uyển và Bố chánh Truyện để giành quyền khai thác thủy sản vào năm 1848.
Dân Khmer bị ép đã kiện lên Tri phủ Bùi Hữu Nghĩa. Qua điều tra Bùi Hữu Nghĩa biết rõ sự việc. Dù chỉ là quan nhỏ ở địa phương nhưng ông không sợ cường quyền mà xử công bằng cho người Khmer.
Dân Khmer đến lấy lại con rạch và xô xát với người Hoa khiến 8 người Hoa bị thiệt mạng. Tổng đốc Uyển liền cho bắt những người Khmer gây loạn và bắt luôn cả Bùi Hữu Nghĩa, rồi báo về Triều đình là Bùi Hữu Nghĩa xúi dân làm loạn chống Triều đình. Triều đình cho đem Bùi Hữu Nghĩa về Kinh thành để xử tử.
Thấy chồng bị oan, vợ ông là Nguyễn Thị Tồn lên thuyền vượt biển ròng rã cả tháng trời đến Kinh thành, đánh trống Đăng Văn kêu oan.
Tam Pháp ty nhận đơn oan, vua Tự Đức sau khi điều tra sự việc thì bỏ án tử hình, nhưng bắt Thủ khoa Nghĩa phải làm lính ở đồn Vĩnh Thông thuộc tổng Châu Phú (Châu Đốc). Thái hậu Từ Dụ biết chuyện liền ban cho Nguyễn Thị Tồn tấm biển vàng “Tiết phụ khả gia”.
Trống Đăng Văn giúp dân rất hiệu quả, đưa nỗi oan tình đến với Vua, vụ việc cũng được xử lý ngay không chậm trễ, cũng khiến cho các quan lại ở địa phương không dám ỷ xa Triều đình mà tự tung tự tác ức hiếp dân chúng.
Năm 1885, Kinh thành Huế thất thủ trước quân Pháp, trống Đăng Văn cũng không còn.
Đến năm 1901, vua Thành Thái khôi phục lại trống Đăng Văn cùng Tam pháp ty để xử ý những oan khuất cho dân chúng. Việc này động chạm đến người Pháp, vì dân chúng kêu oan liên quan đến người Pháp. Chính vì thế mà đến năm 1906 người Pháp đã dẹp bỏ trống này.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video “Muốn biết bản thân đi bao xa, hãy xem mình cùng ai đồng hành”:
Từ khóa dân oan