Họ Dương Vân Đình: Trọng đức, chuộng chữ nghĩa
- Trần Hưng
- •
Họ Dương ở Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội) nổi tiếng tài văn chương, cũng tự hào có 2 anh em Dương Khuê và Dương Lâm đều có tên trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”.
Nguồn gốc họ Dương ở Vân Đình
Vào thời 12 Sứ quân, ở trang Vân Đình (này là Ứng Hòa, Hà Nội) có 3 anh em ruột là thủ lĩnh nghĩa quân, kéo quân đến Hoa Lư theo Đinh Tiên Hoàng. 3 anh em cùng đội quân Vân Đình góp công đánh dẹp các Sứ quân khác thống nhất Giang Sơn.
Năm 968, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Vua, hiệu là Đinh Bộ Lĩnh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. 3 anh em được phong làm quan, nhưng không nhận mà xin về nhà phụng dưỡng cha mẹ. Vua ban cho 3 anh em thực ấp ở Vân Đình.
Từ đó Vân Đình ngày càng phát triển, là nơi giao thông thủy bộ đều thuận lợi, hàng hóa buôn bán theo đường thủy tập trung ở nơi đây rất nhiều rồi phân đi các nơi, hình thành rất nhiều chợ.
Thế kỷ 17 diễn ra cuộc chiến khốc liệt Đàng Ngoài – Đàng Trong, vùng Nghệ An – Bố Chính trở thành chiến trường khiến dân chúng bất ổn, đói kém mất mùa thường xuyên. Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, dân chúng nơi đây buộc phải rời bỏ bản quán đi tha hương khắp nơi.
Dòng họ Dương ở Quỳnh Đôi, Nghệ An cũng vì khó khăn đã đến định cư ở Vân Đình. Giai đoạn đầu rất nghèo khó, nhưng các cụ vẫn gắng sức nuôi dạy con cháu có ăn có học, dặn dò con cháu dù khó khăn đến mấy cũng phải lấy đức làm gốc, lưu truyền câu:
Thanh bần là thói nhà Dương
Lò vàng dám đọ thế gian được nào.
Các cụ không những dạy con cháu phải lấy đức làm nền tảng, mà còn dạy con cháu trọng chữ nghĩa, dòng họ vẫn lưu truyền câu:
Vàng ăn bao nhiêu vàng cũng hết
Chữ bán dư ăn chữ vẫn còn.
Ngôi mộ tổ
Ở Vân Đình còn lưu lại nhiều giai thoại về họ Dương, khi mới lưu lạc đến đây thường bị miệt thị vì là dân ngụ cư. Bấy giờ có cụ Dương Đức Thắng đỗ Sinh đồ, là người có học, liền đến chùa viết sớ cho người đến lễ bái, từ đó mà có được nguồn thu nhập nuôi sống gia đình.
Nhà họ Dương rất chú trọng chữ nghĩa, dù không giàu có nhưng con cháu phải học chữ nghĩa đầy đủ. Sau khi cụ Dương Đức Thắng mất 1 năm, có một nhà sư đến nói là bạn bè của cụ Thắng, nay cụ đã mất nên xin tìm miếng đất để đưa cụ vào đó, rồi hỏi gia đình muốn miếng đất giúp con cháu giàu có hay đỗ đạt làm quan.
Nghe thế cụ bà nói rằng trong nhà có con cháu đi học nên chỉ mong con cháu được đỗ đạt chứ không cần giàu có. Sau khi an táng cụ vào đất mới xong, vị sư rời đi mà không để lại tên tuổi dù gia đình cố gặng hỏi.
Sau này họ Dương không quên vị sư này, nhưng vì không biết tên hiệu nên mỗi khi có dịp lễ cúng tổ thường khấn vị sư này là “Đức Dương gia phúc thần Đức thanh tịnh Thiền sư”.
Anh em đều có tên trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”
Con cháu họ Dương sau này nhiều người đỗ đạt, nổi tiếng nhất là đến đầu thế kỷ 19 thời Lê Trung Hưng có Đô ngự sử Dương Quang là người trung nghĩa. Ông có 2 người con trai là Dương Khuê và Dương Lâm đều nổi tiếng văn hay và đỗ đạt.
Văn Khuê sinh năm 1839, thuở nhỏ rất siêng năng học hành, lớn lên nổi tiếng văn hay chữ tốt. Năm 1864, ông thi Hội và đỗ cử nhân. Đến năm 1868 thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình và đỗ tiến sĩ. Thi đỗ, Văn Khuê được cử làm Tri phủ huyện Bình Giang (Hải Dương), rồi được thăng làm Bố chánh.
Lúc này quân Pháp đã đánh chiếm được 6 tỉnh Nam bộ. Ở miền Bắc có lái buôn người Pháp là Jean Dupuis buôn bán trên tuyến đường sông Hồng. Dupuis là lái buôn lớn, không chỉ có các thuyền chở hàng mà còn được hộ tống bởi các thuyền được trang bị vũ khí phương tây rất hiện đại, vì thế mà Dupuis không xem luật của nhà Nguyễn ra gì.
Văn Khuê là một trong những người cương quyết áp dụng luật Triều đình chống lại Dupuis. Ông cũng dâng sớ lên vua Tự Đức nói không nên nhượng bộ người Pháp. Tuy nhiên vua Tự Đức lúc này muốn hòa hoãn với Pháp, vì thế mà Văn Khuê bị giáng xuống làm Chánh sứ sơn phòng lo việc khai hoang. Đến năm 1873 thì ông làm Án sát Hải Phòng.
Năm 1884, Triều đình nhà Nguyễn phải ký Hòa ước giáp thân 1884 công nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn quốc. Tuy nhiên Hoà ước này có Điều 7 với nội dung “Công sứ sẽ không can thiệp vào việc trị dân tại các tỉnh…”. Đến năm 1897, Toàn quyền Đông Dương Paul Doummer quyết định xóa bỏ điều 7 trong Hoà ước này để người Pháp có quyền can thiệp vào việc trị dân ở tất cả địa phương.
Cảm thấy lực bất tòng tâm, Dương Khuê lúc này mới 58 tuổi, chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng chán nản xin nghỉ.
Ông sáng tác rất nhiều thơ ca, những vần thơ của ông được đánh giá là “thanh thoát, uyển chuyển và hóm hỉnh”. Năm 1902, Dương Khuê mất, bạn đồng khoa thi của ông là Nguyễn Khuyến đã tiễn ông với bài thơ “Khóc bạn” nổi tiếng, đến nay vẫn được giảng dạy trong trường học.
Em trai Dương Khuê là Dương Lâm nổi tiếng giỏi văn chương, tính tình nho nhã, là nhà giáo có biệt tài. Năm 1878, ông đỗ cử nhân, làm quan qua các chức vụ khác nhau.
Với tài năng văn chương của mình, năm 1891 ông được mời đến Hà Nội là chủ bút nhật báo Đồng Văn. Nhưng đến năm 1895 thì ông lại làm quan cho Triều đình. Khi triều đình sửa đổi phép học, phép thi, vì giỏi văn chương chữ nghĩa nên ông được cử đứng đầu ban Tu thư.
Cả 2 anh em Dương Khuê và Dương Lâm đều được ghi tên trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, khẳng định tài năng cũng như cống hiến của hai ông.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Lê Đình Kiên: Vị “phúc thần” giúp Phố Hiến phát triển sầm uất
- Từ dòng họ Nguyễn Tường đến nhóm “Tự lực văn đoàn”
Mời xem video:
Từ khóa dòng họ Việt Nam
