Nền văn hóa truyền thống của phương Đông xoay quanh tam giáo Nho, Phật, Đạo. Trong đó Phật và Đạo thì giảng về việc giác ngộ, giải thoát khỏi thế gian, còn Nho thì giảng về việc tu dưỡng đạo đức của con người trong nhân thế. Chính vì vậy, đối với kết cấu và sự vận hành của xã hội thì Nho gia đóng vai trò quan trọng. Nho gia coi đức là gốc rễ làm người, đề xướng việc tu thân, từ đó bảo trì nền tảng giá trị phổ quát, giáo hóa dân chúng, trị quốc an bang.

Tu thân: Lý niệm làm người căn bản trong văn hóa truyền thống
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Điều đầu tiên mà sách Đại Học nói đến là phải tu dưỡng đạo đức của bản thân, sau đó mới dùng điều ấy để thúc đẩy người khác. Đúng như câu nói: “Tu thân rồi mới đến tề gia, tề gia rồi mới đến trị quốc, trị quốc rồi mới đến bình thiên hạ. Từ Thiên tử cho đến thứ dân, tất cả đều phải lấy tu thân làm gốc.”

Truyền thống tu thân trong Nho gia đã trở thành đạo đức quan và giá trị quan duy trì, gắn kết xã hội cổ xưa, giúp gìn giữ các tiêu chuẩn đạo đức ở mức độ tương đối cao.

Kinh Thi viết: “Thiên thượng tạo ra nhân loại, vạn sự vạn vật đều có pháp tắc. Dân chúng hiểu rõ những pháp tắc này thì sẽ tôn sùng những phẩm đức tốt đẹp”. Khổng Tử lại đưa ra lý niệm “dĩ đức phối thiên”, lấy đức để thuận với trời, yêu cầu con người phải thuận theo nguyên tắc đạo đức “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.

Mặc dù khác với Phật gia hay Đạo gia, Nho gia không đề cập nhiều đến khái niệm Trời hay Thiên thượng, nhưng Nho gia lại rất chú trọng điều chỉnh các mối quan hệ giữa Trời và người, từ đó mở rộng ra giữa con người với con người, rồi đến các mối quan hệ của đủ loại hình thái ý thức, nhằm thiết lập một trật tự xã hội an định, vững chắc, và hài hòa. Trong đó đối với mỗi từng cá nhân là chủ thể của các mối quan hệ này, Nho gia đề xướng việc tu dưỡng thành người quân tử, thậm chí thành hiền nhân và thánh nhân.

Khổng Tử còn nói: “Tu kỷ dĩ kính, tu kỷ dĩ an nhân, tu kỷ dĩ an bách tính”, ý nói một người tự tu bản thân mình để giữ thái độ tôn kính với Trời đất và vạn sự, một người tu chính mình còn có thể mang lại cho con người, cho chúng sinh sự an bình và hòa thuận. Bởi thế, lập đức và tu thân phải đặt trên mọi thứ khác. Lập đức là mục đích, trong khi tu thân là phương thức. Lập đức và tu thân là con đường trọng yếu để thực hành tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân phẩm và hành vi.

Mạnh Tử cũng đưa ra quan điểm rằng, đạo đức là thiên phú, là bản tính tiên thiên của một con người, tương thông với thiên thượng. Ông cho rằng, mọi người đều có sẵn bản chất thiện lương. Nếu một người có thể bảo trì được phẩm đức và cố gắng đề cao tu dưỡng bản thân thì người ấy có thể trở thành bậc thánh hiền.

Mạnh Tử chỉ ra rằng làm người cần phải giữ được 4 loại đức hạnh, đó là: Lòng trắc ẩn hay cũng chính là lòng nhân từ; Sự hổ thẹn thuộc về nghĩa khí; Tâm khiêm nhường thuộc về lễ nghi; Tâm thị phi (biết phân biệt thiện ác đúng sai) thuộc về trí tuệ. 4 phẩm đức này của con người trở thành nền tảng tạo thành tứ đức là “nhân, lễ, nghĩa, trí”. Nó là thứ để phân biệt giữa con người và động vật. Nó gắn với lịch sử lâu dài của nhân loại, bên trong nó là tiêu chuẩn cơ bản của nhân loại.

Theo Mạnh Tử, tu thân là con đường duy nhất để biết Thiên, kính Thiên, đạt tới cảnh giới cao thượng và có lòng nhân ái rộng lớn. Cũng như các bậc hiền nhân trong nhiều tín ngưỡng khác, Mạnh Tử đề cao việc “tu nội”, không “hướng ngoại”, tuân theo lương tâm của mình, coi trọng bản chất chân thật, đề xuất đối nhân xử thế theo các nguyên tắc, và duy trì sự công bằng. Trong khi làm như vậy, một người có thể trở nên “sung mãn” và có “quang huy”, lần lượt thúc đẩy những người khác thực hiện nhiều việc tốt, đạt đến cảnh giới rất cao của tâm thiện.

Xã hội nơi thế gian dễ khiến con người coi trọng vật chất, vì thế rất nhiều người có thể bị lạc mất bản tính của mình. Một người có lý niệm, biết tu thân càng cần phải suy ngẫm về ngôn từ, hành vi hàng ngày của mình, và xét các ý nghĩ của mình xem có phù hợp với chính lý, với thiên lý hay không. Nếu một người không tu đức, người ấy sẽ có xu hướng mất đi bản tính của mình, phóng túng dục vọng và bị sa đọa. Vì vậy các bậc thánh nhân xưa rất coi trọng việc tu thân, thăng hoa, và bảo tồn tính thiện.

Mỗi người đều có cả hai nhân tố thiện và ác. Để kiềm chế phần ác và phát triển phần thiện, người ta phải tự mình nghiêm khắc với bản thân mình, không để bản thân sống buông thả, “nước chảy bèo trôi”. Ngoài ra, thông qua giáo dục và cảm hóa, người ta có thể gìn giữ và khôi phục được bản tính của mình. Bởi vậy, trách nhiệm của một người chính trực là đánh thức lương tri, bản tính của những người khác, giúp họ trở về với chính đạo.

Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, các bậc thánh nhân và những người có đức lớn đều là những ví dụ tuyệt vời trong việc tu thân. Khổng Tử và các học trò của ông đã rất coi trọng việc nghiêm khắc với bản thân mình và nhân từ với người khác. Khổng Tử nói: “Ta 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”.

Khổng Tử đã tu suốt cuộc đời của mình, “sửa sai ngay lập tức mà không hề sợ hãi hay miễn cưỡng”, và “noi gương những người làm những việc tốt và thăng hoa bản thân khi nhìn thấy thiếu sót của những người khác”. Ông tán thưởng Nhan Hồi vì “không nổi cáu với người khác khi họ chỉ ra lỗi lầm của mình, và không mắc lỗi đó lần thứ hai”. Đây chính là những giá trị tu thân phổ quát đáng trân quý trong văn hóa truyền thống.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: