Vài ẩn dụ trong chuyện Thần thoại Orpheus xuống địa ngục tìm vợ
- Quang Minh
- •
Orpheus được coi là một trong 9 thi sĩ danh tiếng của Hy Lạp cổ đại. Có người còn cho rằng ông là người đã sáng tạo ra hoặc cải tiến chiếc đàn lia, một nhạc cụ phổ biến thời bấy giờ. Pindar, một nhà thơ khác trong 9 thi sĩ danh tiếng của Hy Lạp cổ đại đã gọi Orpheus là “cha đẻ của thi ca”. Tương truyền rằng âm nhạc của Orpheus có thể làm xiêu lòng vạn vật, và có thể cảm động tới Trời đất, Thần linh. Trong Thần thoại Hy Lạp có một câu chuyện khá nổi tiếng về việc Orpheus xuống địa ngục tìm vợ.
Truyện kể rằng Orpheus rất yêu nàng Eurydice và cưới nàng làm vợ. Vào ngày cưới, chàng chơi đàn, còn nàng thì nhảy múa trong âm nhạc trên bãi cỏ xanh, tạo nên một cảnh tượng đẹp tuyệt vời.
Tuy nhiên sắc đẹp đã mang lại bi kịch cho nàng Eurydice. Vào một ngày, trong khi chạy trốn khỏi một kẻ muốn cướp lấy mình, Eurydice giẫm phải một ổ rắn và bị rắn cắn chết. Khi tìm thấy vợ, Orpheus đau lòng và cất lên tiếng ca bi thương, khiến cho Thần tiên cảm động. Họ đã chỉ đường cho Orpheus xuống Địa ngục để tìm lại người vợ yêu.
Với cây đàn lia và tài âm nhạc của mình, Orpheus đã vượt qua được người lái đò Địa ngục, vượt qua được con chó ngao ba đầu dữ tợn, và cuối cùng thuyết phục được Hades, vị Thần lạnh lùng của thế giới âm phủ, và Persephone, vợ Thần chết, động lòng thương. Hades cho phép Eurydice về lại dương gian, với một điều kiện: Orpheus phải giữ im lặng và không được ngoái lại nhìn người vợ đi đằng sau cho đến khi cả hai đều đã ra khỏi cửa Địa ngục.
Thoạt đầu Orpheus làm theo lời dặn. Nhưng trên con đường về nhân thế, càng ngày chàng càng cảm thấy nghi ngờ và băn khoăn hơn, nhất là khi không hề nghe thấy tiếng bước chân và hơi thở của Eurydice.
Vào thời điểm vừa bước qua cánh cửa Địa ngục, Orpheus không kìm lòng được đã quay đầu lại nhìn, ngay trước khi nàng Eurydice kịp bước qua. Thế là chàng đã phải chứng kiến cảnh Sứ giả của các vị Thần, Thần Hermes, mang nàng Eurydice lùi thật nhanh về phía địa phủ rồi biến mất, nhanh đến nỗi Orpheus chỉ kịp gọi tên vợ lần cuối.
Orpheus vội quay lại nhưng người lái đò Địa phủ không cho phép chàng lên đò một lần nữa. Khi trở về dương gian, đau lòng trước sai lầm của mình và nỗi đau mất Eurydice mãi mãi, Orpheus không còn quan tâm đến cô gái nào khác nữa. Chàng bị những người phụ nữ khác xem là ngạo mạn. Và rồi chàng đã bị một nhóm phụ nữ say rượu đánh đến chết, phanh thây và quẳng xác chàng xuống sông.
Tương truyền rằng, Orpheus chết mà đầu của chàng vẫn vang lên tiếng hát tha thiết, yêu thương bên cây đàn lia. Các nữ Thần thi ca mang cây đàn lên Thiên đàng và đặt nó giữa các vì sao. Các nữ Thần cũng thu thập những mảnh thi thể và chôn cất Orpheus tại Leibethra, bên dưới rặng Núi Olympus, nơi ở của các vị Thần Hy Lạp. Người ta nói rằng những con chim sơn ca vẫn hót bên mộ của Orpheus cho đến ngày nay.
Câu chuyện của Orpheus là một sự ẩn dụ thâm sâu cho những sai lầm mà chúng ta thường phạm phải trong cuộc sống:
Con người luôn có thói quen “sợ mất” thay vì muốn “tiến bộ”. Chúng ta thường quay lại kiểm tra xem mình có mất mát gì không, thay vì trân trọng trải nghiệm và tự nói với bản thân rằng điều đáng quý là mình vẫn đang bước tiếp.
Con người cũng thường gặp thất bại hay để vuột mất cơ hội trong vô thức, vào đúng thời điểm chúng ta đang tự mãn rằng mình đã hoặc sắp hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta thường xuyên chủ quan, không cẩn thận, khi ở vào thời khắc cuối cùng của một sự việc.
Con người luôn ham muốn sở hữu những gì mình yêu thích thay vì thể hiện một tình yêu vô ngã. Buông bỏ và bước tiếp, điều này nói thì đơn giản nhưng có mấy người làm được trọn vẹn?
Ngay cả khi chúng ta đã khá chắc chắn rằng mình đã quên đi quá khứ, trong vô thức, chúng ta vẫn ngoái trở lại với hy vọng thầm kín rằng chúng ta sẽ không thực sự phải đánh mất điều chúng ta yêu mến.
Các tín ngưỡng xưa nay còn nói rằng thế gian là một cõi mê, bởi vậy con người đối với các vị Thần thì luôn ở trong trạng thái nửa tin nửa ngờ, luôn luôn lo sợ rằng bản thân bị lừa, cũng giống như Orpheus dù đã thấy linh hồn vợ rồi, đã được Thần Hades đồng ý rồi, mà trên chặng đường lên dương thế thì càng đi càng ngờ vực, cuối cùng đánh mất sự sáng suốt ở vào thời khắc cuối cùng nhất. Đây chẳng phải điều vô vàn đáng tiếc hay sao?
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
- Biết ăn năn còn quý giá hơn là không lầm lỡ
- Cái chết ở chốn thiên đường và dự ngôn về Chúa Cứu Thế
- Chiếc xe thồ cỏ và sự sa ngã của nhân loại
- Tuyệt tác Pietà của Michelangelo: Thuần khiết từ bi, vô oán vô hận
Mời xem video:
Từ khóa hội họa phương Tây thần thoại Hy Lạp