Vài câu chuyện quan lại thời xưa phá án kỳ tài
- Trần Hưng
- •
“Cái khó ló cái khôn”, nhiều vụ án xưa kia không còn dấu vết nhưng vẫn được các quan điều tra phá án một cách thần kỳ. Có người dù bị áp lực vẫn không muốn xử oan cho một ai, mà kiên nhẫn tìm được hung thủ thật sự.
Không sợ bị khiển trách, kiên nhẫn bắt đúng người
Phí Trực là vị quan nổi tiếng thông minh thời nhà Trần. Ông nhẫn nại, cẩn trọng, tỉ mỉ nên phá được nhiều vụ án khó. Nhờ tài năng mà Phí Trực được Thượng hoàng cử làm An Phủ Thiên Trường.
Đây là một đặc ân cũng như thể hiện tài năng của Phí Trực. Bởi lẽ các vua Trần sau khi nhường ngôi cho con thì làm Thượng Hoàng rồi về ở Thiên Trường, vì thế mà phủ Thiên Trường được xem như kinh đô thứ hai giám sát cả Thăng Long. Để giữ chức vị này thì phải kinh qua An Phủ địa phương khác trước, làm tốt thì mới được làm An Phủ Thiên Trường, nhưng Phí Trực là ngoại lệ vì chưa từng kinh qua An Phủ nơi nào. Điều này cho thấy sự tin tưởng của Triều đình đối với ông.
Vào thời vua Trần Anh Tông, Xã Tắc bình yên, người dân no ấm, trộm cướp không có nhiều. Khi vua Anh Tông nhường ngôi cho Minh Tông để lên làm Thượng Hoàng thì xuất hiện một băng cướp tinh ranh, tướng cướp có tên là Văn Khánh, các quan Triều đình nhiều lần nỗ lực nhưng không sao bắt được tướng cướp này.
Một ngày có người bắt được Văn Khánh giải lên quan, qua tra khảo kẻ bị bắt nhận mình là Văn Khánh. Các quan đều cho rằng đã bắt được tướng cướp nguy hiểm. Tuy nhiên Phí Trực trước kia từng làm Hình bộ Lang Trung, phá nhiều vụ án nên rất nghi ngờ, bởi lẽ quân Triều đình nhiều lần lên kế hoạch bắt còn không được, đến lúc bắt được sao lại dễ đến thế? Mặt khác người bị bắt cũng dễ nhận mình chính là tướng cướp Văn Khánh khi bị tra hỏi.
Phí Trực nghi ngờ nên vẫn điều tra truy bắt tên tướng cướp, không kết thúc vụ án.
Vụ án lâu chưa giải quyết được khiến Thượng Hoàng Trần Anh Tông phải hỏi, Phí Trực đáp rằng: “Mạng người rất trọng, lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết.”
Chờ lâu vẫn chưa có kết quả, Thượng Hoàng sốt ruột giận dữ nói: “Nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa”, thế nhưng Phí Trực vẫn kiên nhẫn điều tra tiếp.
Quả nhiên với sự tỉ mỉ và kiên nhẫn của mình, Phí Trọng đã bắt được chính xác tướng cướp Văn Khánh. Hắn khai rằng dùng người khác giả mình nhằm thực hiện kế “ve sầu thoát xác”.
Phí Trực làm quan xem trọng sinh mạng dân chúng, không muốn bắt lầm người, dù cho vụ án kéo dài có thể khiến mình bị khiển trách.
Không có manh mối dấu vết vẫn tìm ra thủ phạm
Thời vua Lê chúa Trịnh có cô em gái đi thăm chị mình bị ốm, đường đi khá xa, cô em gái đi nhiều ngày không thấy trở về. Ban đầu người chồng nghĩ rằng vợ mình ở lại chăm sóc chị, nhưng mãi vẫn không có tin gì. Nghi vợ mình bị chồng của chị gái sát hại, người chồng liền làm đơn kiện gửi lên quan.
Quan cho bắt người chồng tống giam, thế nhưng dù xử thế nào nghi phạm vẫn kêu oan, mà tang chứng vật chứng không đủ để luận tội. Vụ án phải xử nhiều lần, pháp quan cũng thay đổi nhiều người, qua 6, 7 năm rồi mà vẫn không sáng tỏ.
Chúa Trịnh liền lệnh cho Thượng thư Bộ Hình Nhữ Đình Hiền phải trực tiếp điều tra vụ án này.
Nhữ Đình Hiền rà soát một loạt hồ sơ vụ án, thấy nghi phạm đều vào chồng của người chị gái, mà nghi phạm này chỉ một mực kêu oan. Cũng không còn manh mối dấu vết nào để phá án.
Nhữ Đình Hiền liền xem thực địa con đường mà người em gái đã đi, thấy trên đường có một cánh đồng vắng, có một ngôi chùa ở đấy. Ông nghi ngờ người em gái bị hại tại cánh đồng này. Nhưng làm sao để biết được khi vụ án đã qua lâu rồi, không còn lại dấu vết gì cả.
Nhữ Đình Hiền cùng tùy tùng của mình đóng giả làm quan viên đến lễ chùa rồi xin được ngủ lại qua đêm. Sáng hôm qua ông nhờ Trụ trì tập hợp hết mọi người rồi nói rằng hôm qua nằm mơ thấy có cô gái đến kêu oan, bị cưỡng hiếp mà chết, rồi nhờ ông giúp xử án. Ông yêu cầu mọi người phải thành thật khai báo.
Lúc này có một người vì sợ hãi đã đứng ra nhận tội, dẫn đến nơi chôn người phụ nữ, vụ án được làm sáng tỏ.
Bắt được đúng thủ phạm dù không có dấu vết
Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng thời chúa Nguyễn được xem là Bao Công bởi cách phá án thần kỳ, người dân truyền tụng lại nhiều câu chuyện phá án của ông. Một câu chuyện là vụ án ở làng Hồ Xá.
Có lần một người buôn giấy khi đi ngang qua làng Hồ Xá thì dừng lại nghỉ trọ ở làng. Nơi đây có khá nhiều trộm cướp, vì thế nên người lái buôn bị mất gánh giấy, liền đến báo án với quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng.
Nguyễn Khoa Đăng cho người tìm hiểu kỹ hiện trường nhưng không thấy có dấu vết nào, không sao biết được kẻ nào đã lấy mất gánh giấy.
Ông liền lệnh truyền cho người dân sở tại và các làng lân cận rằng quan yêu cầu người dân phải làm tờ khai ghi rõ tên tuổi quê quán để dễ quản lý. Mọi người đua nhau ra chợ mua giấy làm tờ khai, khiến giá giấy lập tức tăng lên.
Nguyễn Khoa Đăng cho quân bố trí ở chợ, quả nhiên thấy xuất hiện một người mới, mang rất nhiều giấy ra bán. Quan quân liền bắt ngay, thì chính là thủ phạm đã trộm giấy của lái buôn.
Vụ án này khiến dân làng Hồ Xá phục tài phá án của Nguyễn Khoa Đăng, lưu truyền mãi câu chuyện này.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa quan lại thời xưa Bao Công Xử án