Vài nét về đất học Hà Tĩnh
- Trần Hưng
- •
Hà Tĩnh là vùng đất có núi có sông bao bọc, nổi tiếng là núi Hồng Lĩnh, sông Lam, sông La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, hình thành nên những nơi được xem là địa linh, “đất học”, xuất sinh những bậc hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.
Làng Tiên Điền
Nằm dưới chân núi Hồng lĩnh bên bờ sông Lam là làng Tiên Điền, nơi đây có dòng họ Nguyễn được xem là “trâm anh thế phiệt” như đại thi hào Nguyễn Du với áng thơ bất hủ, Tể tướng Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Khản, v.v…
Làng Trường Lưu
Nằm bên con sông Phúc Giang là làng Trường Lưu với dòng họ Nguyễn Huy có 4 đời nổi danh là Nguyễn Huy Tựu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ.
Nguyễn Huy Oánh sau khi đỗ Thám Hoa được chúa Trịnh mời đến dạy dỗ cho Thế tử Trịnh Sâm. Sau này, thấy Triều đình hủ bại, ông xin nghỉ hưu về làng. Năm 1783 ông được Triều đình phong làm Tham tụng (tương đương Tể tướng) nhưng ông vẫn từ chối mà chỉ ở quê nhà. Ông có làm “Từ Tham tụng khải” (tờ khải từ chối quyền Tham tụng) nổi tiếng lúc đó.
Ở quê nhà Trường Lưu, Nguyễn Huy Oánh lập “Thư viện Phúc giảng”, rồi mở trường dạy học gọi là “Trường Lưu học hiệu”. Trường học quy mô lại có thư viện với đầy đủ tài liệu không thua kém gì tại Kinh thành, khiến làng Trường Lưu trở thành trung tâm đất học của Hà Tĩnh, giúp rất nhiều sĩ tử sau này đỗ đạt.
Làng Hương Sơn
Bên cạnh con sông Ngàn Phố hiền hòa là làng Hương Sơn (nay là xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn) có dòng họ Đinh Nho nổi tiếng về khoa bảng. Dòng họ Đinh đến Hương Sơn bắt đầu từ Đinh Phúc Diên, vì trung thành với nhà Lê nên khi nhà Mạc cướp ngôi ông chạy đến đây để tránh bị phát hiện.
Đây là dòng họ có số người đỗ đạt nhiều không kể xiết, người đỗ đại khoa đầu tiên là Đinh Nho Công đỗ tiến sĩ năm 1670, kế đó là Đinh Nho Hoàn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ năm 1700.
Đặc biệt trong một gia đình 4 người gồm Đinh Nho Công cùng 2 con là Đinh Nho Hoàn, Đinh Nho Côn cùng con dâu Phan Thị Viên (vợ Đinh Nho Hoàn) khi mất đều được Vua sắc phong làm “Trung Đẳng Thần”, trong lịch sử cả gia đình được được như vậy là rất hiếm, chỉ có một. Sau này Đinh Nho Tĩnh đã có câu rằng:
Trên hộ nước, dưới che dân
Một nhà bốn vị Phúc Thần- vinh bao!
Làng Thu Hoạch
Làng Thu Hoạch (nay là xã Thạch Châu, Lộc Hà) nằm nơi cửa biển có dòng họ Phan Huy nổi lên từ thời Lê Trung Hưng.
Phan Huy Ích là quan đại thần qua cả 3 triều đại là nhà Lê Trung Hưng, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Con trai ông là Phan Huy Chú là nhà phê bình văn học với nhiều trước tác nổi tiếng, được xem là bác học.
Làng Thiên Lộc
Tựa vào dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ, nơi đây có chùa Hương Tích, dân gian hay gọi là chùa Thơm, được xem là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.
Thời Lê Trung Hưng ở Thăng Long lưu tryền câu “bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc” nghĩa là bút tốt nhất là bút ở hàng ngõ Cấm Chỉ, còn nguời học giỏi nhất quê ở Thiên Lộc, tức là chỉ Vũ Diệm – một trong “Tràng An tứ hổ”.
Khoa thi năm 1739, Vũ Diệm đỗ thứ hai kỳ thi Hội, nhưng đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình thì đỗ đầu. Tuy nhiên do khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên Vũ Diệm đỗ Bảng nhãn tức “Đệ nhất giáp Đệ nhị danh”, nhưng khi Vua ngự bút phê lại nhầm thành “Đệ nhị giáp, Đệ nhất danh” tức là bị tụt mất một bậc thành đậu Hoàng giáp.
Do Vua đã ngự bút thì không thể thay đổi, nên Vua sửa sai bằng cách tặng ông câu đối sơn son thiếp vàng để an ủi:
Tam khoa thủ cứ khai tiền tích
Nhị giáp cao đề khả hậu tri.
Nghĩa là:
Thi đậu cả 3 kỳ thi, mở ra một con đường trước
Tên tuổi của Hoàng giáp được đề rõ ở chốn cao để cho hậu thế đều biết.
Sau khi thi đỗ, Vũ Diệm làm quan qua các chức vụ khác nhau như Hàn Lâm viện biên tu đến Đông các Học sĩ, Đại lý tự khanh, Đốc đồng xứ Kinh Bắc.
Khi dân chúng nổi loạn, Vũ Diệm nhận lệnh cầm quân đi đánh dẹp, ông dùng “tâm công” đánh vào lòng người, giải quyết được vấn đề cho dân chúng, giúp cả binh sĩ và dân chúng không phải đổ máu.
Vũ Diệm cũng là người thầy nổi tiếng Kinh thành Thăng Long, đào tạo ra nhiều trò giỏi làm quan thanh liêm đảm nhận chức vụ cao.
Vũ Diệm mất tại nhiệm sở, Triều đình sau khi đánh giá công lao, đã phong ông làm Đặc tiến kim tử Vinh Lộc Đại phu, Đại lý tự khanh, tước Hồng Lĩnh Bá, được xếp vào loại công thần bậc nhất (trụ quốc thượng trật).
Vua Lê tổ chức tang lễ cho ông, thi hài được đưa về quê nhà ở Thiên Lộc. Triều đình cũng cấp 10 mẫu ruộng nghĩa để hàng năm làm lễ tế ông.
*
Ngoài các làng khoa bảng trên, Hà Tĩnh còn có đất học khác. Cẩm Xuyên có làng học Cẩm Bình, Cẩm Nhượng. Thạch Hà có làng học Phù Việt.
Trải qua chiều dài lịch sử, các làng và dòng họ khoa bảng ở Hà Tĩnh đã sản sinh ra nhiều bậc hiền tài ưu tú giúp Giang Sơn Xã Tắc, là vùng đất học nổi tiếng thuở xưa.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Vũ Diệm: Người thầy nổi tiếng trong “Tràng An tứ hổ”
- Về làng Tiên Điền nổi danh đường khoa bảng ở Hà Tĩnh
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng Làng khoa bảng