Vũ Diệm: Người thầy nổi tiếng trong “Tràng An tứ hổ”
- Trần Hưng
- •
Vào đầu thế lỷ 18, ở Kinh thành Thăng Long có ông Vũ Diệm nằm trong nhóm “Tràng An tứ hổ”, là người thầy nổi tiếng, học trò của ông nhiều người làm quan thanh liêm, đảm nhận chức vụ lớn.
Xuất thân
Thời Lê Trung Hưng ở huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An có ông Vũ Văn Tuyển sinh ra trong gia đình nhà Nho. Là người hiếu học và đức hạnh, ông đỗ đầu kỳ thi Hương lúc còn rất trẻ, làm quan đến Tri phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam. Về sau Triều đình phong cho ông làm Tham nghị xứ Hưng Hóa.
Ông Tuyển có người con là Vũ Diệm đã sớm thể hiện sự hiếu học và thông minh. Năm lên 4 tuổi, cậu bé đã biết làm câu đối, 8 tuổi đã làm thơ văn, thuở nhỏ học giỏi có tiếng, dân chúng ca tụng hết lời.
Bị cấm thi
Năm 13 tuổi Vũ Diệm thi khảo hạch ở tỉnh và đỗ đầu, con đường khoa bảng mở rộng trước mắt. Tuy nhiên Vũ Diệm lại làm văn hộ cho người đi thi. Việc bị phát giác, Triều đình gửi trát về xã khiển trách và cấm Vũ Diệm không được đi thì dù còn rất nhỏ tuổi.
Lớn lên Vũ Diệm lên Kinh đô học, tiếng tăm của chàng trai trẻ nhanh chóng lan xa. Đương thời có câu “Tràng An tứ hổ” là Quỳnh – Lân – Tân – Toại, 4 người tài năng nhất, nổi tiếng khắp chốn kinh kỳ. “Toại” là tên khác của Vũ Diệm.
Tiếng đồn về tài năng của Vũ Diệm đến tai của chúa Trịnh, Chúa liền ra sắc chỉ xá tội cho, nhờ đó mà ông mới được đi thi.
Bài thi đỗ đầu, nhưng bị công bố nhầm lẫn
Năm 1729, Vũ Diệm tham gia kỳ thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên. Năm 1732, Triều đình mở khoa thi Hoành từ, ông dự thi và đỗ đầu, ông được làm Thị nội tức chuyên làm giấy tờ trong phủ chúa Trịnh.
Bấy giờ ở Thăng Long lưu tryền câu “bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc” nghĩa là bút tốt nhất là bút ở hàng ngõ Cấm Chỉ, còn nguời học giỏi nhất quê ở Thiên Lộc, tức là chỉ Vũ Diệm – một trong “Tràng An tứ hổ”.
Khoa thi năm 1739 đời vua Lê Ý Tông, Vũ Diệm đăng ký dự thi. Tại kỳ thi Hội ông đỗ cao thứ hai, đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình, bài văn sách của ông được chấm đỗ đầu.
Tuy nhiên do khoa thi năm này không lấy Trạng nguyên nên người đỗ đầu chỉ là Bảng nhãn. Quan chấm quyển tâu lên Vua ban cho Vũ Diệm “Đệ nhất giáp Đệ nhị danh” (tức Bảng nhãn), nhưng khi Vua ngự bút phê lại nhầm thành “Đệ nhị giáp, Đệ nhất danh” tức là bị tụt mất một bậc thành đậu Hoàng giáp.
Khi biết tin, ai cũng lấy làm tiếc cho Vũ Diệm. Vì Vua đã ngự bút không dễ thay đổi, nên Vua sửa sai bằng cách tặng ông câu đối sơn son thiếp vàng để an ủi:
Tam khoa thủ cứ khai tiền tích
Nhị giáp cao đề khả hậu tri.
Nghĩa là:
Thi đậu cả 3 kỳ thi, mở ra một con đường trước
Tên tuổi của Hoàng giáp được đề rõ ở chốn cao để cho hậu thế đều biết.
Người thầy nổi tiếng Kinh thành
Sau khi thi đỗ, Vũ Diệm làm qua qua các chức vụ khác nhau như Hàn Lâm viện biên tu đến Đông các Học sĩ, Đại lý tự khanh, Đốc đồng xứ Kinh Bắc.
Khi có quân nổi loạn, Vũ Diệm lại cầm quân đi đánh dẹp. Khi cầm quân, ông dùng “tâm công”, đánh vào lòng người, giành được thắng lợi mà không làm binh sĩ phải đổ máu, đối phương thì phải chịu phục.
Vũ Diệm là người thầy nổi tiếng Kinh thành Thăng Long, đào tạo ra nhiều trò giỏi làm quan thanh liêm đảm nhận chức vụ cao.
Vũ Diệm mất tại nhiệm sở, Triều đình sau khi đánh giá công lao, đã phong ông làm Đặc tiến kim tử Vinh Lộc Đại phu, Đại lý tự khanh, tước Hồng Lĩnh Bá, được xếp vào loại công thần bậc nhất (trụ quốc thượng trật).
Vua Lê tổ chức tang lễ cho ông, thi hài được đưa về quê nhà ở Thiên Lộc, Triều đình cũng cấp 10 mẫu ruộng nghĩa để hàng năm làm lễ tế ông.
Ngày nay nhà thờ Vũ Diệm quê ông được xếp hạng di tích văn hóa, thu hút khách phương xa, vào dịp lễ nhà trường cũng tổ chức cho học sinh và sinh viên đế thắp hương tưởng nhớ tìm hiểu cuộc đời của ông.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
- Đặng Đại Độ: Vị thanh quan dưới thời Chúa Võ
- Thiên tượng hung hiểm và kết cục khác biệt của hai vị quân vương
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng Lê Trung Hưng Giáo dục