Ở bờ giếng nhà nào thường cũng có một vài cái chum hoặc vại. Chum vại lớn thì đựng nước uống. Chum vại nhỏ thì đựng nước vo gạo. Nhà tôi cũng có hai cái một lớn một nhỏ ở bờ giếng.

Cái vại lớn thì đựng nước uống. Nó có miệng rất rộng và lớn, cao tới tận ngực tôi lúc tôi học lớp một. Nhà tôi khi đó chưa có giếng khoan. Cả nhà phải múc nước từ dưới giếng lên bằng gàu. Vì giếng rất sâu, múc nước vừa nặng nhọc vừa nguy hiểm nên bố mẹ tôi mỗi sáng trước khi đi làm sẽ múc một vại đầy để mấy chị em chúng tôi dùng trong buổi sáng hoặc cả ngày. Nước này dùng để nấu cơm, nấu nước uống, rửa rau… Trên mặt vại gác cái gáo dừa, về sau thay bằng cái gạo nhựa thả ở trong. Bọn trẻ con vào xin nước, cũng múc nước ở đây uống thay vì kéo nước dưới giếng. Cái vại lớn, miệng rộng lại không có nắp đậy nên vào mùa hoa bưởi, hoa rụng cả vào trong. Khi nào trời đẹp nhìn vào trong chum tôi còn thấy cả một mảng trời xanh mây trắng lung linh trong đó.

Cũng có những buổi trưa trốn ngủ đi chơi đâu đó về, tôi chạy ào vào bờ giếng lấy gáo múc nước trong vại dội lên cái đầu đang nóng bừng bừng làm mẹ tôi kêu gào ầm ĩ. Bà vừa tiếc công múc nước vừa sợ tôi bị cảm. Cứ định kì mẹ tôi lại sai chị em tôi dùng nắm rơm cọ rửa cái vại này một lần thật kĩ từ trong ra ngoài. Để lâu đáy vại dễ bị đóng cặn hoặc lên rêu. Vại đựng nước ăn, uống của nhà tôi tuy lớn nhưng có nhà còn có những cái chum, vại lớn hơn. Bởi thế, chum, vại đựng nước tuy hữu dụng trong đời sống nhưng cũng là vật nguy hiểm. Trẻ con nếu nghịch ngợm thò đầu vào trong mà ngã có khi không tự thoát ra được và bị đuối nước. Ở làng tôi đã từng xảy ra chuyện đau lòng như thế. Bố mẹ đi làm để anh ở nhà trông các em. Anh còn nhỏ quá nên dại dột và mải chơi. Lúc anh mải chơi em chạy ra bờ giếng nghịch chum nước. Loay hoay thế nào ngã vào trong chum, đầu chúi xuống dưới, chân dốc ngược lên. Khi anh nhấc em lên thì em đã tử vong. Anh vẫn dại đến độ tưởng em ngủ nên đặt em nằm ở trên thềm chờ cha mẹ về. Chuyện này tôi nghe nhiều người ở làng kể lại. Có lẽ vì thế mà cái vại nước ở nhà tôi không quá cao và cái miệng rất rộng. Giả sử như tôi có nghịch ngã lộn cổ vào trong thì nó sẽ bị đổ kềnh ra ngay hoặc chân tôi vẫn có thể chạm đất nên đứng dậy được.

Đặt cách cái vại lớn một đoạn là một cái vại nhỏ hơn, cũng có miệng rất rộng. Đấy là vại đựng nước vo gạo mà người làng tôi hay gọi là vại đựng nước rác. Khi vo gạo, tôi sẽ đổ nước vo gạo vào đó. Nước này dùng để nấu cám cho lợn ăn. Lúc cọ nồi cơm, mà nồi còn sót cơm nguội bám quanh tôi cũng đổ nước này vào đó. Bọn gà hay quanh quẩn ở đó kiếm ăn là vì thế.

Khi có giếng khoan, cái vại lớn biến mất. Nước được bơm lên bể, từ bể có vòi dẫn nước lắp khóa. Khi dùng chỉ cần vặn khóa là xong, rất tiện. Thật sự tôi cũng không nhớ chính xác cái vại lớn đựng nước uống ở nhà tôi đã biến đi đằng nào. Tôi không thấy nó ở trong nhà tôi nữa. Có lẽ bố mẹ tôi cho ai đó chăng? Cái vại nhỏ đựng nước vo gạo thì được chuyển ra vườn thành dụng cụ đựng nước cho gà uống khi nhà tôi không còn nuôi lợn. Bây giờ nó vẫn nằm đó, dưới gốc mít trong vườn nhà tôi. Thi thoảng về quê, muốn cho mấy đứa trẻ con trải nghiệm trò câu cá, tôi vẫn lật đít cái vại lên để bắt giun. Dưới đó, đất ẩm, bọn giun đất thường chọn làm nơi trú ẩn.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm: