Vài tìm hiểu về chùa Thiếu Lâm
- Thiên Tân
- •
Chùa, miếu vốn là chốn tu hành, Thiếu Lâm Tự cũng không ngoại lệ. Các hoà thượng cổ đại thường nhấn mạnh rằng “tảo địa khủng thương cô nghĩ mệnh, ái tích phi nga sa tráo đăng”, quét sân sợ làm hại đến mạng con dế, thương tiếc con bướm đêm rơi vào cái chụp đèn. Nhưng quy tắc của các hòa thượng Thiếu Lâm lại không giống những ngôi chùa khác, họ đánh võ, đi quyền, cầm gậy múa côn, trừ bạo an dân, phò trợ chính nghĩa. Điều này dường như không phù hợp với tôn chỉ của những người xuất gia?
Chùa Thiếu Lâm tọa lạc trên đỉnh Tung sơn, một trong năm ngọn núi Ngũ Nhạc danh tiếng. Vì ngôi chùa được xây dựng trong rừng rậm nên được gọi là “Thiếu Lâm Tự”. Sách “Thuyết Tung” viết: “Thiếu Lâm giả, Thiếu Thất chi lâm dã”, Thiếu Lâm nghĩa là chùa được xây dựng trong rừng gần đỉnh Thiếu Thất. Chùa Thiếu Lâm là cái nôi của phái Thiền Tông trong Phật giáo và là nơi sản sinh ra môn võ Thiếu Lâm vang danh.
Chùa Thiếu Lâm được xây dựng vào năm Thái Hòa thứ 19 triều Bắc Ngụy (năm 495). Hiếu Văn Đế, một hoàng đế sùng tín Phật giáo dựng chùa ở phía bắc núi Thiếu Thất để làm chỗ ở cho nhà sư Ấn Độ Đạt Ma đến thuyết Pháp. Bồ Đề Đạt Ma, hậu duệ đời thứ 28 của Ca Diếp, đã dùng một cọng lau vượt sông Dương Tử đến Tung Sơn, rồi tập hợp các tín đồ và quảng truyền pháp lý của Thiền Tông. Đạt Ma được xưng tụng là sơ tổ của phái Thiền Tông, chùa Thiếu Lâm cũng được tôn xưng là cội nguồn của Thiền Tông. Phái Thiền Tông trải qua sáu đời, trong đó có năm đời là ở Thiếu Lâm: nhị tổ Tuệ Khả, tam tổ Tăng Xán, tứ tổ Đạo Tín, ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Lục Tổ Huệ Năng thuyết giảng ở chùa Nam Hoa ở Quảng Đông.
Công phu của Đạt Ma là phi phàm, điển tích quay mặt vào vách đá chín năm cho thấy định lực của ông. Theo sách “Thiếu Lâm Tự chí” thời nhà Thanh ghi chép thì Đạt Ma vốn không có ý định nghiên cứu quyền thuật, chỉ là do ngồi xếp bằng tĩnh tọa trong thời gian lâu tay chân tê mỏi nên muốn đứng dậy vận động tứ chi, thư giãn gân cốt. Tương truyền rằng Đạt Ma ban đầu đã truyền lại Tẩy Tủy Kinh, Dịch Cân Kinh cho đến Thập Bát La Hán quyền.
Đến thời Tùy Đường, võ thuật Thiếu Lâm đã trở nên rất nổi tiếng. Đến thời nhà Tống thì võ Thiếu Lâm dần hình thành thể hệ với phong cách độc đáo riêng, lịch sử gọi là “phái Thiếu Lâm”, trở thành trường phái dẫn đầu trong các phái võ thuật ở Trung Nguyên. Vào thời Nguyên Minh, Thiếu Lâm có hơn 2.000 tăng nhân và trở thành ngôi chùa nổi tiếng. Từ giữa triều Thanh về sau chùa Thiếu Lâm dần suy tàn. Thời hiện đại thì đây đã không còn là chốn tu hành nữa.
Xưa nay các bậc đế vương Trung Hoa đều rất coi trọng chùa Thiếu Lâm. Trước tháp chuông của ngôi chùa danh tiếng này có một tấm bia đá tên là “Hoàng đế Tung Nhạc Thiếu Lâm Tự bia”, còn gọi là “Lý Thế Dân bia”, được dựng lên vào năm Khai Nguyên thứ 16 đời Đường Huyền Tông (năm 728). Mặt sau tấm bia có khắc dòng chữ “Tứ Thiếu Lâm Tự bách cốc trang ngự thư bi ký” mô tả lại câu chuyện 13 vị hòa thượng cứu được Lý Thế Dân.
Chuyện xảy ra vào năm 621, Tần vương Lý Thế Dân dẫn binh thảo phạt Vương Thế Sung, không may chiến bại. Trong lúc nguy khốn 13 vị hòa thượng của Thiếu Lâm gồm Đàm Tông, Chí Thao, Huệ Tứ, Thiện Hộ, Phổ Huệ, Minh Tung, Linh Hiến, Phổ Thắng, Trí Thủ, Đạo Quảng, Trí Hưng, Mãn, Phong đã xuống núi trợ chiến, chặn đứt đường lui của Vương Thế Sung, đồng thời còn bắt cóc cháu trai của Vương Thế Sung là Vương Nhân Tắc, buộc Vương Thế Sung phải đầu hàng. Tần vương Lý Thế Dân sau này lên ngôi trở thành hoàng đế Đường Thái Tông. Đường Thái Tông đã phong cho hòa thượng Đàm Tăng làm đại tướng quân, những người còn lại thì vào thời nguy cấp có thể ra làm tướng, khi bình ổn rồi thì quay lại làm tăng. Ngoài ra Đường Thái Tông còn ban cho chùa Thiếu Lâm 40 khoảnh đất, chiêu mộ đội tăng binh 500 người và cho phép các hòa thượng tập võ công khai. Cũng từ đó vị trí lịch sử đặc thù của các võ tăng Thiếu Lâm đã được xác lập.
Sơn môn, tức cổng chính của Thiếu Lâm Tự là một cổng tam quan của kiến trúc thời nhà Thanh. Ba chữ lớn “Thiếu Lâm Tự” trên cổng là do Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh đích thân viết tặng, trên đó còn có một con dấu hình vuông khắc dòng chữ “Khang Hy ngự bút chi bảo”. Ngày 30 tháng 9 năm Càn Long thứ 15 khi hoàng đế Càn Long du ngoạn đến Trung Nhạc miếu, đi ngang qua chùa Thiếu Lâm Tự, đêm đó đã mượn phòng của phương trượng làm nơi nghỉ. Lúc hứng khởi hoàng đế đã ngự bút đề một bài thơ ngũ ngôn:
Minh nhật chiêm Trung Nhạc,
Kim tiêu túc Thiếu Lâm.
Tâm y lục thiền tĩnh,
Tự cư vạn sơn thâm.
Thụ cổ phong lưu lại,
Địa linh tịch tác âm.
Ứng giáo bán nham vũ,
Phát ngã dạ song ngâm.
Tạm dịch:
Ngày mai ngoạn Trung Nhạc,
Đêm nay ngụ Thiếu Lâm.
Tâm theo lục thiền tĩnh,
Chùa trong vạn núi sâu.
Gió thổi cây thành tiếng,
Đất linh đêm hoá trăng.
Nên bảo mưa lưng vách,
Khiến ta vịnh song ngâm.
Chùa Thiếu Lâm qua các triều đại đã xuất hiện nhiều cao tăng và đệ tử tục gia nổi danh, trong đó nổi tiếng nhất là hòa thượng Đàm Tông thời Đường; thời Đường về sau có hoà thượng Quang Tông; thời Tống có Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận; thời Nguyên có đại thánh Khẩn Na La Vương và thiền sư Phúc Dụ; thời Minh có đại sư Giác Viễn, hòa thượng Tiểu Sơn; cuối thời Minh có hoà thượng Thống Thiền; thời Thanh có các hoà thượng Thiết Trai, Trí Thiện, Trí Quả, Thiên Hồng, Trạm Cử, Ngũ Mai, Cổ Luân, v.v…
Võ thuật của chùa Thiếu Lâm nổi danh khắp thiên hạ. Cùng với đó võ tăng Thiếu Lâm cũng đã trở thành một danh từ đặc biệt. Về lý thì hòa thượng xuất gia tu hành, cần tu tâm hướng thiện, vì sao các hòa thượng Thiếu Lâm lại còn cầm đao múa côn?
Mọi người có thể nhìn thấy những công phu mà các nhà sư Thiếu Lâm luyện ra, đó là những thứ khiến con người thế gian phải ngưỡng mộ. Các công phu đó khiến người ta cảm thấy thật huyền hoặc, nhưng lại là điều có thể tiếp xúc đến được một cách hết sức thực tại. Chùa Thiếu Lâm đã triển hiện cho con người những điều sơ khởi nhất trong tu luyện, tức là triển hiện ra những thứ mà người trần mắt thịt buộc phải công nhận là có. Nhưng kỳ thực đối với giới tu luyện mà nói thì võ thuật Thiếu Lâm chỉ là bước đệm để tiếp tục tu luyện cao hơn, còn tu luyện thực sự lại là một môn học vấn bác đại tinh thâm.
Sự tồn tại của võ thuật Thiếu Lâm gợi mở cho con người một con đường hướng đến tu luyện, khám phá những ảo diệu thần bí và nội hàm của tu luyện. Còn những công phu cao thâm thực sự, những điều “nghe nói” trong các tiểu thuyết võ hiệp, thì chỉ khi đạt được đến cảnh giới ở tầng thứ cao mới có thể có được.
Theo “Danh sơn cổ tự: Thánh địa võ lâm – Bí mật về Thiếu Lâm Tự“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Thiên Tân
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa võ thuật truyền thống chùa Thiếu Lâm