Chuyện chúa Jesus vượt qua cám dỗ của ác quỷ qua tranh Phục Hưng
- Quang Minh
- •
Quay trở lại với nhà nguyện Sistine của kỳ I, lần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một bức họa khác: “The Temptations of Christ” (1480 – 1482) (Tạm dịch: Những cám dỗ đối với Đấng Kito). Phía dưới bức tranh này có khắc dòng chữ rằng: “Những cám dỗ đối với Đấng Kito, người mang tới Phúc Âm”. Câu chuyện đằng sau bức họa này liên quan tới hành trình giác ngộ của Chúa Jesus…
Chúa Jesus vượt qua cám dỗ của ác quỷ
Hội họa Phục Hưng ngoài đạt đến đỉnh cao về chi tiết và bố cục thì còn có một đặc điểm cũng khá thú vị khác, đó là lối kể chuyện trong tranh. Theo đó, khi thưởng thức một bức tranh, người xem sẽ nhìn thấy nhiều tình tiết khác nhau của một câu chuyện hoàn chỉnh. Bức “Những cám dỗ đối với Đấng Kito” cũng vậy, nó miêu tả việc Chúa Jesus đã vượt qua ba lần cám dỗ của ác quỷ như thế nào.
Ở phía trên bức họa, theo thứ tự từ trái qua phải, câu chuyện diễn ra như sau:
Đầu tiên, khi Chúa Jesus đang nhịn ăn trong suốt 40 ngày liên tục, thì ác quỷ đến với một lời thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, ông hãy biến đá này thành bánh đi”. Bản thân Chúa Jesus có quyền năng làm điều đó, nhưng ông đã không đáp ứng lại lời khiêu khích đó của ác quỷ, bởi vì quyền năng không phải là thứ có thể tùy ý hiển thị và phép lạ không phải là một thứ có thể phô trương. Nếu có được sử dụng thì cũng chỉ là để cứu rỗi và mang lại chính tín cho con người.
Thất bại, ác quỷ vụt mang Chúa Jesus lên tới nóc một đền thờ của Jerusalem. Nó tiếp tục dụ dỗ Chúa Jesus nhảy xuống với lời đường mật rằng: “Thiên Chúa sẽ ra lệnh cho các Thiên Thần nâng đỡ ông”. Chúa Jesus bình tĩnh đáp lại ác quỷ rằng ông sẽ không nghi ngờ Thiên Chúa của mình, và rằng thử thách những gì Ngài giảng chính là một hành vi bất kính lớn nhất.
Cuối cùng, trên một ngọn núi, ác quỷ cho Chúa Jesus thấy vẻ đẹp của Trái Đất, và hứa hẹn rằng nếu Chúa Jesus từ bỏ đức tin của mình, ông sẽ được toàn quyền cai trị Trái Đất này. Ác quỷ nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả quyền lực và vinh quang, vì tất cả là của tôi, và tôi có thể cho ai tuỳ ý, nếu ông thờ lạy tôi, tất cả sẽ thuộc về ông”. Tuy nhiên một lần nữa Chúa Jesus lại thể hiện lòng kiên định của mình.
Chính vì sự kiên định của Chúa Jesus, nên các Thiên Thần đã xuất hiện và ác quỷ bị bức bách phải chạy trốn.
Ở phần dưới bức họa mô tả cảnh một người bị bệnh hủi đã được Chúa Jesus chữa lành, và đang được cha xứ làm lễ rửa tội. Hình ảnh này cùng với câu chuyện về Chúa Jesus vượt qua cám dỗ của ác quỷ đã gợi cho chúng ta thấy được một sự tịnh hóa. Hàm nghĩa của nó là con người có thể thoát khỏi tội lỗi và nhận được sự cứu rỗi thông qua đức tin.
Chuyện tu hành của một đấng Giác Ngộ
Ngắm bức “Những cám dỗ đối với Đấng Kito”, người phương Đông chúng ta không khỏi có phần liên tưởng tới các chính giáo lớn trên khắp thế giới. Mặc dù trên bề mặt, văn hóa tu hành ở phương Tây có sự khác biệt lớn so với phương Đông, nhưng về bản chất người ta cũng có thể nhìn thấy sự tương đồng trong các ma nạn.
Trong Phật giáo, Phật Thích Ca cũng từng phải bỏ lại sau lưng vương vị và người vợ xinh đẹp để đi tìm chân lý, cũng từng trải qua bao nhiêu khổ nạn để chứng ngộ được Pháp lý của mình. Để lưu truyền lại Pháp lý đó, Phật Thích Ca lại phải trải qua 49 năm, đi xin ăn ở chốn người thường, lấy thân mình làm gương cho các đệ tử, và vượt qua sự bài xích của những tôn giáo khác tại Ấn Độ. Cuối cùng, Phật Thích Ca rời đi khi vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện của mình, còn các đệ tử của Ngài rơi vào vòng bức hại.
Cũng như thế, Chúa Jesus đã phải trải qua quá trình tu hành gian khổ. Ngài phải đối mặt với những cám dỗ của ma quỷ và thể hiện lòng tin của mình trước Thiên Chúa. Ngài phải vượt qua sự bài xích của Do Thái giáo, và của chính những con người mà Ngài muốn cứu rỗi. Cuối cùng, Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự, còn những người tin theo Ngài bị đàn áp mấy trăm năm.
Từ liên tưởng đó mà nói, bức “Những cám dỗ đối với Đấng Kito”, diễn giải theo văn hóa phương Đông, thì hẳn có thể coi là chuyện cổ tu hành của một đấng Giác Ngộ.
Quang Minh
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nghệ thuật Phục Hưng Chúa Jesus Thiên Chúa giáo tác phẩm nghệ thuật ngợi ca Chư Thần