Vượt qua thường thức và định kiến
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Tiếng Việt có những câu tục ngữ, ca dao rất hiểm hóc. Nó tổng kết một tư duy, thói quen, tục lệ hay một hiện thực xã hội… đầy cay đắng của người Việt. “Bụt chùa nhà không thiêng” là một ví dụ.
Rất nhiều người sau khi ra khỏi lũy tre làng đã trở thành người giàu có, người nổi tiếng, người thành đạt, thậm chí là quan chức. Tuy nhiên khi trở về làng, họ đã bị nuốt chửng bởi “văn hóa làng xã”, bởi “lệ làng” và không thể tạo nên sự thay đổi tốt đẹp nào.
Rất nhiều cá nhân có thể hoạt động, gây ảnh hưởng ở bên ngoài nhưng không hề được chào đón ở quê hương mình, ở làng mình, xã mình, dòng họ mình.
Và rất buồn đây không phải là trường hợp cá biệt.
Tôi không phải là người thành đạt hay thành công vì sau 20 năm ra khỏi lũy tre làng tôi vẫn không có biệt phủ, không xe hơi, không có lắm tiền (dù cũng không phải phiền lụy ai), không chức vụ, thậm chí một nơi làm việc ở cơ quan nào đó như người khác cũng không.
Tuy nhiên là một diễn giả – tác giả – dịch giả (như xã hội vẫn gọi) và là một người hoạt động khuyến đọc, tôi cũng phải đối mặt với chuyện “mình làm được nhiều thứ ở bên ngoài nhưng liệu mình có thể làm gì ở quê hương không?”.
Quả thật, là một người tương đối mơ mộng nhưng cũng là người lăn lóc với đời, tôi hiểu để làm được điều gì đó về văn hóa, giáo dục ở quê mình thậm chí ngay trong gia đình mình cũng không phải điều đơn giản.
Tuy nhiên, thâm tâm tôi nghĩ nếu kiên trì thì vẫn có kết quả.
Và rồi sau 4 năm hoạt động khuyến đọc tôi đã làm được mấy việc:
- Tặng sách cho trường tiểu học Liên Chung – nơi tôi từng học (trường nằm ở trong chùa Không Bụt).
- Vận động bạn bè, độc giả ủng hộ tặng 11 tủ sách cho trường THCS Liên Chung – trường tôi học ngày xưa.
- Nói chuyện khuyến đọc nhân dịp trường THCS Liên Chung khánh thành thư viện trường.
- Nói chuyện khuyến đọc tại thư viện tỉnh Bắc Giang, trường tiểu học Ngọc Lý, trường THPT Tân Yên I (ngôi trường tôi từng học).
- Nói chuyện với hơn 200 cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Bắc Giang.
Như vậy, tôi cũng đã nói chuyện khuyến đọc được ở 3 ngôi trường tôi học từ tiểu học tới THPT và tặng sách cho hai trường tiểu học và THCS.
Trong phạm vi gia đình thì ở đằng nội bố mẹ tôi vốn có tủ sách từ những năm 80-90 của thế kỉ trước, sau này tôi bổ sung thêm và hiện đã có thư viện với mấy nghìn cuốn sách. Bốn anh chị em ruột đều có tủ sách gia đình.
Vì vậy việc xây dựng tủ sách gia đình bên nội coi như hoàn thành.
Lần này sẽ đến gia đình bên vợ. Mỗi lần về thăm ông bà ngoại của các con, tôi thi thoảng lại tặng hoặc cố ý bỏ quên một vài cuốn sách. Dần dần cụ ông đọc thấy thích và chuyện tặng sách cho ông bà trở nên lớn hơn về… số lượng. Bây giờ ông chỉ mong có thêm sách để đọc. Song song tôi vận động chị vợ và em vợ đóng giá sách và tặng sách. Kết quả là có ngay. Trong dịp nghỉ lễ này tôi tặng mỗi nhà một số sách. Bọn trẻ thích, ôm sách thật chặt.
Nói thêm là bố mẹ vợ tôi đều làm nông nghiệp. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa sách là thứ gì đó quá xa vời.
Tôi kể câu chuyện có tính chất riêng tư này chỉ với mong muốn rằng sẽ có nhiều người khác làm như tôi. Tặng sách cho bố mẹ mình, làm thư viện cho nhà mình và nhà… vợ. Mình thấy văn hóa đọc tốt thì hãy làm sao để cho người thân của mình hưởng sự tốt đẹp đó.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Tại sao nhiều du học sinh người Việt không đọc sách?
- Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam?
- Thi đua của giáo dục Việt Nam trong mắt người Nhật
- Tại sao người Việt sống ở nước ngoài lâu vẫn không ứng xử văn minh?
Mời xem video:
Từ khóa đọc sách Nguyễn Quốc Vương tủ sách gia đình