‘Hiệp sĩ’ chết! Lỗi ở ai?
- Mai Quốc Ấn
- •
Đêm qua, đã có hai hiệp sĩ Sài Gòn và một thường dân tham gia bắt trộm mất mạng tại Tp.HCM, và nhiều người khác bị thương; khi họ phát hiện một băng trộm bẻ khóa xe và bị chúng tấn công bằng hung khí. Những cái chết tất yếu của một xã hội mà nền pháp quyền còn lỏng lẻo, quản lý pháp quyền còn hình thức, và nhiều nơi cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, sống chết mặc dân!
Bắt cướp nên là chuyện của cơ quan công an, công cụ bảo vệ của một xã hội pháp quyền thực sự. Nhưng mô hình xã hội pháp quyền trên thực tế vẫn là… mô hình.
Sự xuất hiện của hiệp sĩ- những anh hùng từ xưa đến nay, đều bắt đầu từ nhu cầu xã hội. Nếu xã hội phong kiến không có những hình ảnh của Phong Lai, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Đặng Sinh,… gây cảnh nhiễu nhương, không có hình ảnh giặc Ô Qua hung tàn xâm lược thì cuộc đời đã yên bình.
“Hiệp sĩ” không phải “thế công an hành đạo” mà là những người dân “kiến nghĩa tất vi” (thấy việc nghĩa sẽ làm) trước hết để thỏa mãn nhu cầu bảo vệ bản thân, gia đình, làng xóm, cộng đồng. Và hình ảnh Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực xuất hiện để trừ nội loạn, dẹp ngoại xâm theo cách đơn lẻ (đánh tặc Phong Lai) lẫn có tổ chức (chống giặc Ô Qua).
Họ – những hiệp sĩ, không cần xuất hiện nếu có một xã hội pháp quyền thực sự!
Nhưng hôm qua, họ đã chết, 3 người. Và “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ về phần ai?” nếu không phải là những người dũng cảm dám nhận phần gian khổ về mình một cách tự nguyện (theo nhu cầu bản thân, nhu cầu xã hội) chứ không phải là nhiệm vụ bắt buộc?
Đó là những cái chết “tự nguyện”?
Sự “tự nguyện chết” bắt buộc vì một xã hội được gọi là xã hội pháp quyền đang “chờ” hoàn thiện, củng cố. Sự tồn tại của nghĩa khí, lương tri nói chung và sự xuất hiện “hiệp sĩ” nói riêng cho thấy quá trình hoàn thiện xã hội pháp quyền vẫn đang diễn ra, đang trong giai đoạn quá độ.
Tôi mong chờ một xã hội pháp quyền hoàn thiện luôn cần một hệ thống luật pháp đủ sức ngăn chặn cái ác. Một xã hội pháp quyền hoàn thiện cũng cần có chế độ an sinh hoàn bị để quyền lợi xã hội được phân phối công bằng, cơ hội lao động và thụ hưởng cân bằng, để tránh các mâu thuẫn xã hội trở nên sâu sắc – cơ hội cho cái ác xuất hiện.
Nhưng, họ – những hiệp sĩ, đã chết; và điều mong chờ ấy đến nay vẫn là… chờ mong!
Có hơn một lần, nhà báo Nguyễn Hồng Lam (Báo CAND) kể tôi nghe về Hồ Duy Trúc – tội phạm chặt tay nạn nhân để cướp. Tôi nhớ một câu của anh Hồng Lam: “Nhà nó ở Ninh Thuận quê tao, nghèo xơ xác!“. Bản thân cái nghèo không phải là lý do để ai đó trở thành kẻ cướp. Nhưng cái nghèo để “dẫn dắt” ai đó trở thành kẻ cướp tài sản và thậm chí là cướp mạng sống người khác xưa nay chưa hề hiếm!
20 năm viết báo của mình, tôi chứng kiến nhiều “kẻ cướp” khác đã đẩy dân đến bần cùng. Đó có thể là một loạt cán bộ đã “hỏa thiêu ngân sách” tính bằng trăm tỷ, nghìn tỷ, chục nghìn tỷ với các dự án từ thuế dân. Đó có thể là một loạt các văn bản thu hồi đất của dân “đúng quy trình” với giá chỉ bằng một tô phở/m2 và bán lại sau đó với giá vài lượng vàng/m2 ngay sau đó.
Để người dân nơm nớp lo sợ trộm, cướp là lỗi của ai?
Để hiệp sĩ (tự phát) đối mặt với trộm cướp, và chết, là lỗi của ai?
Để một xã hội mà nghèo đói không được giải quyết- tạo thành nguồn cơn cho trộm cướp – là lỗi của ai?
Đó, không phải lỗi ở nhân dân!
Theo Facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn
(*) Bản đăng có chỉnh sửa chi tiết nội dung so với nguyên bản
Xem thêm:
Từ khóa công lý cướp giật Đạo lý