Trong thời dịch bệnh, con người ngày càng chú ý đến việc giữ gìn sức khỏe, họ quan tâm nhiều đến thực phẩm chức năng nhưng lại bỏ qua vai trò chủ đạo của yếu tố tinh thần. 

Sức khỏe toàn diện
Sức khỏe toàn diện. (Ảnh: Nabilah Khalil/ Shutterstock)

Ngày nay, dễ nhìn thấy cảnh từ trẻ nhỏ, thanh niên đến người già, nhiều người đang sống trong tình trạng kiệt quệ, không còn sức sống. Một đứa trẻ mới 10 tuổi cũng có thể nói ra câu này: Toàn những thứ nhàm chán, cuộc sống thật vô nghĩa!

Tất nhiên, các sản phẩm điện tử, game, Internet là nguyên nhân chính khiến con người ta ham mê chúng mà tiêu tốn thời gian và sức lực, ngày càng cảm thấy nhàm chán nhưng không thể dứt ra được. Tuy nhiên, dường như quỹ đạo cuộc sống đã bị dẫn dắt bởi toàn bộ xã hội đến sự tiêu hao và “nội ma sát” này, tất cả mọi người đều ở trong đó.

Nếu bạn muốn nhảy ra ngoài, bạn cần phải “phản bổn quy chân”, tức là hoàn thiện chính mình trên cơ sở cái gốc cội nguồn của mình, lấy lại sự hồn nhiên của mình. Vậy chúng ta hãy cùng nhìn lại những nguyên tắc hoàn thiện này mà văn hóa truyền thống để lại.

Lối sống điềm đạm của người xưa đã trở thành niềm hy vọng xa vời cho sự quay lưng lại với đạo đức ngày nay. Trong kỳ thứ năm trong loạt thơ “Ẩm tửu” (Uống rượu) của Đào Uyên Minh đời Đông Tấn có đoạn: 

Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ,
Tâm viễn địa tự thiên.

Tạm dịch:

Cất nhà trong cõi nhân gian
Ngựa xe huyên náo chẳng tràn vào đây
Vấn ông sao được như vầy?
Tấm lòng cao viễn, đất này tự xa

Đào Uyên Minh mặc dù sống ở một thành phố bận rộn nhưng chưa bao giờ cảm thấy phiền phức bởi sự hỗn loạn. Ông nói: Chỉ cần tránh xa những chuyện trần tục, cảnh tượng (nhìn thấy) sẽ là ở một nơi rất xa xôi, yên bình.

Cần kiệm thành đại sự
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Sự mệt mỏi của ngày nay chủ yếu là do ham muốn thúc đẩy, sự thống khổ khi mong cầu mà không được đáp ứng, những ham muốn đó dày vò khiến cho bản thân trở nên mòn mỏi. Do vậy cũng không lĩnh hội được trạng thái nhàn nhã “Vô ti trúc chi loạn nhĩ, vô án độc chi lao hình” (trích Lậu Thất Minh của thi sĩ Lưu Vũ Tích), tạm dịch là: Không đàn sáo chi phiền tai, chẳng đơn từ gì nhọc mình.

Con người ngày nay đã đi lệch quá xa so với quan niệm của người xưa “tĩnh để dưỡng thân, kiệm để dưỡng tính”, tạm dịch: Yên tĩnh để dưỡng thân thể, tiết kiệm để dưỡng tính cách. Ngày nay, tư tưởng của con người, dưới sự phóng đại và dẫn dắt của các phương tiện truyền thông dòng chính, nhấn mạnh đến sự ham mê, theo đuổi sự xa hoa, lấy sự ồn ào để giải trí thời thượng, đều là những phương thức tiêu hao đi năng lượng cuộc sống con người, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ ngắn ngủi, dẫn đến tinh thần ngày càng yếu ớt hơn, xung đột xã hội và vấn đề sức khỏe trở nên nhiều vô kể.

Nhà thơ Đỗ Thừa đời Tây Hán cho rằng “Túng nhĩ mục chi dục, tứ chi thể chi an giả, thương huyết mạch chi hòa”, tạm dịch: Ham hưởng thụ quá mức, ham mê mà không kiềm chế, sẽ làm tổn thương cơ thể, sinh khí bất hòa. Sử gia Ban Cố trực tiếp nói: “Nhạc nhi hữu tiết, tắc hòa bình thọ khảo”, tạm dịch: vui vẻ mà có tiết chế thì cuộc sống bình yên, phúc thọ. Cho nên Tào Tháo mới nói rằng “Dưỡng di chi phúc, khả đắc vĩnh niên”, tạm dịch: Phúc lành có được nhờ dụng tâm dưỡng thành thì có thể giữ được bền lâu. Đó là cảnh báo rằng mọi người cần tu dưỡng chính khí cương trực thì mới có thể khiến cho cả tâm lẫn thân đều khỏe mạnh.

Ngày nay, xã hội Trung Quốc đang phát triển theo chiều hướng đi ngược càng lúc càng xa so với văn hóa truyền thống Trung Hoa cổ xưa. Dưới dự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đất nước này đang phát triển theo hướng không có lối thoát, không thể quay về. Vụ việc ngôi sao quần vợt Bành Soái bị ông Trương Cao Lệ, cựu Phó thủ tướng ĐCSTQ, tấn công tình dục gần đây đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc giới quyền quý trong quan trường ĐCSTQ giở trò với phụ nữ và trẻ nhỏ vẫn thường xuyên xảy ra, điều này đã trở thành thông lệ từ lâu.

“Thượng thư” có câu cách ngôn “Ngoạn nhân tang đức, ngoạn vật tang chí”, tạm dịch: Chơi người thì mất đạo đức, chơi vật thì mất ý chí. Chính quyền ĐCSTQ cho phép sắc tình, khiêu dâm tràn lan nhưng lại nghiêm cấm ngôn luận và tố cáo pháp luật. Chính là mở ra cánh cửa cho người dân sa đọa nhưng lại chặn con đường dẫn đến phẩm giá đạo đức và thức tỉnh, lại càng là tiêu diệt và xuyên tạc văn hóa truyền thống, làm cho dân trí thấp, học gì, nghĩ gì đều là văn hóa của đảng. Những việc hại mình hại người này đã khiến giới lãnh đạo ĐCSTQ thực chất mãi chỉ giữ văn hóa ở mức tiểu học, phong cách hành xử vô cùng ngây thơ và lố bịch mà không hề hay biết.

Sự bức hại chính tín, hủy hoại văn hóa truyền thống, khuyến khích thói kiêu căng, xa xỉ và mại dâm là những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự thất bại của toàn xã hội. Những người kiệt quệ hay cằn cỗi về thể xác và tinh thần đều mong muốn trở về quê hương truyền thống thiêng liêng của mình.

Trong tác phẩm “Luận ngữ – Lý nhân”, Khổng Tử đã dạy các đệ tử của mình “Kiến hiền tư tề, kiến bất hiền nhi nội tỉnh dã”, tạm dịch: Khi thấy người hiền đức thì cần lấy họ làm gương, khi thấy người không hiền đức thì cần ngẫm lại xem bản thân mình có khuyết điểm lầm lỗi giống họ không, từ đó mà sửa đổi. Nếu ai ai cũng đều làm được vậy, thì trong thời loạn thế mịt mờ này, có thể chân chính làm người thay vì trở thành nô lệ cho dục vọng.

Trong “Giới tử thư”, Gia Cát Lượng viết: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn”, cảnh báo con trai rằng nếu không thể coi thường danh lợi cá nhân thì không thể tỏ rõ được chí hướng; không an tĩnh thì không thể gây dựng được chí hướng cao xa.

Vì vậy, tích lũy văn hóa ngàn năm của người xưa từ lâu đã sớm cho chúng ta biết rằng: Giữ gìn sức khỏe tốt nhất chính là tu dưỡng bản thân.

Mục San, theo Sound of hope
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả.)

Xem thêm:

Mời xem video: Nhìn từ chữ Hán, ‘yêu nước’ kiểu Trung Quốc thời hiện đại rất méo mó