“Quà năm mới” ông Tập Cận Bình tặng cho cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân
- Kim Ngôn
- •
Gần đây, ông Tôn Chính Tài, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Bí thư thành phố Trùng Khánh đã bị đưa ra truy tố tại Thiên Tân vì tình nghi liên quan tội nhận hối lộ. Đây có thể xem là “món quà tân niên” mới nhất mà ông Tập Cận Bình tặng cho cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân trong dịp Tết 2018!
Ngày 15/7 năm ngoái, ông Tôn Chính Tài, nhân vật được xem là “người tiếp quản quyền lực phái Giang”, đã bị cách chức Bí thư thành phố Trùng Khánh; ngày 24/7 bị lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm; ngày 29/9 bị khai trừ Đảng; ngày 04/11 bị cách chức đại biểu Nhân đại toàn quốc; ngày 11/2 năm nay bị Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc lập án điều tra vì tình nghi nhận hối lộ; ngày 13/2/2018, Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc chuyển hồ sơ cho cơ quan kiểm sát Thiên Tân đưa ra truy tố.
Thực tế, chính âm mưu đoạt quyền lực tối cao trong Đảng mới là nguyên nhân thực sự khiến nhân vật được cho là “người tiếp quản quyền lực phái Giang” này bị xử lý. Từ câu chuyện ông Tôn Chính Tài quỳ lạy long bào tại nhà và câu chuyện Bạc Hy Lai xây dựng hoa biểu (trong văn hóa Trung Quốc là biểu tượng của quyền lực) ở Quảng trường Đại Liên không khó để nhận ra dã tâm chính trị của những vị quan to này.
Ngày 03/2/2018, trên báo mạng Caixin của nhà nước Trung Quốc có đăng bài viết tựa đề “Người phụ nữ đứng sau Tôn Chính Tài”, tiết lộ về câu chuyện người phụ nữ may long bào cho Tôn Chính Tài là nữ thương nhân Lưu Phụng Châu (Liu Fengzhou). Là người có “quan hệ đặc biệt” với Tôn, chính Lưu Phụng Châu đã làm long bào cho Tôn và thông qua “quan hệ đặc biệt” này để giành được nhiều quyền lợi tại những dự án lớn trong địa bàn Trùng Khánh. Theo điều tra của ký giả mạng Caixin, ông Tôn Chính Tài chính là người “dìu dắt” nữ thương nhân Bắc Kinh này trở nên nổi tiếng với thương hiệu nước ép “Khiên Thủ” (Dắt Tay), là người tình có quan hệ lâu dài nhất với viên quan họ Tôn này. Họ biết nhau từ năm 1998 khi Tôn còn là Quận trưởng quận Thuận Nghĩa thuộc thành phố Bắc Kinh, việc kinh doanh của Lưu ngày càng lớn mạnh cùng con đường thăng tiến trên quan trường của Tôn, tạo thành “đế chế thương mại” theo con đường quan lộ của Tôn từ Bắc Kinh, Cát Lâm, đến Trùng Khánh.
Lưu Phụng Châu tin vào Thần Phật, luôn đeo tràng hạt trên mình, tháng Sáu tháng Bảy hàng năm đều lên Tây Tạng lạy “Phật”, ngày Tết đi núi Ngũ Đài lạy “Phật”. Lưu từng lấy 8 chữ ngày sinh của Tôn đi nhờ đạo sĩ đoán mệnh, người đoán mệnh nói rằng chủ nhân của ngày sinh này có số làm quan to, quan lộ sẽ thăng tiến tột đỉnh. Lưu Phụng Châu tin tưởng nên đã đặc biệt cho làm long bào tặng Tôn, trên long bào thêu 8 chữ ngày sinh của Tôn.
Giới truyền thông cũng chia sẻ về thông tin do người thân cận của Tôn Chính Tài tiết lộ, trong nhà quan to này có một phòng trống chỉ để treo duy nhất chiếc long bào. Bất cứ khi nào Tôn Chính Tài có mặt ở nhà là hàng ngày lại thắp nhang quỳ lạy long bào. Ngoài ra Tôn còn nghiện trò chơi điện tử “vinh hiển của nhà vua” (king of glory), mỗi khi đi thị sát không chơi xong trận thì không chịu xuống xe, khiến mọi người đi cùng phải chờ đợi. Có nhận định, nếu nói chuyện mê trò chơi điện tử trên điện thoại này là vì trò chơi giúp ông ta thỏa mãn tâm lý theo đuổi “ngai vàng”, vậy thì chuyện quỳ lạy long bào không còn là chuyện say mê quyền lực bình thường mà là sự méo mó tâm lý đến cực điểm.
Theo hồ sơ công khai, Quảng trường Tinh Hải được xây dựng vào ngày 30/6/1997 thời Bạc Hy Lai cầm quyền Đại Liên, có diện tích 1,1 triệu mét vuông, là quảng trường thành phố lớn nhất châu Á, lớn hơn 2 lần Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh. Trung tâm của quảng trường Tinh Hải là cột đá hoa biểu lớn nhất trong các cột đá hoa biểu tại Trung Quốc, có chiều cao 19,97 mét, đường kính 1,997 mét, cao hơn 2 lần cột đá hoa biểu tại Quảng trường Thiên An Môn (cao 9,57 mét). Phần đế của hoa biểu có 8 con rồng, cộng với phần cột trụ khắc hình rồng thì tổng cộng là 9 con rồng, trong khi cột đá hoa biểu tại Quảng trường Thiên An Môn chỉ có một con rồng.
Một người (giấu tên) hiểu biết về quá trình xây dựng này đã chỉ ra, cột đá hoa biểu này mô phỏng theo hoa biểu trước Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, và cao hơn hoa biểu ở Bắc Kinh, trong phong thủy học như vậy là áp chế “long mạch”, cho thấy rõ tham vọng chính trị của Bạc Hy Lai. Tuần san Á châu (Yazhou Zhoukan, YZZK) có nhận định, trong quan điểm của giới chính trị ĐCSTQ, hoa biểu này tượng trưng cho “dã tâm tiếm quyền” của Bạc Hy Lai. Một người thuộc chính quyền thành phố Đại Liên có tham gia trong thiết kế dự án đã thẳng thắn thừa nhận chính bản thân nhận được chỉ thị của Bạc rằng: “Có ngày tôi sẽ trở thành vua, vì thế hoa biểu này phải xây dựng cao nhất…” Viên thư ký Xa Huy (Che Hui) trước đây theo Bạc Hy Lai hơn 10 năm cũng từng có lần “lỡ lời” nói rằng Bạc Hy Lai sẽ trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ.
Giới truyền thông tiếng Trung nằm ngoài chính quyền ĐCSTQ cũng chỉ ra, con đường quan lộ của ông Tôn Chính Tài bắt đầu từ thời ông Tăng Khánh Hồng làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương (thông qua quan hệ thân quen với con trai Tăng Vĩ của Tăng Khánh Hồng), sau đó được Tăng tiến cử cho Bí thư Bắc Kinh thời ông Giả Khánh Lâm, tiếp theo lại vào Bộ Chính trị và trở thành “người kế vị”, thực tế phía sau câu chuyện này là mưu đồ của phe phái cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Ngày 16/7 năm ngoái, tác giả “Tiêu Dao Công” (@xiaoyao567) đã chia sẻ trên trang Twitter cá nhân bài viết tiết lộ, phía sau câu chuyện thăng tiến của ông Tôn Chính Tài là âm mưu của những quan to phái Giang như Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm, Lưu Kỳ. Tôn Chính Tài được phái Giang đề bạt là “người tiếp quản quyền lực”. Sau khi Bạc Hy Lai “ngã ngựa”, việc đưa Tôn Chính Tài lên tiếp quản Trùng Khánh là kết quả thỏa hiệp giữa các phe phái. Tháng 11 năm ngoái, sau khi tướng Trương Dương, cựu Chủ nhiệm Ban Công tác chính trị Quân ủy Trung ương Trung Quốc tự sát, nhiều cơ quan truyền thông ngoài nhà nước Trung Quốc nhận định Trương Dương từng tham gia vào kế hoạch chính biến. Trương Dương đã cùng Tôn Chính Tài âm mưu phát động “chính biến không đổ máu” vào trước Đại hội 19. Nhưng trong việc Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, truyền thông nhà nước Trung Quốc không thể công khai chỉ ra câu chuyện âm mưu chính biến này.
Sau khi Bạc Hy Lai “ngã ngựa”, nội tình câu chuyện chính biến giành quyền lực liên tục bị tiết lộ ra. Theo đó Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang đã liên kết xây dựng kế hoạch chính biến, mục đích đưa Bạc lên thay ông Tập Cận Bình, nhưng tổng chỉ huy đứng sau toàn bộ kế hoạch chính là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng.
Có thể thấy, việc Tôn Chính Tài bị khởi tố lần này chính là “món quà năm mới” đặc biệt mà ông Tập Cận Bình dành cho ông Giang Trạch Dân.
Blog Kim Ngôn
Xem thêm:
Từ khóa Tôn Chính Tài Giang Trạch Dân Tăng Khánh Hồng Chính biến Chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai