Tây Nguyên
- Nguyễn Thị Hậu
- •
1. Chưa ra khỏi thành phố Pleiku thì Biển Hồ đã hiện ra long lanh trong nắng sớm. Trên đọan đường ngắn rợp những hàng thông vẫn xanh, nhiều cặp cô dâu chú rể đang tạo dáng chụp hình đám cưới, trông họ thật rạng rỡ. Bạn vừa khéo léo lách xe vòng qua đám chụp hình vừa nói vui “Cưới em anh có lời mừng, bao giờ ly dị xin đừng quên anh”, cả xe cười ồ.
Trong cái nắng cao nguyên đã bắt đầu gay gắt gió từ Biển Hồ lồng lộng mang lại hơi se lạnh đầu đông. Mọi người háo hức chụp hình từ góc này góc khác. Cảnh nơi nào cùng đẹp, bạn bè ai cũng rạng rỡ niềm vui. Đứng trên cao nhìn xuống Biển Hồ dường như không còn mênh mông như nhiều năm trước… Biển Hồ như nhỏ hơn, còn tôi như rỗng hơn lơ lửng trong ồn ào vui vẻ…
Đường từ Pleiku lên Kon Tum không còn vẻ hoang vắng. Ven đường đã có nhiều ngôi nhà, khang trang có mà tạm bợ cũng có. Hầu hết xây dựng theo kiểu nhà phố, cũng giống hệt như những con đường khác trên đất nước này. Nếu là người ít đi lại có thể sẽ không biết con đường này đi đến đâu nếu những cột cây số không hiện ra báo rằng còn 30, 20 rồi 10 km nữa là đến Kon Tum. Cố tìm một cái gì đó quen thuộc trên con đường này… và chỉ còn nhận ra “người quen” duy nhất là vài vạt dã quỳ nho nhỏ ven đường. Dạo xưa dã quỳ rực rỡ trải dài ngút ngát dọc đường đi. Có khi cả một triền hoa vàng đột ngột hiện ra hút mắt. Chỉ muốn được lao vào dang tay chạy giữa những bông dã qùy vướng vít quấn quýt quanh mình.
Tháng mười một rồi đấy. Có lần bạn nói sẽ đưa tôi lên cao nguyên đón dã quỳ đầu mùa. Hứa hẹn, hẹn ước… Tiếng Việt mình hay thế…
Thì cao nguyên đấy, cao mà có còn nguyên đâu…
2. Cách đây vài năm hầu như mỗi năm tôi lên Kon Tum một lần, khi thì sưu tầm hiện vật bảo tàng, khi thì giám định cổ vật giúp một vài nhà sưu tập, khi thì điền dã ở các di tích khảo cổ hay các buôn làng. Thời gian di chỉ Lung leng (Huyện Sa Thầy) đang được Viện Khảo cổ học khai quật thì lên thường xuyên hơn, vì đây là công trường khai quật di chỉ tiền sử lớn nhất của VN, đã mang lại những thông tin rất mới về tiền sử tây nguyên và cả khu vực Đông Nam Á.
Dù đến huyện xã nào thì cũng phải bắt đầu từ thị xã Kon Tum – nay đã là thành phố. Trong cái thị xã nho nhỏ lặng lẽ này có 2 nơi tôi thường xuyên thăm thú. Đó là Chủng viện Kon Tum và Nhà thờ Gỗ, tên gọi nôm na của Nhà thờ Chánh Tòa Kon Tum.
Chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, gồm nhiều hiện vật, các bút tích… của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Cũng có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.
Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, tọa lạc trên một diện tích rộng giữa trung tâm thị xã, có kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman với kiểu nhà sàn của người Ba Na. Công trình này hoàn toàn bằng gỗ, được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây dựng.
Nhìn từ xa màu nâu ấm áp của tháp chuông nhà thờ nổi bật trên nền trời xanh. Được xây chủ yếu bằng gỗ cà chít, nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà khách, phòng trưng bày về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nhà rông. Trong khuôn viên nhà thờ còn có nhiều công trình khác nhưng sắp xếp hài hòa nên bố cục tổng thể của nhà thờ không bị phá vỡ, ngược lại thánh đường còn được tôn thêmvẻ đẹp trang nghiêm mà gần gũi. Giáo đường không lớn lắm, hàng cột gỗ giờ ngả màu đen bóng. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu như ở các nhà rường cổ, nhưng chính những hoa văn có đường nét phóng khoáng như con người Tây Nguyên, hồn hậu và khỏe khoắn. Không dùng bê tông cốt thép, thậm chí không có cả gạch, vôi vữa, nét độc đáo của kiến trúc này còn ở chỗ tất cả các bức tường đều được xây bằng đất trộn rơm, và dù gần một thế kỷ trôi qua nhưng vẫn vững vàng, hầu như không có dấu hiệu hư hỏng.
Thánh đường còn có rất nhiều khung cửa kính màu vẽ các điển tích trong Kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng, vừa tạo thêm vẻ tráng lệ cho giáo đường. Những dãy ghế gỗ sắp thẳng tăm tắp bên trong cũng góp phần tạo thêm chiều sâu cho không gian trang nghiêm, mang đến cảm giác yên bình cho mỗi người khi dừng chân cầu nguyện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ.
Lần nào trở lại Kon Tum cũng vậy, Nhà thờ Gỗ là nơi tôi thường xuyên ghé đến. Chỉ để ngắm nhìn, để đắm mình vào bầu trời xanh cao nguyên trong không gian không rộng lắm luôn tĩnh lặng… Ngồi trên những bậc thềm và Bình tâm, thấy mọi cái đã qua dù may mắn hay rủi ro, cũng đều như có sự sắp đặt nào đấy…
Hình như đấy gọi là số phận.
(Bài: năm 2011, hình: tháng 3/2018)
Từ khóa Tây Nguyên Biển Hồ nhà thờ