‘Thảm kịch’ chuyển lậu người
- Khải Đơn
- •
“Ít nhất sáu trong số 39 thi thể phát hiện trong container xe tải ở Essex, Anh, có thể là người Việt Nam.
BBC được biết có sáu gia đình Việt Nam hiện lo lắng người thân của họ nằm trong số nạn nhân xấu số.
Trong số này có Phạm Thị Trà My, 26 tuổi, người đã gửi tin nhắn cuối cùng cho gia đình đêm thứ Ba nói “con không thở được”. (1)
Đó là một đoạn tin tức khủng khiếp, trong nhiều chục năm chính quyền Việt Nam ít khi đề cập đến những cuộc lặng lẽ vượt biên bất hợp pháp vì lý do kinh tế. Điều này trở thành “lệ thường” ở một số làng quê Việt Nam, nơi ra đi được coi là điều hứa hẹn mang về sự giàu có.
Một lần ở Huế đi làm, anh cán bộ huyện chở tôi đến cái nghĩa trang của làng. Mỗi ngôi mộ xây to hơn cả ngôi nhà của gia đình ở Sài Gòn: “Bà con mình ở đây đi lao động gửi tiền về xây đó.” – anh rất tự hào. Những đồng tiền của nhiều con người vô danh nơi xứ sở xa lạ nào đó đang bồi đắp thành sự thịnh vượng kỳ quái cho làng quê này: xây nghĩa trang khổng lồ
Bạn có thể nhìn và nghe thấy câu chuyện đổi đời tương tự của bạn bè mình, hàng xóm mình, người thân trong dòng họ, hay đứa bạn cùng quê hồi niên thiếu. Đi làm ở nước ngoài là việc bình thường, khi “nước ngoài” đó có nhiều ưu thế về giá trị đồng tiền, cần nhân lực làm việc, cơ hội thay đổi cuộc sống, và ngã rẽ tạo nên sự nghiệp.
Người trẻ khát đi nước ngoài để thay đổi số phận và hoàn cảnh kinh tế gia đình. Trên một vài forum tôi thường theo dõi, họ truyền tai nhau câu chuyện qua một nước nào đó làm lao động trong xưởng bị nhốt 24 giờ/ngày suốt cả tuần, cuối tuần sẽ được ra ngoài nửa ngày, nhưng họ có thể kiếm được 17-22 triệu/tháng – để thay đổi số phận lao động phổ thông kiếm vài triệu/tháng bạc mặt ở quê (hoặc không có việc làm).
Tôi tin rằng xuất khẩu lao động, tìm cơ hội làm việc là điều rất bình thường ở bất cứ đâu, nơi con người khao khát có cuộc sống hạnh phúc và sung túc hơn – ngoài vòng lẩn quẩn cụt ngõ ở quê nhà.
Nhưng khi nó không còn là xuất khẩu lao động nữa, mà là những ông trùm nào đó về quê, tuyển mộ anh em, họ hàng xa, em cháu nhỏ… bảo bỏ vào một đống tiền (như những người trên chuyến xe ở Anh, có lẽ họ phải chi hơn 30.000 bảng Anh để được chuyển lậu sang Anh) tìm cơ hội đổi đời, thì đó là lúc những cuộc đi tìm chân trời mới biến thành trò buôn người nhẫn tâm và đầy rủi ro sinh mệnh.
Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: Tự bỏ tiền đi là chọn lựa của họ, vậy họ còn trách ai? Chính quyền làm sao cản được họ?
Trong vài bộ phim tài liệu tôi xem về chuyển lậu người – không phải cứ nhất thiết là nạn nhân không biết gì thì mới là buôn người – mà ngay cả khi nạn nhân bỏ tiền, tự nguyện chấp nhận một chuyến đi nguy hiểm, đổi lấy tương lai được hứa hẹn trong cuộc chào bán ban đầu, họ vẫn là nạn nhân của hành vi chuyển lậu người.
Hứa hẹn về tương lai thường được vẽ ra dối trá bởi những thằng đầu sỏ, kẻ tổ chức, hoặc ghê gớm hơn… là có cán bộ địa phương tiếp tay để hồ sơ hanh thông nhanh gọn hơn thường lệ. Trong một tập phim về lao động ở Thái Lan tôi từng coi, một người ở làng “thành đạt” về quê, mang theo xe tải, bảo bọn con trai ai muốn đi kiếm tiền, giàu có như anh ấy (có xe hơi, đeo kiếng xịn, đồng hồ xịn) thì leo lên. Đám thanh niên tự nguyện đi vì làng nghèo, chẳng có việc gì làm. Sau đó họ đánh thuốc mê tất cả, vứt tất cả họ lên tàu và trở thành thuyền viên đánh cá nô lệ, cho đến khi một người liều mạng nhảy xuống biển bơi vào Malaysia trốn thoát.
Nhiều làng quê tôi từng đến viết bài, nơi tất cả thanh niên đều đi theo ai đó “ra nước ngoài” làm ăn. Thứ duy nhất cha mẹ biết là tin nhắn Zalo lâu lâu gọi điện hoặc gửi hình hỏi thăm. Họ chẳng biết con đang ở phương nào. Nhưng nếu lứa thanh niên ấy trở về, có chút tiền và của cải tiêu xài thoải mái, thì cứ thế sau đó, nhiều thế hệ của làng sẽ tiếp tục đi theo – mưu cầu một tương lai tốt đẹp hơn.
“Tin đồn” về tương lai tốt đẹp, có đầy việc, lương cao, dễ sống trở thành tin đồn hấp dẫn đẩy những gia đình và người trẻ vào con đường khao khát tìm cách thoát khỏi Việt Nam dữ dội hơn. Khao khát đó, nhập với tình trạng khổ sở tại quê nhà, và sự dỗ dành của những đường dây, dịch vụ, vậy là một chuyến “đổi đời” thành hình.
Ngoài những thứ ở trên, trong Bản báo cáo “Mapping vulnerabilities of victims of trafficking from Vietnam to Europe” do Pacific Link thực hiện còn có cả lý do thảm họa môi trường. Báo cáo này viết: “Tình trạng chất thải độc do nhà máy thép Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh thải ra năm 2016 đã làm kiệt quệ ngành đánh cá tại địa phương và được nhiều người di dân Việt Nam cho biết đó là nguyên nhân khiến họ bỏ nơi này và tìm cách di cư đến Châu Âu.” – điều này, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ đọc rõ thành từng câu như thế được trên báo Việt Nam – dù những cuộc di cư đó vẫn rùng rục chuyển mình. (2)
Bản báo cáo này cũng nói, giá để đến Châu Âu mà người Việt thường phải trả là từ 10.000 – 40.000 USD, số tiền thường do gia đình vay mượn, cầm cố tài sản. Kẻ giúp chuyển lậu người có tính lãi suất mượn tiền và có thể gây sức ép kiểm soát và làm tổn hại người quyết định đi lậu. Tất nhiên, người đi lậu không muốn gia đình mất nhà cửa, tài sản, họ sợ mất mặt nếu trở về tay trắng, và cuối cùng buộc phải lao động trong điều kiện nô lệ, làm việc bất hợp pháp hoặc sẽ bị thiệt mạng trong những chuyến đi vô nhân tính như ta thấy ở trên.
Tuy nhiên, ai sẽ bảo vệ những người ở quê – nếu họ vẫn tự nguyện muốn ra đi “đổi đời” về phía tương lai được vẽ ra rực rỡ? Hay là mình cứ kệ họ ai muốn đi thì đi thôi? Hay là các tổ chức đoàn thể chính quyền cứ kệ cả mấy chục đứa thanh niên ở làng theo ai đó đi thì đi, chả can dự gì họ? – Ai sẽ bảo vệ những người tiềm năng trở thành nạn nhân?
Nếu bạn có người thân ở quê muốn tham gia những “cơ hội xuất khẩu lao động” như vậy, hãy dành thời gian đọc hết báo cáo trên và giải thích cho họ rằng họ có thể mất gì trong một chuyến đi mù mịt sinh mệnh. Với 40.000 USD, bất cứ ai cũng có thể xoay sở làm ăn để sống được qua ngày – chứ không phải chọn lựa con đường một sống một chết.
Nhưng dường như mọi giải thích đều trở thành vô lý, khi những người trẻ lớn lên vẫn không thể tìm được cách nào khác mưu sinh, ngoài những giấc mơ xa xôi mà họ được mồi nếm bằng kẻ buôn người.
Những giấc mơ ấy hoàn toàn vô tội – trong những thảm kịch thế này.
Khải Đơn (Nhà văn, Người viết tự do)
Chú thích:
- https://www.bbc.com/vietnamese/world-50159355
- https://www.ecpat.org.uk/Handlers/Download.ashx?IDMF=2efc482a-f75c-471b-8373-8226f7609f58
Đăng theo Facebook Phạm Lan Phương dưới sự đồng ý của tác giả. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa vượt biên bất hợp pháp xuất khẩu lao động vượt biên