Từ cảnh báo của hai cựu quan chức Mỹ có tầm ảnh hưởng, chỉ ra khả năng vào năm tới Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ nhân cơ hội thời khắc chuyển giao nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, tác giả cho rằng chiến lược của phe diều hâu Mỹ là để xã hội Mỹ sớm ý thức cao về sự tồn tại của nguy cơ này.

Bài viết của Lương Kinh thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

p2643121a173263835
Ngũ giác đài (Nguồn: Touch Of Light/Wikipedia/Hình ảnh miễn phí).

Tuần này, tôi có ý định phân tích tình hình mới sau khi ông chủ Nhật báo Apple Hồng Kông Lê Trí Anh bất ngờ được bảo lãnh tại ngoại. Điểm cốt lõi là nếu phong trào phản kháng ở Hồng Kông có thể tiếp tục, sẽ hình thành mô hình rất bất lợi cho ĐCSTQ vì nền tự do của Đài Loan sẽ khó bị thách thức trước đe dọa của ĐCSTQ, còn tương lai của Hồng Kông sẽ thay đổi gây thách thức nghiêm trọng đối với ĐCSTQ. Nói cách khác, với sự hỗ trợ của Mỹ và thế giới tự do, một khi chiến dịch phản kháng của Hồng Kông thành công sẽ trở thành thế trận khiến “Trung Quốc mộng” về sự thống nhất của ĐCSTQ chìm trong vô vọng, sẽ rơi vào thế cuộc chắc chắn thảm bại. Nhưng vào cuối tuần đã xuất hiện một mẩu tin buộc tôi phải chọn một chủ đề khác, vì mẩu tin này thực sự không bình thường.

Thông tin bất thường này là cảnh báo của Michael Morell – cựu Phó Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), và James Winnefeld – cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, chỉ ra rằng có thể vào năm tới ĐCSTQ sẽ nhân cơ hội thời khắc chuyển giao nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, quá trình này chỉ mất 3 ngày. Sau nhiều lần kiểm chứng tôi xác nhận có điều này, vì vậy tôi phải cố gắng hiểu tại sao hai cựu quan chức cấp cao có tầm ảnh hưởng lại đưa ra cảnh báo đáng lo ngại như vậy vào thời điểm này.

(Ghi chú: Bản gốc tiếng Anh “The War that Never Was?”)

Dựa trên biểu hiện trong nhiều năm của Morrell trên các tổ chức truyền thông chính thống Mỹ, tôi không tin ông ấy có ý định tạo sự kiện giật gân để thu hút công chúng. Nhưng dựa trên hiểu biết của tôi về sự so sánh sức mạnh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, tôi cũng giống như nhiều người cho rằng nếu Bắc Kinh lao vào cuộc chơi mạo hiểm như vậy là tự sát. Cảnh báo bất thường của Morrell dựa trên một số thông tin tình báo mà công chúng chưa biết, hay đó là kế dương đông kích tây? Hay là Mỹ đang muốn Tập Cận Bình phải đưa ra lời hứa quan trọng không xâm phạm Đài Loan trước bầu cử Tổng thống Mỹ, hay hoàn toàn là chiến lược của Trump để giành được phiếu bầu?

Kết luận của tôi là động thái này phản ánh “suy nghĩ đường cùng” của phe diều hâu Mỹ. Suy nghĩ này dựa trên hiểu biết mới của họ về tình hình ĐCSTQ và Trung Quốc Đại Lục, phản ánh nỗi sợ hãi hoặc lo ngại của họ xuất phát từ nhận thức mới này, và cũng phản ánh chiến lược mới của họ dựa trên nhận thức mới này. Vài tháng qua, trong giai đoạn đối đầu Mỹ-Trung leo thang kịch tính, cả hai bên đều tăng cường tìm hiểu đối thủ của mình.

Về phía Mỹ, các thủ đoạn mà Trung Quốc sử dụng để lật đổ nền an ninh của Mỹ và tác hại gây ra đã khiến Mỹ không khỏi cảm thấy lo ngại cũng như có phần sợ hãi. Mỹ, đặc biệt là phe diều hâu nắm quyền, đã nhận ra một thực tế lớn, đó là nhận thức của ĐCSTQ về Mỹ, đặc biệt là hiểu về điểm yếu của hệ thống chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ hoàn toàn áp đảo nhận thức của Mỹ về Trung Quốc. Việc ĐCSTQ huy động nhiều lực lượng, bao gồm cả lực lượng dân sự quy mô lớn để xâm hại nước Mỹ, đã vượt xa sức tưởng tượng của Mỹ.

Trong hoàn cảnh như vậy đã khiến Mỹ tự nhiên có một số suy nghĩ: (1) Do thời gian gấp rút, có thể khiến Mỹ không kịp để phản ứng một cách hiệu quả nếu Trung Quốc lựa chọn thời gian sắp tới nhanh chóng “chơi bài ngửa”; (2) Một khi Trung Quốc biết rằng Mỹ đã hiểu thấu đáo mục đích thực sự của họ, thì đương nhiên sẽ có ý tưởng làm cho tới cùng càng sớm càng tốt. Điều này sẽ làm tăng đáng kể rủi ro đối với Mỹ trong ngắn hạn, bởi vì Trung Quốc hiện nay cũng giống như Nhật Bản xưa kia khi tấn công Trân Châu Cảng, nhận thức rõ rằng thời gian có lợi cho Mỹ thì bất lợi cho ĐCSTQ.

Về phía Trung Quốc, quả thực có khá nhiều người có tâm lý như giới diều hâu Mỹ với ý tưởng cương quyết rằng “ngồi chờ không bằng hành động”. Những nhân vật tiêu biểu của thế lực này là những tay sai vụ lợi không còn đường lùi như Kim Xán Vinh (Jin Canrong) – Phó viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, và Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) – Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu.

Thực tế là giới chóp bu ĐCSTQ tương tự như hai đảng ở Mỹ, đang ở trong tình trạng chia rẽ nghiêm trọng. Sự khác biệt chỉ là xã hội hai nước. Xã hội Trung Quốc cam chịu số phận, còn xã hội Mỹ thì phân hóa cao độ. Mặc dù ngày càng có nhiều người phẫn nộ với ĐCSTQ, nhưng rất nhiều người không nhận thức đầy đủ về các mối đe dọa và tai hại của ĐCSTQ. Theo quan điểm của phe diều hâu Mỹ, điều làm tăng rủi ro ngắn hạn của Mỹ là việc dưới sự xúi giục của những nô tài không còn đường lùi, ông Tập Cận Bình quyết tâm tận dụng cơ hội bầu cử Mỹ, là lúc mà quyền lực cao nhất của Mỹ đang ở thời điểm suy yếu nhất, để thực hiện tấn công quân sự thống nhất Đài Loan. Chiến lược của phe diều hâu Mỹ là để xã hội Mỹ biết về sự tồn tại của nguy cơ này, càng sớm càng tốt.

Lương Kinh
(Bài viết chỉ thể hiện lập trường và quan điểm của ​​cá nhân tác giả)

Xem thêm: