Bộ Y tế: 9 tháng đầu năm ‘chưa phát hiện ai tham nhũng’
- Vĩnh Long
- •
Ông Đặng Văn Chính – Chánh Thanh tra Bộ Y tế vừa có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính Trung ương về công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Y tế . Thời gian thanh tra từ ngày 16/12/2016 đến ngày 15/9/2017.
Báo cáo của Thanh tra Bộ (Bộ Y tế) cho biết để kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, hàng năm có kiện toàn. Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng do Bộ trưởng Bộ Y tế là trưởng ban, các Thứ trưởng là phó trưởng ban, Chánh thanh tra Bộ là ủy viên thường trực và lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ là thành viên.
Báo cáo cho biết về việc phát hiện, xử lý tham nhũng, qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, “trong thời kỳ báo cáo chưa phát hiện cá nhân, đơn vị tham nhũng“.
Về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng, Bộ Y tế không có thông tin báo cáo toàn diện. Báo cáo của Thanh tra Bộ chỉ dẫn báo cáo Bộ Y tế đã gửi Thanh tra Chính phủ vào ngày 23/2/2016 về việc tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết, cho biết không có cá nhân nào nhận quà không đúng quy định.
Về việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản thu nhập, Thanh tra Bộ nhận định “việc kê khai tài sản, thu nhập chưa phát huy hiệu quả cao, còn nặng hình thức, chủ yếu là việc quản lý bản kê khai, chỉ sử dụng khi có vấn đề phản ánh, tố cáo, chưa được kiểm tra, xác minh giữa tài sản kê khai và tài sản thực tế cũng như nguồn gốc tài sản của người kê khai“. Ngoài ra, “đối tượng phải thực hiện kê khai quá rộng“.
“Trong năm qua, Bộ Y tế chưa phải xác minh trường hợp nào về kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức” – báo cáo kết luận.
Bộ Y tế cũng cho biết sau 3 năm triển khai đường dây nóng trong ngành (từ 2014-2016), qua phản ánh của người dân đã có 26.719 cán bộ bị nhắc nhở, cho nghỉ việc 22 người, điều chuyển sang bộ phận khác 86 người, khiển trách 350 người, cắt thi đua đối với 456 người, cách chức 13 người.
“Công tác phòng ngừa tham nhũng tỏ ra có hiệu quả, công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm trước” – Thanh tra Bộ tổng kết.
Mặc dù kết luận không phát hiện các trường hợp tham nhũng, Thanh tra Bộ dự báo “thời gian tới tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh nền kinh tế diễn biến phức tạp, đời sống cán bộ, công chức, viên chức còn khó khăn. Nhóm hành vi tham nhũng có thể tập trung ở tình trạng nhân viên “nhũng nhiễu” trong công tác khám, chữa bệnh, trong đấu thầu, xây dựng cơ bản và mua sắm công“.
Phương hướng phòng, chống tham nhũng là tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy định; phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo các đơn vị thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Để thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, Bộ Y tế kiến nghị cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo (trong và ngoài nước) để “trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ” công tác phòng, chống tham nhũng; có hướng dẫn cụ thể về chế độ đãi ngộ, phụ cấp cho cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ, ngành.
Theo diễn biến vụ án VN Pharma, dự kiến ngày 19/10 (dời từ ngày 16/10), TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo kháng nghị của VKSND cùng cấp và kháng cáo của các bị cáo. Đối với bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM xét xử vụ án “Buôn lậu”, “Làm giả giấy tờ, con dấu tài liệu” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc công ty) cùng các đồng phạm, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị theo hướng huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại. Theo VKSND Cấp cao TP.HCM, bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội, lọt hành vi phạm tội. Đồng thời, cấp sơ thẩm đã sử dụng Kết luận giám định của Hội đồng giám định Bộ Y tế làm căn cứ để kết tội các bị cáo. Tuy nhiên, Hội đồng giám định do ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược làm Chủ tịch Hội đồng, là cấp dưới của ông Nguyễn Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược – người đã ký văn bản cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu lô hàng vi phạm (giấy phép ngày 30/12/2013). Theo đó, tính khách quan của quyết định giám định trên cần được xem xét lại. Ngoài ra, Cục Quản lý dược đã tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm nhưng sau đó lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng do đơn vị này cấp phép nhập khẩu là chưa đảm bảo tính khách quan. Ông Nguyễn Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế vào tháng 11/2016. |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa Bộ trưởng Bộ Y tế Kim Tiến VN Pharma Cục Quản lý dược tệ nạn tham nhũng