Nguồn gốc virus corona: Tình tiết hé mở sau khi email của ông Fauci được tiết lộ
- Vivian Đỗ
- •
Hơn hai năm trôi qua kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch virus corona vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, tính đến nay đã có gần 6 triệu người trên toàn thế giới thiệt mạng. Thời gian càng trôi đi, các quốc gia và người dân thế giới dường như đang dồn hết tâm trí vào những biện pháp đối phó và thích nghi với loại virus này, mà lãng quên dần câu hỏi vô cùng quan trọng thuở ban đầu về nguồn gốc của đại dịch: “Đây là một thảm họa tự nhiên mà con người chỉ biết bất lực chống đỡ hay là một sự cố do chính con người gây ra?” Nếu như chúng ta không tiếp tục truy tìm tận gốc căn nguyên của dịch bệnh thì liệu trong tương lai chúng ta có đảm bảo rằng những thảm họa như vậy sẽ không lặp lại? Và dù sao thì cũng đã có nhiều bài học tương tự trong quá khứ, ví dụ như đại dịch SARS năm 2003.
Quay trở lại thời điểm cuối năm 2019 – đầu năm 2020, khi virus corona vừa bùng phát tại Trung Quốc, lúc ấy người ta gọi căn bệnh này là “viêm phổi Vũ Hán” vì ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại thành phố này. Ngay từ những ngày đầu, đã có nhiều giả thuyết cho rằng virus corona thoát ra từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm của Viện virus học Vũ Hán (tạm gọi là “thuyết rò rỉ”). Điều này thoạt nghe qua có lẽ không quá vô căn cứ vì dịch bệnh thật sự bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán.
Điều kỳ lạ là không hiểu vì sao, mặc dù chưa được kiểm chứng về tính đúng sai nhưng thuyết rò rỉ ngay lập tức bị cả giới chính trị và giới truyền thông ‘dẹp’ bỏ không thương tiếc, cho rằng đây là một loại “thuyết âm mưu”. Thời ấy, chỉ cần bạn dám nói về khả năng virus bị rò rỉ thì từ Facebook, YouTube, cho đến các tạp chí uy tín về khoa học đều sẵn sàng tham gia “kiểm duyệt” bạn, một số người đã bị nhục mạ và cấm khỏi mạng xã hội, ngay cả Tiến sĩ (TS) Robert Redfield – cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cũng bị đe dọa tính mạng vì bênh vực thuyết này. Người ta được khuyến khích đọc các bài phản bác thuyết rò rỉ từ những nguồn tin mà họ gọi là “chính thống” và “đáng tin cậy”, ví dụ như một giả thuyết áp đảo nhất là virus đến từ dơi rồi sau đó lây sang người.
Trong năm 2020, Tiến sĩ Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID) đã lặp đi lặp lại luận điệu bác bỏ giả thuyết phòng thí nghiệm Vũ Hán là nơi khởi nguồn của virus corona. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn vào thời điểm ấy lại thừa nhận giả thuyết này, đồng thời cáo buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên cảm thấy xấu hổ vì là một “đơn vị làm quan hệ công chúng cho Trung Quốc”. Lời phát biểu của ông Trump sau đó đã bị mang ra làm ngòi châm cho các cuộc công kích của giới truyền thông “dòng chính”, thuyết rò rỉ đột nhiên bị gán thành lý thuyết của ông Trump và họ ra sức chứng minh điều này là ngu xuẩn. Một luận điểm khoa học nghiêm túc liên quan đến tính mạng hàng triệu người đã trở thành nạn nhân trong “trò chơi” chính trị của những kênh truyền thông vô trách nhiệm. Tờ New York Times nói rằng lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực hữu”. Tệ hơn hết là dường như họ đã tiếp tay cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che đậy trách nhiệm về dịch bệnh. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2021, Tổng thống Joe Biden cũng đã loại bỏ dự án theo đuổi giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm dưới thời ông Trump.
Tuy nhiên từ khoảng giữa năm 2021, mọi chuyện lại đột nhiên thay đổi. Thuyết rò rỉ bỗng dưng được “giải oan”, không còn bị gọi là “thuyết âm mưu” nữa: các kênh truyền thông ra sức rút lại hoặc chỉnh sửa những bài đã đăng; giới chính quyền cũng liên tục kêu gọi điều tra về nguồn gốc đại dịch tại Trung Quốc. Chỉ vài tháng sau khi hủy bỏ dự án của ông Trump, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu các cơ quan tình báo xem xét lại giả thuyết này. Điều gì đã xảy ra? Như người dẫn chương trình Chris Chappell của hai kênh “Trung Quốc không kiểm duyệt” và “Hoa Kỳ chưa tiết lộ” đã bình luận: “Khoa học không hề tự dưng thay đổi. Cái tự dưng chỉ có thể là chính trị”. Bản thân các kênh video của anh này cũng bị YouTube chặn quảng cáo nghiêm trọng vì đưa tin về thuyết rò rỉ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đột ngột này: ngày càng nhiều các báo cáo khoa học ủng hộ thuyết rò rỉ được công bố; nhiều thông tin từ Tình báo Hoa kỳ cho thấy các nhà nghiên cứu thuộc Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện vào tháng 11/2019, vài tháng trước khi nước này công bố đại dịch; Đạo luật Tự Do thông tin đã được đáp ứng và số đông công chúng cũng ủng hộ giả thuyết này.
Tuy nhiên sự kiện quan trọng nhất chính là vào tháng 6/2021, lần đầu tiên các email giữa TS Fauci và cấp trên của mình lúc đó là ông Francis Collins – cựu Giám đốc Viện Y tế quốc gia, cùng các nhà virus học hàng đầu thế giới được công bố ra công chúng. Nội dung cuộc trao đổi có liên quan đến chương trình nghị sự qua điện thoại giữa các bên vào ngày 1/2/2020 về nguồn gốc đại dịch COVID-19, trong đó cho thấy thuyết rò rỉ vốn đã được các nhà khoa học nổi tiếng ủng hộ từ những ngày đầu, nhưng sau này vì một nguyên nhân nào đó đã bị vùi dập nặng nề.
Đáng lưu ý là hầu hết thông tin quan trọng trong các email đều bị ai đó che mất và điều này để lại rất nhiều câu hỏi. Cho đến nay người ta vẫn không biết được lý do thật sự đằng sau việc che đậy này là gì khi bản thân ông Fauci đã đồng ý công bố. Phải chăng vấn đề không chỉ nằm ở bản thân ông Fauci?
Mãi cho đến gần đây, vào ngày 11/1/2022, các Đảng viên Cộng hòa đã gửi đi một bức thư, trong đó phơi bày nhiều thông tin chi tiết về nội dung các email bị che đi trước đó. Bức thư đã hé lộ những bí mật đen tối liên quan đến giả thuyết virus corona bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, nơi từng được một số quan chức Hoa Kỳ tài trợ. Ngay từ thời đầu đại dịch, những người này đã thừa nhận giả thuyết rò rỉ có thể tồn tại, tuy nhiên lại tìm mọi cách ngăn cản thông tin đến với công chúng.
Nhìn lại sự việc các email của TS Fauci được công bố vào năm 2021
Tháng 6/2021, hàng ngàn email của ông Fauci trong nửa đầu năm 2020 đã được trao cho hai kênh truyền thông là Buzzfeed và Washington Post. Những email này không phải bị ‘hack’ hay bị rò rỉ, mà được công bố theo yêu cầu của Đạo luật Tự Do Thông tin Hoa Kỳ vì ông Fauci là một nhân viên chính phủ. Điều đáng nói là rất nhiều nội dung trò chuyện đã bị che mất.
Phần nội dung còn lại chỉ cho thấy vào ngày 1/2/2020, TS Fauci, TS Francis Collins, người sau đó là giám đốc của Viện Y tế Quốc gia, và ít nhất 11 nhà khoa học khác đã tham dự một hội nghị từ xa cùng nhau. Cuộc gọi hội nghị không được ghi lại, nhưng vào ngày 2/2, những người tham dự tiếp tục các chủ đề thảo luận qua email, với nội dung trong đó mỗi nhà khoa học trao đổi về nguồn gốc của virus SARS-CoV2.
Một số email cho thấy, mỗi khi đề cập đến các chủ đề nhạy cảm thì ông Fauci lại chuyển hướng thảo luận sang một cuộc gọi qua điện thoại, ví dụ như email nói về việc Twitter cấm trang Zerohedge vì một bài viết vào tháng 2/2020 cho rằng một nhà nghiên cứu Trung Quốc có liên quan đến nguồn gốc COVID-19.
Vào thời điểm ấy, mặc dù đứng trước cùng một nguồn tin là các email của ông Fauci, nhưng các kênh truyền thông cánh tả và cánh hữu lại đưa tin theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Phía cánh tả ca ngợi ông Fauci vì có thể đứng vững trước áp lực kinh khủng của đại dịch và dư luận. Tờ CNN nhận xét ông Fauci luôn chăm chỉ với khối lượng công việc khổng lồ và không có nhiều thời gian để ngủ; ông thậm chí còn trả lời cả email của những người dân bình thường. Tờ Buzzfeed nói rằng họ rất ấn tượng với phong cách nói chuyện của TS Fauci, họ thấy ông là một người “lặng lẽ và cảm thông”. Tờ CNBC khen ông Fauci rất kiên nhẫn, tận tâm và có tài ngoại giao. Tuy nhiên, hầu như các bài đăng này đều xoay quanh những câu chuyện bên lề và tránh đề cập thẳng vào nội dung các email được công bố.
Truyền thông cánh hữu lại đưa ra một bức tranh hoàn toàn khác hẳn. Phía cánh hữu gọi TS Fauci là kẻ lừa đảo và yêu cầu các cuộc điều tra hình sự vì tội che giấu sự thật liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán, nơi ông Fauci bị cho là có các mối quan hệ về lợi ích. Tờ New York Post nói rằng ông Fauci không đưa ra quan điểm rõ ràng về chuyện người dân có nên đeo khẩu trang không. Thượng nghị sĩ Rand Paul trả lời kênh Fox News rằng ông Fauci nên bị sa thải. Nhà hoạt động chính trị Candace Owens nói ông nên bị tống vào nhà tù liên bang. Nhà virus học Trung Quốc, TS Diêm Lệ Mộng, phát biểu rằng email của ông Fauci cho thấy nguồn gốc COVID-19 đã bị ĐCSTQ che đậy. Ngay cả cựu Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng.
Tuy nhiên, vì hầu hết các email đã bị che mất nên lúc đó không ai khẳng định chắc chắn được ông Fauci đã nói và nghĩ những gì.
Vì sao giả thuyết virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán từng bị xem là một “thuyết âm mưu”?
Ngày từ khi đại dịch mới bùng phát từ cuối năm 2019, thuyết rò rỉ đã được đề cập đến, tuy nhiên lại nhanh chóng bị ‘dẹp’ đi như một loại “thuyết âm mưu” vô căn cứ, bị ném vào cùng ‘sọt rác’ với Qanon vốn đưa ra lập luận hoang đường rằng Bill Gates tạo ra virus này.
Thời điểm đó, mọi sự ủng hộ đều dồn vào giả thuyết virus corona đến từ dơi hoặc con tê tê trước khi truyền sang cho người, cụ thể là từ chợ Hải sản Hoa Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên chợ này không bán dơi, cũng không bán tê tê. Và thậm chí hơn một năm sau đợt bùng phát đầu tiên, giới khoa học vẫn chưa tìm thấy một con dơi hay một con tê tê hay bất kỳ vật chủ động vật nào bị nhiễm virus corona.
Thuyết rò rỉ ngược lại cho rằng các nhà khoa học đang thí nghiệm một loại virus corona trên dơi tại một phòng nghiên cứu ở Vũ Hán, và con virus này vô tình thoát ra. Thuyết rò rỉ đã bị bác bỏ chủ yếu dựa vào hai bài đăng trên các tạp chí khoa học.
Bài đăng thứ nhất được đăng trên tạp chí The Lancet vào ngày 19/2/2020 với nội dung phê phán mạnh mẽ những ‘thuyết âm mưu’ cho rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên, đồng thời kêu gọi cộng đồng khoa học đứng về phía các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Bức thư này được viết bởi TS Peter Daszak, người từng nằm trong nhóm của WHO đến Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc virus corona. Mặc dù dùng một danh từ mang tính chính trị là ‘thuyết âm mưu’ để gán cho thuyết rò rỉ, nhưng ông Daszak lại nói với các nhà khoa học khác rằng ông muốn bài đăng này tránh sử dụng các thông điệp mang tính chính trị, ông chỉ đơn giản là ủng hộ các nhà khoa học Trung Quốc đang chịu áp lực lớn. Có hai điểm đáng chú ý:
Một là ông Daszak và Tổ chức EcoHealth Alliance do ông đứng đầu đã cấp tiền cho nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán thông qua các khoản tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ. Ngày 22/6/2021, đơn từ chức khỏi ban điều tra nguồn gốc COVID-19 do LHQ hỗ trợ của ông Daszak đã được tiết lộ trên trang web của The Lancet, dưới ảnh và phía trên tiểu sử của ông có thêm câu: “Tránh công việc của Ủy ban về nguồn gốc của đại dịch”. Sau đó vào tháng 9/2021, Giáo sư Jeffrey Sachs, người đứng đầu nhóm công tác điều tra nguồn gốc COVID-19 của tạp chí khoa học The Lancet, đã giải tán Ủy ban này vì mối quan hệ của nó với ông Daszak và Liên minh Sức khỏe Sinh thái (EcoHealth Alliance) của ông ta.
Hai là theo điều tra của hãng truyền thông Daily Telegraph (Anh), trong nhóm 27 nhà nhà khoa học ký tên chung trong bài đăng trên tạp chí The Lancet phủ nhận khả năng COVID-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nói trên, có 26 người có mối quan hệ với hoạt động nghiên cứu hoặc nhà tài trợ từ Trung Quốc.
Bài đăng thứ hai, được công bố trên tạp chí Nature Medicine, lập luận rằng bộ gen của virus corona không cho thấy dấu hiệu của sự can thiệp cắt và dán gen. Nhưng trên thực tế hiện nay các thành tựu khoa học đã tìm ra được những phương pháp mới chỉnh sửa gen virus mà không để lại dấu vết như các phương pháp cũ, trong các phương pháp mới đó có các phương pháp như “no-see-um” và “serial passage”.
Mặc dù cả hai bài đăng trên đều có nhiều lỗ hổng, nhưng truyền thông đã dùng chúng làm căn cứ cho rất nhiều bài báo phản bác giả thuyết virus bị rò rỉ. Ông Fauci cũng là một trong những người phản đối kịch liệt giả thuyết này vào thời kỳ đầu.
TS Ralph Baric tại Đại học Bắc Carolina là người đã phát minh ra phương pháp “no-see-um” khiến thay đổi cấu trúc của virus mà không để lại dấu vết nói trên. Vào năm 2015, TS Baric cùng TS Thạch Chính Lệ – nhà khoa học hàng đầu thế giới về virus corona trên dơi tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã công bố một bài nghiên cứu về kết hợp thành phần của virus corona trên dơi và trên chuột. Như vậy, rất có khả năng bà Thạch đã học được phương pháp “no-see-um” từ người cộng sự của mình. Vào tháng 5/2021, chính TS Baric cũng đã viết một bức thư cho tạp chí Science kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19.
Một điều đáng lưu ý nữa là từ năm 2018, Chính phủ Hoa Kỳ đã biết được Viện virus học Vũ Hán có vấn đề về an toàn. Các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã đến thăm viện này một số lần và gửi hai bản cảnh báo chính thức về Washington. Sau khi đại dịch khởi phát, cách ĐCSTQ đối phó với phòng thí nghiệm Vũ Hán cũng rất đáng ngờ. Tháng 2/2020, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến cải cách an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm. Và khi Mỹ bắt đầu điều tra nguồn gốc của virus corona, ĐCSTQ cũng mạnh tay kiểm duyệt các nghiên cứu học thuật về chủ đề này.
Tuy nhiên một thời gian sau, ngày càng nhiều các bằng chứng được công bố đã khiến dư luận thay đổi thái độ về thuyết rò rỉ.
Các Đảng viên Cộng hòa đã ‘lật lại’ nội dung email của ông Fauci về nguồn gốc đại dịch
Ngày 11/1 năm nay, hai thành viên Đảng Cộng hòa là James Comer và Jim Jordan đã gửi một bức thư đến ông Xavier Becerra – Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, trong đó lần đầu tiên tiết lộ những thông tin bị che mất từ một số email của ông Fauci về các cuộc gọi được thực hiện trong ngày 1/2/2020.
Ông James Comer là thành viên của Ủy ban giám sát và Cải cách Hạ viên, còn ông Jim Jordan là thành viên của Ủy ban Tư pháp, những người này đều có thẩm quyền xem toàn bộ nội dung email của ông Fauci. Tuy nhiên, theo quy định thì họ chỉ có thể xem trực tiếp bằng mắt, không dùng điện thoại, không máy ảnh, không có bản sao, họ phải ghi chú lại các email bằng… tay và số lượng email thì lên đến hàng ngàn. Một lần nữa người ta lại đặt ra nghi vấn tại sao các Dân biểu này lại phải đọc email trong tình trạng ‘khổ sở’ đến vậy.
Nội dung email cho thấy trong cuộc gọi ngày 1/2/2020, các nhà virus học Michael Farzan và Robert Garry nói với ông Fauci và ông Collins rằng virus corona có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Ông Garry chỉ ra rằng virus có thể đã bị biến đổi gen (genetic engineering). Ông Farzan thì đưa ra một khả năng khác là nó có thể đã được phát triển trong phòng thí nghiệm thông qua một quá trình được gọi là “hành lang chuỗi” (serial passage hoặc repeated passage).
Hai phương pháp trên đại diện cho hai ý tưởng khác nhau đằng sau thuyết rò rỉ. Theo phương pháp ‘genetic engineering’, các nhà khoa học sẽ chèn và xóa các nucleotide trong mã di truyền của virus, trong trường hợp này là RNA, để biến nó thành một thứ gì đó mới. Phương pháp ‘repeated passage’ cho phép virus hoạt động qua lại giữa các loài vật chủ hoặc thông qua các tế bào nuôi cấy để tạo ra các đột biến mới thích hợp hơn cho mục đích lây nhiễm.
Nhà khoa học Farzan cũng đề cập đến khái niệm về ‘điểm phân tách furin’ (firun cleavage). ‘Điểm phân tách furin’ là một vị trí trên ‘protein gai’ (spike protein) của virus corona, thường được đưa vào virus như một phần của các thí nghiệm nghiên cứu ‘chức năng đạt được’ (Gain-of-function experiments) khiến khả năng virus lây lan sang người tăng lên. Trên thực tế, các thí nghiệm này trước đây đã được tiến hành bởi người đứng đầu bộ phận nghiên cứu virus corona tại phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Ông Andrew Rambaut, một nhà sinh học tiến hóa, cũng có một số nhận định về ‘điểm phân tách furin’. Ông Rambaut lưu ý rằng: “Điểm phân tách furin … đã tạo ra một loại virus cực kỳ phù hợp với con người. Cũng có thể suy ra rằng nó không hề tối ưu cho việc truyền bệnh ở các loài dơi. ”
Một người khác là nhà vi sinh vật học Bob Garry cũng có mặt trong cuộc gọi. Ông Garry phát biểu: “Tôi thực sự không thể nghĩ ra một kịch bản hợp lý rằng bạn bị nhiễm virus dơi hoặc một loại rất tương tự với nó và nCoV một cách tự nhiên… Tôi chỉ không thể hiểu làm thế nào điều này lại có thể xảy ra trong tự nhiên.”
Nhà sinh học tiến hóa Edward Holmes tuyên bố ủng hộ thuyết rò rỉ với tỷ lệ 60-40. Giám đốc của quỹ từ thiện Wellcome Trust, ông Jeremy Farrar, cho biết ý kiến của ông là 50-50.
Ngày 31/1/2020, một ngày trước khi diễn ra cuộc gọi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Viện nghiên cứu Scripps Research, ông Kristian Andersen, đã cảnh báo ông Fauci rằng virus có thể đã được thiết kế trong phòng thí nghiệm, đồng thời nhấn mạnh ông và một số nhà khoa học nổi tiếng “nhận thấy bộ gen không nhất quán với các quy luật của thuyết tiến hóa”.
Tuy nhiên một nhà khoa học khác là TS Ron Fouchier lại nói rằng: “Việc tranh luận thêm về [nguồn gốc của virus] sẽ khiến các nhà nghiên cứu hàng đầu phân tâm một cách không cần thiết khỏi những nhiệm vụ hiện tại của họ và gây ra những tổn hại không cần thiết cho khoa học nói chung và khoa học ở Trung Quốc nói riêng.” Vào cuối cuộc hội thoại, ông Fauci đã đồng tình với ý kiến này. Ông viết trong email: “Tiếng nói của thuyết âm mưu sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế, gây ra những nguy hại tiềm ẩn to lớn cho khoa học và sự hòa hợp quốc tế.” Mặc dù đây là một cuộc trao đổi về khoa học, nhưng nhận định về nguồn gốc virus của ông Fauci dường như mang đầy tính chính trị.
Cuộc trao đổi này có sự tham gia của ít nhất 13 nhà khoa học. Nội dung các email ngày 2/2/2020 cho thấy, 8 người đã bày tỏ quan điểm của họ về nguồn gốc của virus và 7 người trong số đó nghiêng về giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ 3 ngày sau, 4 trong số 7 người này, gồm Kristian Andersen, Andrew Rambaut, Edward Holmes và Robert Garry, đã đổi ý và cùng gửi một bản thảo đến ban biên tập tạp chí Nature Medicine với tiêu đề “The proximal origin of SARS-CoV-2”. Trong bản thảo cuối cùng được công bố vào ngày 16/3, họ viết: “Các phân tích của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng SARS-CoV-2 không phải là một sản phẩm xây dựng từ phòng thí nghiệm hoặc một loại virus bị thao túng có chủ đích.”
Như đã đề cập ở trên, bài đăng này sau đó đã được sử dụng rộng rãi để làm căn cứ bác bỏ giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Sau khi nội dung các email bị “lật tẩy”, một trong số những tác giả là ông Kristian Andersen đã khóa tài khoản Twitter của mình.
Điều gì đã khiến các nhà khoa học thay đổi ý kiến của mình một cách ‘chóng mặt’ như vậy? Các tác giả này trong lần xem xét bản thảo đầu tiên, đã gửi bài viết của mình cho TS Fauci và TS Collins. Ông Fauci đã trả lời bản thảo bằng một giọng điệu chỉ trích: “Phản đối ‘engineering’ nhưng vẫn xem ‘repeated passage’ là một khả năng?” Ông Fauci dường như không muốn có sự tồn tại của những danh từ liên quan đến việc sửa đổi bộ gen virus trong bài đăng. TS Fauci về sau cũng đã trích dẫn chính bài báo mà mình tham gia chỉnh sửa để làm bằng chứng chống lại thuyết rò rỉ khi phát biểu tại Nhà Trắng.
Sau khi nội dung email chi tiết được hai Đảng viên Cộng hòa công bố, các phương tiện truyền thông cánh hữu cho rằng ông Fauci không chỉ phớt lờ ý kiến của những nhà khoa học nổi tiếng về thuyết rò rỉ mà còn cố tình che đậy thông tin. Tuy nhiên, khác với năm 2021, lần này các kênh cánh tả gần như không đưa ra phản hồi gì, ngoại trừ tờ Intercept, họ đều cố tình ‘làm lơ’ và không báo cáo. Phải chăng vì các thông tin được công bố đã quá rõ ràng? Cần lưu ý rằng bức thư mà hai Đảng viên Cộng hòa gửi đi chỉ tiết lộ được nội dung của một vài trong số hàng ngàn email của ông Fauci.
Vào cuối bức thư, hai Dân biểu đảng Cộng hòa này viết:
“Thay vì minh bạch với Ủy ban giám sát, HHS (Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ) cùng NIH (Viện Y tế Quốc gia), các vị vẫn luôn luôn giấu giếm, ngụy tạo và che đậy sự thật. Bằng cách tiếp tục từ chối hợp tác với yêu cầu của chúng tôi, cơ quan của các vị đang lựa chọn che giấu những thông tin vốn có thể làm rõ về nguồn gốc đại dịch đang diễn ra, giúp ngăn chặn và ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai, cũng như báo cáo về tình hình an ninh quốc gia hiện tại của Hoa Kỳ và khôi phục lòng tin từ các chuyên gia sức khỏe cộng đồng của chúng ta. Sự cản trở liên tục của HHS và NIH có thể gây ra tổn hại không thể khắc phục được đối với uy tín của những cơ quan này. Các email được tiết lộ ngày hôm nay đã đặt ra những câu hỏi quan trọng:
- TS Fauci hay TS Collins đã từng cảnh báo bất kỳ ai tại Nhà Trắng về khả năng COVID-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm và có thể bị thao túng một cách có chủ đích về mặt di truyền chưa?
- Nếu những mối quan tâm này chưa từng được chia sẻ vậy lý do mà họ quyết định giữ im lặng là gì?
- Có bằng chứng mới nào được đưa ra (trong các email) từ ngày 1/2/2020 đến ngày 4/2/2020 để thay đổi luận điểm rằng COVID-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm không?
- TS Fauci hay TS Collins có từng biên tập bài báo “The Proximal Origin of SARS-CoV-2” trên tạp chí Nature Medicine không?
- Đáng lẽ nếu công bố những thông tin này sớm hơn thì đã mang lại lợi ích cho việc phát triển vắc-xin hoặc điều trị rồi, đúng không?
- Đến ngày 1/2/2020, TS Fauci hay TS Collins có nhận thức được những cảnh báo [trước đó] của Bộ Ngoại giao về sự an toàn của Viện virus học Vũ Hán không?
- Cảnh báo này đáng lẽ đã sớm làm thay đổi phản ứng về đại dịch COVID-19 rồi phải không?”
Các Đảng viên Cộng hòa cũng lưu ý rằng những câu hỏi trên chưa bao quát toàn bộ vấn đề. Xem chừng, câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đây và chắc hẳn còn nhiều tình tiết gây cấn trong tương lai.
Vivian Đỗ
Xem thêm:
Từ khóa virus corona nguồn gốc virus corona Anthony Fauci phòng thí nghiệm Vũ Hán Peter Daszak Vivian Đỗ