12 điều stress có thể gây ra cho làn da của bạn
- Minh Minh
- •
Cuộc sống hối hả với nhịp độ nhanh khiến con người dễ bị cuốn theo và stress. Khi stress thường xuyên và kéo dài thì sức khỏe tinh thần và thể chất sẽ bị ảnh hưởng. Tất nhiên mức độ căng thẳng cũng làm tổn hại nghiêm trọng đến làn da của bạn, làm trầm trọng thêm các tình trạng da hiện có, hoặc sinh ra các bệnh mới như chàm, nổi ban đỏ, rụng tóc…
1. Mụn trứng cá
Không chỉ có thanh thiếu niên mới phải chiến đấu với mụn trứng cá. Nguyên nhân lớn gây mụn trứng cả ở người trưởng thành thường là do căng thẳng quá độ. Cơ thể bạn giải phóng các hormone gây căng thẳng (như cortisol) làm tăng sản xuất dầu trên da nên dẫn đến nổi mụn. Nếu đột nhiên phải chiến đấu với mụn trứng cá mà không thể hiểu tại sao, hãy để ý kiểm tra lại mức độ căng thẳng của mình dạo gần đây xem thế nào.
2. Bệnh chàm
Khi bị bệnh chàm bạn sẽ thấy trên da xuất hiện ban đỏ, ngứa. Bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu bạn đang trong trạng thái căng thẳng. Ngược lại, sự bí bách trên da khi bị chàm cũng là nguyên nhân khiến bạn tức tối. Đây là một cái vòng lẩn quẩn. Những người có da khô mà hay bị căng thẳng sẽ dễ bị chàm. Bạn nên dưỡng ẩm đầy đủ cho da để giảm thiểu kích ứng hoặc dùng nước ion để tắm rửa, đắp lên da giúp dưỡng ẩm, diệt khuẩn, cải thiện tình trạng khô da và vi khuẩn trên bề mặt da, hỗ trợ trị chàm, vảy nến và các bệnh về da.
3. Bệnh hồng ban
Bệnh hồng ban bắt đầu bằng những nốt đỏ sưng đau, bờ không rõ, dài 2-6cm. Trong tuần đầu, sang thương cứng, căng đau nhiều. Qua tuần thứ nhì, các nốt hồng ban có thể thay đổi tính chất, biến thành 1 áp-xe nhưng không loét hay hóa mủ. Một đợt sang thương có thể tồn tại trong 2 tuần nhưng các sang thương mới tiếp tục xuất hiện liên tục trong 3-6 tuần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh, nhưng bạn có thể xem xét cả yếu tố căng thẳng là 1 trong số đó. Khi cơ thể ở trạng thái stress, nó sẽ gây ra phản ứng viêm làm nổi mụn và sưng đỏ thêm ở bệnh hồng ban vốn có.
4. Nổi mề đay
Nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay là do sự gia tăng nồng độ histamine. Mặc dù có nhiều tác nhân gây bệnh như do nhiễm trùng, đổi thuốc mới, dị ứng thực phẩm, nhưng bạn nên biết căng thẳng cũng làm tăng giải phóng histamine. Khi da đột nhiên có các phản ứng bất thường, bạn hãy đến gặp bác sĩ da liễu kiểm tra, tránh tự uống thuốc làm bệnh biến chứng.
5. Sưng hoặc thâm vùng da quanh mắt
Khi bị căng thẳng, chúng ta thường lơ là trong các thủ tục chăm sóc bản thân như dưỡng da, ngủ đúng giờ, uống nước, ăn uống điều độ… Điều này dẫn đến vùng da quanh mắt sưng húp hoặc thâm quầng. Trên thị trường không thiếu các sản phẩm chăm sóc da, nhưng chúng chỉ có tác dụng hỗ trợ bên ngoài. Nếu bạn căng thẳng từ bên trong và mất ngủ triền miên thì không có kem dưỡng nào cứu được cả.
6. Da xỉn màu
Tương tự như vậy, nếu bạn nhận thấy màu da tổng thể xám xịt thiếu sức sống, có thể bạn đang quá căng thẳng mà không biết. Đối với nhiều người, chăm sóc da hàng ngày là hình thức tự chăm sóc bản thân. Hành động mát xa trên da, vỗ nhẹ vào mặt để kem thấm sâu….góp phần làm bạn thư giãn. Vì thế dù tâm trạng chán nản không muốn làm gì, bạn cùng không nên thay đổi thói quen chăm sóc hàng ngày.
7. Da khô
Khi bị căng thẳng, cortisol sẽ làm giảm quá trình tổng hợp axit hyaluronic, dẫn đến mất độ ẩm trong da, kết quả là trông làn da của bạn khô khốc, nứt nẻ. Như đã nói ở trên, tâm trạng không tốt khiến chúng ta bỏ qua thói quen chăm sóc da. Trong đó có bước dưỡng ẩm bất cứ ai cũng không được quên, nếu muốn giữ da khỏe mạnh và giảm lão hóa.
8. Bệnh vẩy nến
Bệnh vẩy nến thường nằm im trong cơ thể người bệnh cho đến khi được kích hoạt bởi một loạt các yếu tố như lối sống cộng với các chế độ ăn uống. Bệnh có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: thông thường các triệu chứng của bệnh vẩy nến xuất hiện trên da nhưng cũng có thể xuất hiện trên vùng đầu và các đầu móng tay, móng chân. Lại thêm một vòng lẩn quẩn có tác động qua lại, căng thẳng là 1 trong những nguyên nhân gây bệnh vẩy nến và ngược lại.
9. Tuyến mồ hôi bị quá tải
Đổ mồ hôi trước một cuộc họp lớn hoặc một bài thuyết trình quan trọng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Nhưng nếu bạn liên tục đổ mồ hôi hột trong mọi tình huống thì nên gặp bác sĩ kiểm tra mức độ stress của mình. Căng thẳng dẫn đến việc tăng adrenaline, làm tiết ra mồ hôi từ các tuyến apocrine. Đổ mồ hôi khi thấy lo lắng không phải là bệnh, nhưng nếu bạn bị chẩn đoán mắc bệnh về tinh thần thì sẽ có thuốc kê toa để giảm sự đổ mồ hôi.
10. Lão hóa da
Các sản phẩm chăm sóc đắt tiền nhất cũng không thể giúp gì được cho làn da nếu bạn sống trong trạng thái căng thẳng. Các dấu hiệu căng thẳng mãn tính sẽ xuất hiện trên khuôn mặt của bạn, khiến bạn trông già hơn so với tuổi thực. Căng thẳng dẫn đến tăng cortisol, làm vỡ collagen và giảm tổng hợp axit hyaluronic, từ đó dẫn đến nếp nhăn. Căng thẳng làm tăng sự hình thành gốc tự do có thể dẫn đến lão hóa da.
11. Da khó lành khi bị thương
Theo Science Daily, một nghiên cứu năm 2001 trong Archives of Dermatology cho thấy tình trạng mất nước khi chúng ta bị căng thẳng sẽ làm giảm khả năng tự chữa lành của cơ thể. Căng thẳng tâm lý ảnh hưởng xấu đến các chức năng bình thường của da. Căng thẳng có thể dẫn đến tình trạng viêm hoặc làm nặng hơn khi da đã viêm nên vết thương không được lành lại đúng cách. Căng thẳng cũng có thể tác động đến hàng rào bảo vệ da, nên da có thể khó phục hồi hơn.
12. Rụng tóc
Nếu tóc rụng nhiều bất thường trong thời gian gần đây, có thể bạn đang chiến đấu với căng thẳng quá mức. Telogen effluvium là một hình thức rụng tóc tạm thời thường xảy ra sau khi căng thẳng, sốc hoặc một sự kiện đau thương. Thông thường, rụng tóc bắt đầu từ hai đến bốn tháng sau sự kiện gây ra vấn đề và kéo dài khoảng sáu tháng. Các sợi tóc mới bắt đầu phát triển ngay sau khi tóc rụng, nhưng sự tăng trưởng đáng kể có thể không nhận thấy trong vài tháng. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị rụng tóc quá nhiều hoặc các mảng mỏng trên da đầu của bạn.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng Mụn trứng cá Bệnh vẩy nến Chàm Da khô Chăm sóc da stress