19 quy tắc lễ nghi cần chú ý khi làm kinh doanh ở Mỹ
- Thanh Trúc
- •
Là doanh nhân Việt Nam, liệu bạn đã thật sự hiểu lễ nghi trong kinh doanh ở Mỹ? Có phải vì không hiểu quy tắc lễ nghi mà bạn đã từng bị xấu hổ, hay thậm chí là rơi vào tình huống xấu hổ mà không biết hay không?
Bà Barbara Pachter – chuyên gia lễ nghi và giao tiếp trong kinh doanh của Mỹ đã viết một quyển sách có tên “Những nghi thức kinh doanh cần thiết” (The Essentials of Business Etiquette) giới thiệu về những quy tắc lễ nghi trong kinh doanh.
Dưới đây là 19 “tinh hoa” trong quyển sách này, bao gồm cách giới thiệu bản thân, ăn mặc, lễ nghi trên bàn tiệc… sẽ giúp ích cho bạn khi làm kinh doanh ở Mỹ:
1. Luôn đứng dậy khi bạn được giới thiệu
“Việc đứng dậy có thể cho thấy sự hiện diện của bạn. Nếu bạn cứ ngồi thì sẽ dễ bị người khác không chú ý, ngó lơ. Nếu đột nhiên được giới thiệu khiến bạn bất ngờ, không kịp đứng dậy, thì hãy cúi người về phía trước nhằm thể hiện rằng bạn sẽ đứng dậy nếu có thể”.
2. Hãy dùng tên đầy đủ của bạn
Trong kinh doanh, bạn nên sử dụng tên đầy đủ của mình, thế nhưng bạn cũng cần phải chú ý xem người khác muốn được giới thiệu bản thân họ ra sao.
Nếu tên của bạn rất dài hoặc khó đọc, bạn có thể xem xét việc thay đổi hoặc rút gọn lại. Bạn cũng có thể chỉ dẫn cách phát âm tên mình ngay trên danh thiếp.
3. Người có cấp bậc cao hoặc chủ nhân của bữa tiệc nên chủ động đưa tay ra bắt tay với người khác
“Hiện nay, tại những nơi làm việc, người đứng đầu hoặc người có cấp bậc cao, dù là giới tính nào thì đều nên chủ động đưa tay ra bắt tay với người khác”, bà Pachter viết, “Nhưng nếu người có cấp bậc cao không bắt tay bạn thì người có cấp bậc thấp nên chủ động đưa tay ra bắt”.
Có nghĩa là, bất luận là ai đưa tay ra trước thì đều phải bắt tay. “Ở Mỹ, bắt tay là một cách chào hỏi trong kinh doanh. Nếu bạn muốn được người khác đối xử nghiêm túc thì bạn phải bắt tay họ và phải bắt tay một cách đúng đắn”.
>> 22 quy tắc giao tiếp thương mại người chuyên nghiệp cần biết
4. Ăn mặc lịch sự, phù hợp
Trang phục là một hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ quan trọng, điều này có thể góp phần tăng danh tiếng trong công việc của một người cũng như có thể hủy hoại uy tín của người đó. Nếu bạn muốn truyền tải thông điệp “chuyên nghiệp” qua trang phục thì lúc nào bạn cũng phải lưu ý đến những quy tắc về trang phục đối với những hoạt động, hội nghị hoặc những bữa tiệc mà bạn tham dự nhằm đảm bảo trang phục của bạn phù hợp với tiêu chuẩn.
5. Trong một cuộc trò chuyện trao đổi, số lần nói “cảm ơn” không nên quá 2 lần.
Việc nói cảm ơn quá nhiều sẽ chỉ làm giảm đi sức ảnh hưởng của lời cảm ơn và cũng khiến bạn ít nhiều có vẻ hơi yếu thế.
6. Nói cảm ơn riêng
Nếu bạn muốn gửi thư cảm ơn, tốt nhất là hãy hoàn thành trong vòng 24 giờ và hãy gửi thư cảm ơn riêng cho từng người.
Gửi lời cảm ơn bằng thư điện thử vừa tiện lợi vừa nhanh chóng, nhưng hãy nhớ là đừng gửi theo nhóm.
7. Hãy để điện thoại trong túi
Trong xã hội ngày nay, người ta lúc nào cũng dính lấy điện thoại, người đi đến đâu thì điện thoại đi theo đến đấy, thế nhưng bạn phải nhớ rằng trong cuộc họp hãy tránh lấy điện thoại ra.
Dù hai bàn tay của bạn rất muốn nhắn tin hay bị làm phiền bởi thư điện tử thì cũng đừng lấy điện thoại ra trong cuộc họp, bạn cho rằng hành vi của mình rất kín đáo, thật ra là rất dễ bị người khác phát hiện và điều này là không lịch sự.
Hơn nữa, đừng để điện thoại trên bàn trong khi họp. Bởi vì việc này cho thấy bạn muốn ngầm ra hiệu rõ ràng với người đang họp với bạn rằng bất cứ lúc nào bạn cũng sẽ bỏ mặc họ vì người bên kia đầu dây.
8. Đừng kéo ghế cho người khác
Kéo ghế cho người khác giới có vẻ là rất bình thường, rất ga-lăng, nhưng theo bà Pachter thì “Tại những nơi xã giao, không cần thiết phải xem xét đến yếu tố giới tính”.
“Dù là nam hay nữ thì đều nên tự kéo ghế cho mình”.
9. Đừng bắt chéo chân
Dù là nam hay nữ thì đều sẽ có động tác này, nhưng động tác này sẽ dễ khiến người khác phân tâm trong những cuộc gặp mặt kinh doanh.
>> 5 tác hại của việc ngồi vắt chéo chân
10. Khi bạn chỉ vào thứ gì đó, hãy nhớ khép ngón tay của mình lại
Bà Pachter viết rằng: “Hãy dùng cả bàn tay khi chỉ vào thứ gì đó và phải khép ngón tay lại. Nếu bạn chỉ dùng ngón trỏ để chỉ thì hành động này rõ ràng rất có tính lấn át”, và “Dù là nam hay nữ thì đều sẽ làm vậy, nhưng nữ giới có xu hướng dùng ngón trỏ nhiều hơn”.
11. Kiểm tra tên người mà bạn gửi email một cách cẩn thận
Hãy đặc biệt chú ý đến tên người nhận email, bởi vì rất dễ chọn nhầm tên, đặc biệt là những người mà bạn không muốn họ nhận được thư của bạn.
12. Hãy nhớ dùng tay để bẻ bánh mì
Bà Pachter cho biết: “Tại những bữa tiệc kinh doanh, tuyệt đối không dùng dao để bắt bánh mì mà hãy dùng tay để bẻ”.
13. Đừng ăn món quá đắt tiền
Giả sử bạn gọi một món bít-tết hoặc tôm hùm đắt tiền, việc này sẽ khiến bạn trông có vẻ thích “ăn hời” của người khác. Thế nhưng nếu ông chủ của bạn đề nghị bạn chọn những món này thì bạn có thể chọn theo ý họ, nhưng vẫn nên cố gắng đừng chọn những món quá đắt tiền và rượu cũng vậy.
Ngoài ra, khi chọn những “món đặc sản” thì hãy đặc biệt cẩn thận, bởi vì có rất nhiều nhân viên phục vụ sẽ không nhắc đến giá tiền khi giới thiệu những món này. Và giá của những món đặc sản thường cao hơn từ 10% – 40% so với món thông thường, thế nhưng bạn cũng không tiện hỏi giá của món ăn trong những bữa cơm xã giao. Vì thế tốt nhất là hãy tránh.
14. Đừng tự dọn đĩa của mình
Bạn không phải là nhân viên phục vụ, hãy để nhân viên phục vụ làm công việc của họ. Còn việc bạn thu dọn chén đĩa sớm sẽ khiến người dùng bữa với bạn cảm thấy bạn rất vội vã sốt ruột, thậm chí là cảm thấy bạn rất thô lỗ.
>> Bạn đã thật sự biết cách dùng bữa tối tại các nhà hàng sang trọng?
15. Hãy chọn những món tương tự như khách của bạn
Có nghĩa là nếu khách của bạn đã chọn món khai vị và tráng miệng thì bạn cũng nên chọn món khai vị hoặc tráng miệng và không nên chọn món chính, điều này sẽ khiến người khách của bạn cảm thấy không thoải mái khi dùng món một mình.
16. Tuyệt đối không được gói đồ ăn thừa
Bạn đến để bàn công việc, không phải đến để gói đồ ăn thừa. Bạn có thể gói đồ ăn lại trong những bữa ăn gia đình, nhưng tuyệt đối đừng làm vậy ở những bữa tiệc xã giao.
17. Biết cách đặt đĩa và dụng cụ ăn uống sao cho đúng
Hãy nhớ trong tiếng anh chữ left (trái) có 4 chữ cái còn right (phải) có 5 chữ cái.
Bà Pachter viết rằng:
“Thức ăn để ở bên trái đĩa. Chữ thức ăn (food) có 4 chữ cái giống như chữ trái (left). Tương tự, thức uống đặt bên phải đĩa, chữ ly (glass) có 5 chữ cái giống như chữ phải (right), vì vậy đều ở bên phải.
Nguyên tắc trái-phải cũng áp dụng đối với dụng cụ ăn uống của bạn. Nĩa (fork) đặt bên trái, dao (knife) và thìa (spoon) đặt bên phải vì đều có 5 chữ cái.
Ngoài ra, còn có một nguyên tắc có tên là BMW có thể giúp bạn nhớ cách đặt đĩa và ly, BMW ở đây có nghĩa là bánh mì (bread), món ăn (meal) và nước (water), vì vậy hãy nhớ là bánh mì và bơ được đặt bên trái, chính giữa là món chính và bên phải là ly nước”.
18. Người chủ trì thanh toán
“Nếu bạn mời người khác dùng bữa thì bạn là chủ nhân của bữa tiệc và bạn chịu trách nhiệm thanh toán dù bạn là nam hay nữ. Thế nhưng nếu người khách là nam của bạn muốn thanh toán thì nữ chủ nhân có thể nói: ‘Không phải là tôi mời mà là công ty của tôi mời ông’, hoặc lấy cớ đi vệ sinh để thanh toán trước. Cách này cũng áp dụng tương tự đối với nam giới”.
“Đương nhiên là nếu người khách nam nhất định kiên quyết thanh toán thì hãy để họ làm thế, không cần thiết phải tranh qua giành lại”.
19. Chuẩn bị một lời chào tạm biệt lịch sự
Nếu bạn phải rời đi, đừng lặng lẽ đi, bạn có thể chuẩn bị trước vài lời cáo lui, ví dụ như “Rất vui được gặp ông/bà, trò chuyện với ông/bà rất thú vị”, hoặc “Mong được gặp ông/bà lần sau” v.v…
Thanh Trúc
Xem thêm:
Từ khóa giao tiếp kinh doanh kỹ năng giao tiếp nghệ thuật giao tiếp