3 việc cha mẹ làm sẽ khiến con trở nên kém cỏi
- Trúc Nhi
- •
Không ít phụ huynh giáo dục con theo kiểu so sánh và áp đặt. Hành động này không chỉ tạo ra áp lực mà còn làm giảm đi sự tự tin và lòng ham học hỏi của trẻ. Thay vì cố gắng ‘chứng tỏ’ bản thân qua những cuộc tranh cãi, hãy lùi lại một bước và lắng nghe, thấu hiểu những mong muốn của trẻ. Chỉ khi cha mẹ trở thành những người bạn đồng hành, trẻ mới có thể phát triển một cách toàn diện và khám phá ra những năng lực tiềm ẩn bên trong bản thân.
Một lần, khi ở nhà bạn, tôi chứng kiến một cảnh như thế này:
Mẹ: “Con có chuyện gì vậy? Nếu không viết xong bài tập, giờ đi ngủ sẽ muộn và sáng mai con lại không dậy được.”
Trẻ: “Con biết rồi, đang viết đây.”
Cứ lặp đi lặp lại như thế…
Mẹ: “Con viết đến đâu rồi? Uống sữa đi, nó giúp tăng cường trí nhớ… Con thấy đấy, con nhà người ta về nhà là viết bài tập ngay, nhìn con kìa!”
Trẻ: “Ôi, phiền phức quá! Nếu sữa ngon thì mẹ tự uống đi. Con nhà người ta giỏi giang, mẹ đi tìm họ làm con của mẹ đi, sinh ra con để làm gì?” Nói xong, đứa trẻ ném cốc sữa xuống đất, “bụp” một tiếng rồi bỏ lên phòng.
Càng bị mẹ thúc giục, trẻ càng chậm chạp; trẻ càng chậm chạp thì mẹ càng thúc giục… Cuộc tranh luận âm thầm giữa hai người dường như bắt đầu từ đó. Mặc dù mỗi bậc phụ huynh đều xuất phát từ ý tốt vì con cái, nhưng việc áp đặt sai cách chỉ dẫn đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng tồi tệ. Bố mẹ càng nghiêm khắc, trẻ càng dễ nổi loạn; càng cố gắng tranh luận, trẻ càng xa cách. Phương pháp giáo dục hiệu quả nằm ở chỗ cha mẹ biết “lùi một bước”, để trẻ có cơ hội “tiến một bước”.
Bố mẹ càng nghiêm khắc, con càng nổi loạn
Tôi từng đọc một câu thế này: “Cố gắng nắm chặt cát trong lòng bàn tay, nhưng càng siết chặt, cát lại càng trôi tuột ra”. Câu nói này diễn tả rất rõ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tôi còn nhớ mùa hè sau khi tốt nghiệp trung học, tôi cùng bạn bè đi làm ở thành phố. Khi không còn sự kiểm soát của bố mẹ, tôi bắt đầu thử nghiệm nhiều điều mới mẻ như nhuộm tóc và sơn móng tay với đủ màu sắc. Tuy nhiên, lúc đó tôi không dám cho mẹ biết trước những việc này vì sợ mẹ sẽ trách móc.
Một ngày, mẹ không gọi điện báo trước mà bất ngờ đến thăm. Ngay khi thấy tôi, mẹ không la mắng mà nhẹ nhàng quan tâm. Mẹ nói: “Giờ con đã trưởng thành, mẹ sẽ tôn trọng và ủng hộ mọi lựa chọn của con.”
Kể từ đó, tôi không còn giấu giếm mẹ bất kỳ điều gì nữa. Tôi bắt đầu chia sẻ mọi bí mật với mẹ và luôn thảo luận với mẹ về mọi quyết định. Mẹ lắng nghe suy nghĩ của tôi như một người bạn và đưa ra những lời khuyên rất quý giá.
Quả thật, nhiều bậc phụ huynh luôn kỳ vọng con cái trở thành những người xuất sắc, mong muốn chúng trở thành “thiên tài trong mắt mọi người”. Tuy nhiên, nếu chỉ có sự nghiêm khắc và áp đặt mà thiếu sự lắng nghe và tôn trọng, điều đó sẽ chỉ làm trẻ càng nổi loạn.
Mỗi đứa trẻ đều có thời điểm riêng để “nở hoa”, và mối quan hệ cha mẹ – con cái đúng đắn cần được xây dựng trên sự thấu hiểu và đồng cảm. Chỉ khi cho phép trẻ phát triển theo nhịp độ của riêng mình, chúng mới có thể thực sự tỏa sáng.
Bố mẹ càng áp đặt, con càng xa lánh
“Trẻ em nhìn thế giới bằng cả trái tim, trong khi phụ huynh chỉ dùng đôi mắt; trẻ em là những triết gia, còn phụ huynh là những nhà giáo dục.”
Có một người mẹ đã từng chia sẻ một câu chuyện như sau: Cậu con trai của bà đang ở tuổi dậy thì, rất nổi loạn và thu mình. Khi vào trung học, cậu bỏ học, suốt ngày chỉ ở nhà chơi game, lướt mạng và nhắn tin.
Nhiều bậc phụ huynh có lẽ sẽ cảm thấy vô cùng đau đầu trong tình huống này. Họ có thể chọn cách liên tục thúc ép, thuyết phục hoặc bỏ mặc để con tự xoay sở. Nhưng người mẹ này đã chọn một cách khác. Bà lặng lẽ ở bên cạnh con mỗi ngày. Khi con chơi game, bà mang sữa đến, nhắc con đừng chơi quá sức. Bằng tình thương và sự thấu hiểu, bà từ từ xoa dịu trái tim của con trai.
Cuối cùng, sau một năm, con trai dần thay đổi, không còn nổi loạn nữa. Cậu muốn ra nước ngoài để tham gia thi đấu game và hiểu rằng cần phải học giỏi mới có cơ hội thực hiện ước mơ. Cậu bắt đầu cố gắng học.
Không lâu sau, cậu nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngôi trường đại học mà cậu mơ ước. Cậu ôm mẹ và cảm ơn bà vì những năm tháng âm thầm ở bên cạnh. Bà biết rằng con trai mình đã vượt qua giai đoạn nổi loạn và bắt đầu bước vào con đường trưởng thành.
Thực ra, hầu hết các bậc phụ huynh đều yêu thương con cái rất nhiều, chỉ có điều cách thể hiện tình yêu của họ đôi khi không phù hợp, khiến trẻ cảm thấy xa cách hơn. Trẻ em có suy nghĩ và cách hành xử riêng; đôi khi, cha mẹ lùi một bước thì trẻ mới có thể tiến một bước. Khi cha mẹ không kiểm soát quá mức, trẻ lại có thể thể hiện xuất sắc hơn.
Khi tránh xa những mâu thuẫn trong mối quan hệ cha mẹ – con cái, mối quan hệ này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, giúp trẻ nhận được nhiều năng lượng tích cực và hướng tới sự phát triển.
Nhiều bậc phụ huynh thường nói với con rằng mọi điều họ làm đều xuất phát từ tình yêu, nhưng lại áp đặt lên trẻ những điều mà trẻ không cần, liên tục tranh cãi với chúng. Những hành động như vậy chỉ càng đẩy trẻ ra xa hơn. Phân tích tâm lý học chỉ ra rằng nếu trẻ càng lớn càng không muốn nghe lời cha mẹ, điều này thường xuất phát từ việc cha mẹ thường xuyên chỉ trích, hạ thấp và tranh luận với chúng khi còn nhỏ.
Dần dần, cảm giác tồi tệ này tích tụ trong tâm trí trẻ; khi trẻ bắt đầu có suy nghĩ riêng, nếu cha mẹ vẫn tiếp tục áp đặt, sẽ dẫn đến sự bùng nổ, khiến trẻ trở nên bướng bỉnh hơn. Đôi khi, nếu cha mẹ suy nghĩ vấn đề từ một vị trí bình đẳng với trẻ, họ sẽ có những câu trả lời khác nhau.
Cho phép trẻ mắc sai lầm là điều cần thiết, bởi trẻ sẽ trưởng thành thông qua quá trình mắc sai lầm và sửa sai. Ngược lại, nếu cha mẹ càng áp đặt, trẻ chỉ càng trở nên xa cách hơn.
Bố mẹ lùi một bước, thì con mới có thể tiến một bước
Trẻ muốn có sự đồng hành chứ không phải áp lực trong cuộc sống. Lúc này, bố mẹ không cần phải nghiêm khắc; chỉ cần lùi một bước, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Khi bố mẹ lùi lại, trẻ mới dám tiến lên. Mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ sẽ không còn bị giới hạn bởi các yêu cầu và áp lực.
Nhiều bậc phụ huynh đã thực sự rút lui, và kết quả khiến nhiều người ngạc nhiên: Trẻ dần dần trở nên thoải mái hơn, nhiều điều không còn khiến trẻ chán nản; khi cảm thấy thoải mái hơn, trẻ có thể lắng nghe cha mẹ và tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng.
Cuộc sống chỉ cần bớt áp lực một chút thì không khí gia đình cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, giữa cha mẹ và con cái sẽ có một bầu không khí giao tiếp hòa bình, đầy tình yêu và sự tôn trọng, từ đó giúp trẻ ngày càng xuất sắc hơn.
Trúc Nhi biên dịch
Từ khóa cha mẹ