Bạn có biết về nguồn gốc của cây thông Noel?
- Minh Nguyệt
- •
Giáng Sinh là một ngày hội lớn được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Đặc biệt là ở phương Tây. Từ những nơi xa xôi hẻo lánh tới các thành thị giàu sang, với đủ các hình thức như: tạo những hang đá máng cỏ, cây thông Noel, hay chỉ đơn giản là thắp lên ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà ở vùng quê vắng vẻ, hay trăm ngàn ánh đèn rực rỡ chốn phố thị tráng lệ… khắp nơi đều chào mừng ngày đặc biệt này.
Ngày nay, lễ Giáng Sinh đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam.
Theo quan niệm của nhiều người phương Tây, màu xanh là màu tượng trưng cho sự vĩnh cửu, phồn vinh và ấm no. Những loại cây có màu xanh quanh năm thường mang ý nghĩa rất đặc biệt với con người. Cây thông được chọn cho dịp Giáng sinh cũng là vì nó vẫn có thể xanh tốt vào mùa đông lạnh giá. Nhiều quốc gia còn tin rằng màu xanh chính là thứ bùa giúp xua đuổi tà ma và bệnh tật.
Vậy phong tục trang trí cây thông bắt đầu khi nào và nó có ý nghĩa như thế nào? Vẫn có một số giả thuyết và truyền thuyết được truyền tụng về nguồn gốc của cây thông Noel.
Theo truyền thuyết, ngay từ 2000 đến 1200 trước Công nguyên đã có tục lệ trưng bày cây thông épicéa vào ngày 24/12, bởi vì người ta xem như ngày này là ngày tái sinh của Mặt trời. Trước đây, người Đông Âu (Celtes) dùng lịch theo chu kì Mặt trăng. Mỗi tháng của năm đều liên kết với một loại cây. Ngày 24/12 nhằm tiết Đông chí được đặt tên là tùng bách (épicéa). Để làm lễ cho ngày Đông chí, một cây xanh tượng trưng cho sự sống được trang trí bởi trái, hoa và lúa mì. Năm 354, Giáo hội Công giáo định lễ Giáng Sinh được cử hành ngày 25/12. Theo dòng thời thời gian, cây Noel có một lịch sử hình thành và đến nay nó đã trở thành thân quen mỗi dịp Giáng Sinh về.
Truyền thuyết xưa khác kể rằng vào một đêm Noel đã lâu, một người tiều phu nghèo đang trên đường về nhà bỗng gặp đứa trẻ lạc và lả đi vì đói. Dù túng thiếu, ông vẫn dành cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi và che chở giúp nó một đêm yên giấc. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, người tiều phu nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Lúc đó, ông mới biết đứa trẻ chính đức Chúa và ngài đã tạo ra cái cây để thưởng cho lòng nhân đức đối với người khác.
Vào thế kỷ thứ VIII, thánh Boniface, một thầy tu người Anh, trên đường hành hương, ông tình cờ bắt gặp một nhóm những người không theo đạo Thiên Chúa đang tập trung quanh một cây sồi lớn, dùng một đứa trẻ để tế thần. Để dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm. Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ đó rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa Cứu thế.
Cũng có câu chuyện nữa lại kể rằng vào thế kỷ thứ 8, thánh Boniface – giáo sĩ người Anh – khi sang Đức truyền bá đạo Cơ đốc đã tặng thành phố Geismar một cây thông tượng trưng cho tình thương cũng như tín ngưỡng mới. Khi người Đức chấp nhận Cơ đốc giáo, họ chọn cây thông làm biểu tượng ngày Giáng sinh để tưởng nhớ công ơn thánh Boniface.
Tương truyền, một lần Martin Luther (nhà thần học người Đức, tu sĩ dòng Augustine) dạo bước qua những cánh rừng vào một đêm Noel khoảng năm 1500. Hàng triệu vì sao sáng lấp lánh qua kẽ lá. Ông thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài cây nhỏ, trên cành cây tuyết trắng phủ đầy, lung linh dưới ánh trăng. Vì thế, khi trở về ông đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu chuyện này với lũ trẻ. Để tái tạo ánh sáng lấp lánh của muôn ngàn ánh sao, ông đã treo nến lên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy với lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh. Ông giải thích là các cây nến cháy sáng trên các nhánh của cây thông tượng trưng cho ánh sáng của Đức Giêsu mang đến cho nhân loại, màu xanh tươi quanh năm của cây thông tượng trưng cho Đức Chúa Trời hằng hữu.
Phong tục cây Giáng sinh trở nên phổ biến ở Đức vào thế kỷ 16. Người theo đạo Cơ đốc mang cây xanh vào trong nhà và trang hoàng cho chúng trong dịp lễ Giáng sinh. Ở những vùng vắng bóng cây xanh, mọi người tạo ra các đồ vật hình chóp từ gỗ và trang trí cho nó các cành cây xanh và nến. Chẳng bao lâu sau, phong tục cây Giáng sinh đã trở nên phổ biến ở các nước châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, Hoàng tử Albert, chồng tương lai của nữ hoàng Victoria của Anh ra đời. Chính ông đã phổ biến rộng rãi phong tục cây Giáng sinh vào nước Anh. Năm 1841, đôi vợ chồng Hoàng gia này đã trang hoàng cây Giáng sinh đầu tiên của nước Anh tại lâu đài Windson bằng nến cùng với rất nhiều loại kẹo, hoa quả và bánh gừng. Khi cây Giáng sinh trở thành thời thượng ở Anh thì những gia đình giàu có đã dùng tất cả những đồ vật quý giá để trang trí cho nó.
Ở Việt Nam những năm gần đây, không chỉ những gia đình theo đạo Thiên Chúa mới trang trí cây thông Noel mà hầu như mọi người đều muốn hòa mình vào không khí lễ hội, nhà nhà đều trang trí cây Noel, làm hang đá… và trong 2 năm gần đây phong trào trang trí cây thông thật nhập khẩu từ nước ngoài trở nên phổ biến, mặc dù giá cả của thông thật nhập khẩu không hề rẻ chút nào. Nhiều người thích trang trí Giáng sinh bằng cây thông thật, bởi sản phẩm bằng nhựa trông rất vô hồn và thiếu tính thẩm mỹ, trong khi đó thông thật có tán dày, màu xanh sậm, chùm lá dày bó khít rất đẹp mắt và lại còn có mùi hương thoang thoảng rất dễ chịu, tạo nên một không khí Giáng Sinh ấm áp đặc trưng.
Minh Nguyệt (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa cây thông noel Noel cây thông Giáng Sinh Giáng Sinh