Một miếng bánh mì từ 5.000 năm trước đã được khai quật ở Thổ Nhĩ Kỳ, gây chấn động trong khu vực địa phương. Điều thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn là các nhà khảo cổ học đã hợp tác với một tiệm bánh để khôi phục lại công thức làm bánh mì cổ xưa! Ngay khi chiếc bánh mì được tung ra, nó đã bán hết trong vòng vài giờ vì mọi người đều muốn nhân cơ hội này để trải nghiệm hương vị của bánh mì từ 5.000 năm trước.

GettyImages 2216652768
Chiếc bánh mì 5.000 năm tuổi được khai quật ở Thổ Nhĩ Kỳ. (YASIN AKGUL/Getty Images)

Chiếc bánh mì được khai quật được nướng vào thời kỳ đồ đồng của Thổ Nhĩ Kỳ và được tìm thấy tại địa điểm Kulluoba ở tỉnh Eskisehir, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù các nhà khảo cổ đã khai quật được chiếc bánh mì này vào đầu tháng 9/2024 trong một cuộc khai quật khảo cổ, nhưng tin tức này chỉ mới được công bố gần đây.

Các nhà nghiên cứu cho biết, ổ bánh mì cháy, có đường kính khoảng 12,7 cm, được chôn dưới lối vào một ngôi nhà có niên đại từ năm 3.300 trước Công nguyên. Một miếng bánh mì đã bị xé ra trước khi chôn.

Trong lĩnh vực khảo cổ học, việc phát hiện ra thực phẩm cổ đại còn nguyên vẹn là cực kỳ hiếm. “Rất hiếm khi tìm thấy bánh mì (nguyên vẹn) trong một cuộc khai quật. Thông thường bạn chỉ tìm thấy vụn bánh mì”, nhà khảo cổ học kiêm giám đốc khai quật Murat Turkteki nói với AFP.

“Nhưng ở đây, nó được bảo quản vì đã bị cháy đen và chôn dưới lòng đất”, ông nói.

Đây là một trong những loại bánh mì nướng lâu đời nhất được các nhà khảo cổ tìm thấy trong quá trình khai quật và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học Eskişehir ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ayse Unluce, thị trưởng Eskisehir, cho biết bà rất xúc động trước khám phá của nhóm nghiên cứu vì nó cho thấy cách người dân trong khu vực này sống cách đây hàng ngàn năm. Bà tự hỏi liệu bánh mì có thể được tái tạo như một món quà lưu niệm hay không.

GettyImages 2216652785
Bản sao của bánh mì 5.000 năm tuổi đã được bán hết nhanh chóng. (YASIN AKGUL/Getty Images)

Để tìm ra công thức bí mật của loại bánh mì cổ này, các nhà khảo cổ đã mang mảnh đất khai quật được đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Nghiên cứu của họ cho thấy rằng loại bánh mì này được làm từ bột emmer xay (một loại lúa mì cổ) và đậu lăng cùng lá của một loại cây, được dùng làm men để giúp bánh mì nở. Bột emmer là một loại lúa mì cổ thích nghi với điều kiện khô cằn, điều này cũng tiết lộ điều kiện khí hậu ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ trong Thời đại đồ đồng.

Sau đó, các nhà khoa học đã làm việc với một nhóm thợ làm bánh để cố gắng làm bánh mì. Thật không may, lúa mì emmer cổ đại không còn có ở Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Vì vậy, để tìm ra các thành phần gần với công thức ban đầu nhất có thể, nhóm đã quyết định thử sử dụng lúa mì Kavılca, tương tự như lúa mì emmer. Đây là một giống lúa mì cổ đại khác đã bên bờ vực tuyệt chủng cách đây vài năm. Ngoài ra, họ còn cho thêm bulgur, một loại ngũ cốc làm từ lúa mì cứng và đậu lăng vào bánh mì.

Mẻ bánh mì đầu tiên đã được bán hết chỉ sau vài giờ.

Loại bánh mì giống bánh vàng này được người dân địa phương ưa chuộng, một khách hàng tên là Suzan Kuru nói với AFP rằng cô “tò mò về hương vị của loại bánh mì cổ xưa này”.