Câu chuyện có thật về 150 chú chó Husky cứu sống 10.000 người
- Ngọc Trúc
- •
Những người yêu chó thường nói: Loài chó là bạn thân nhất của con người. Thế nhưng, có khi chúng thậm chí còn là vị cứu tinh của con người.
Trong mắt rất nhiều người thành phố, Husky là loại chó cưng đáng yêu, còn ở vùng cực Bắc xa xôi lạnh lẽo của trái đất, Husky là những chú chó kéo xe tuyết dũng cảm, mạnh mẽ và đã viết nên nhiều huyền thoại cứu sống con người.
Vào tháng 1/1925, vùng Nome ở Alaska phải đối mặt với dịch bệnh bạch hầu nguy hiểm chết người, để cứu người dân của thị trấn này, hơn 150 chú chó tuyết đã chiến đấu với mùa đông khắc nghiệt nhất trong suốt 20 năm qua để chạy hơn 1.085 km trong 6 ngày ngắn ngủi nhằm kịp thời đưa số thuốc quý giá đến nơi, cứu sống tính mạng của 10.000 người ở đó.
Bệnh bạch hầu truyền nhiễm nổ ra ở thị trấn Nome thuộc Alaska (Mỹ) vào tháng 1/1925. Khi đó đã có 4 đứa trẻ thiệt mạng, rất nhiều người ở đó không có khả năng chống chịu với căn bệnh này, nếu không có chất kháng độc tố (antitoxin) thì ước tính tỷ lệ tử vong của gần 10.000 người ở Nome và khu vực quanh đó có thể lên đến 100%. Tình hình vô cùng nguy cấp, cả thị trấn chỉ có một bác sĩ duy nhất là ông Curtis Welch. Ông đã phát điện báo khẩn cấp và cho biết khu vực này cần gấp 100.000 đơn vị huyết thanh kháng độc tố.
Chó tuyết Husky là sự lựa chọn duy nhất
Thị trấn Nome nằm ở nơi xa xôi, không có đường nối trực tiếp với bên ngoài, cả tiểu bang Alaska chỉ có 3 chiếc máy bay và toàn bộ đều dừng hoạt động vào mùa đông. Tuyến đường sắt duy nhất là ở Nenana cách Nome đến 1.085 km. Trời tuyết rơi lại cộng thêm sương mù, đó là năm mà mùa đông lạnh lẽo nhất trong suốt 20 năm qua, nhiệt độ mỗi ngày vào khoảng -34°C đến -46°C, mặt trời cũng chỉ chiếu sáng có vài giờ đồng hồ mà thôi.
Trước tình trạng này, Hội đồng của thị trấn Nome quyết định sau khi xe lửa đưa huyết thanh đến Nenana, cách duy nhất là dùng chó kéo xe tiếp sức đưa huyết thanh từ Nenana đến Nome.
Chó Husky là loài chó kéo xe chủ yếu ở Siberia, so với các loài khác, chúng có thể lực tốt, tốc độ chạy nhanh và bên dưới lớp lông bên ngoài còn có một lớp lông cuốn, giữ ấm vô cùng tốt, lớp lông này phát triển lâu ngày, rất khó bị rụng, vì thế ít tiêu hao năng lượng, giúp Husky có thể ăn ít, cực kỳ phù hợp dùng làm chó kéo xe trong môi trường khắc nghiệt nhất.
Khi đó các bưu điện của Mỹ thường dùng Husky cho công việc vận chuyển bưu kiện trong vùng. Tuyến đường này thường phải mất 25 ngày, thế nhưng trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, thời gian bảo quản huyết thanh chỉ có 6 ngày. Cũng có nghĩa là những chú chó Husky chỉ có chưa đến 1/4 thời gian bình thường để hoàn thành nhiệm vụ này.
Nhờ sự giúp đỡ của phía bưu điện Mỹ, 20 người chăn chó Husky kéo xe cùng hơn 150 chú chó được bố trí đến quãng đường 1.085 km này.
Đoạn đường gian nan nhất là khi vượt qua mặt biển đóng băng
Người chịu trách nhiệm đoạn đường nguy hiểm nhất có tên là Leonhard Seppala. Anh phải đi đoạn đường thứ hai dài 274 km, là đoạn đường dài gấp đôi các đội khác và phải vượt qua vịnh Norton đầy nguy hiểm.
Anh dẫn đội Husky chạy 274 km xuất phát từ Nome trong 3 ngày, đến ngày 31/1, đội của anh đón được đội chó tuyết kéo xe trước, nhận được huyết thanh và quay lại Nome.
Đội chó kéo xe của anh Leonhard Seppala chạy đến vịnh Norton vào lúc chiều tối, tình hình cực kỳ khó khăn như trong ác mộng vậy, trước mắt là mặt băng dài 20 dặm. Mặt biển băng không chắc chắn, nhưng nếu chạy vòng men theo bờ thì sẽ mất hơn một ngày, họ buộc phải tranh thủ từng giây không được chậm trễ để đưa huyết thanh cho đội tiếp theo.
Anh Leonhard toàn toàn tin tưởng vào chú chó Togo dẫn đầu, họ bước lên mặt băng để tiếp tục tiến về phía trước.
Sẽ vô cùng nguy hiểm tới tính mạng nếu rơi xuống nước lạnh dưới những phần nứt trên mặt băng Norton, anh Leonhard cần phải vòng qua những rãnh nứt và những phần mặt nước không đóng băng này một cách chính xác thì mới có thể đến được bờ bên kia. Thế nhưng trong đêm tối, lại thêm bão tuyết bất ngờ dẫn đến việc anh không nhìn thấy đường phía trước, do gió lạnh ảnh hưởng cũng khiến anh không nghe thấy được âm thanh mặt băng nứt vỡ. Cả đội đành phải đi leo sự dẫn dắt của chú chó Togo mới có hy vọng sống sót.
Râu của loài chó có thể cảm giác được sự thay đổi của dòng khí, còn râu của Husky lại nhạy cảm hơn các loài chó khác, anh Leonhard phải dựa vào chú chó Togo thì mới có thể an toàn vượt qua mặt băng.
Nhiều năm sau anh Leonhard nhớ lại: “Tôi chưa từng có chú chó nào tốt hơn Togo, sức bền, sự trung thành và trí tuệ của nó là không thể vượt qua được, Togo là chú chó giỏi nhất ở Alaska”.
Ngoài mặt băng nguy hiểm ở vịnh Norton còn có vùng núi Little McKinley cao hơn mặt nước biển 1.500 m, sau 4-5 ngày chạy liên tục, quãng đường vượt núi này hiển nhiên là vô cùng khó khăn, thế nhưng đội chó Husky đã nhanh chóng vượt núi Little McKinley một cách thần kỳ, kịp thời chuyển huyết thanh cho người chăn chó Gunnar Kaasen và chú chó dẫn dầu Balto của đội tiếp theo.
Hoàn thành quãng đường chạy 5 ngày rưỡi và cứu được mọi người
Đội chó kéo xe tiếp theo do anh Kaasen dẫn đầu lại chạy hơn 70 dặm để đến Nome vào ngày hôm sau, lúc này chỉ còn nửa ngày nữa là hết thời hạn bảo quản huyết thanh, tất cả số kiện hàng đều được an toàn.
Mọi người đã nhận được huyết thanh trong nửa ngày quý giá.
Và như vậy 20 đội với hơn 150 chú chó kéo xe đã cứu sống tính mạng của hàng vạn người ở thị trấn này.
Quãng đường chạy tiếp sức 1.085 km này đã khiến những chú chó kéo xe và chủ nhân của chúng trở thành những anh hùng và huyền thoại.
Để kỷ niệm dấu mốc lịch sử 150 chú chó Husky cứu sống 10.000 người đầy cảm động này, mọi người đã đúc một bức tượng Husky bằng đồng và đặt ở công viên trung tâm New York.
Hiện nay, bức tượng đồng được đúc theo hình tượng chú chó Balto dẫn dầu chặng đường cuối cùng vẫn còn ở đó. Câu chuyện về những chú chó Husky ở vùng Siberia lạnh lẽo nhất này vẫn khiến mọi người cảm thấy rất ấm lòng.
Ngọc Trúc
(Ảnh: Internet)
Xem thêm:
Từ khóa chó Câu chuyện cuộc sống Alaska Câu chuyện cảm động Chó Husky Chó tuyết Cảm động