Chuyên gia: Cảnh báo về bệnh ‘sa sút trí tuệ do điện thoại thông minh’
- Lý Ngọc
- •
Sa sút trí tuệ (Dementia) là một căn bệnh, là một hội chứng, bởi vì triệu chứng của nó không chỉ là suy giảm trí nhớ mà còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng nhận thức khác, bao gồm cả khả năng ngôn ngữ, v.v. Trong những năm gần đây, cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh, nhiều người lại xuất hiện tình trạng gọi là ‘sa sút trí tuệ do điện thoại thông minh’.
Điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của con người hiện đại — dùng để liên lạc, làm việc, giải trí, hoặc lướt không ngừng các bài đăng hay video trên mạng xã hội. Các chuyên gia y học Nhật Bản cảnh báo rằng, nếu sử dụng điện thoại một cách tuỳ tiện hoặc không có mục đích trong thời gian dài sẽ khiến não bộ mệt mỏi, từ đó có thể dẫn đến ‘sa sút trí tuệ do điện thoại’. Họ cũng đã liệt kê ra 10 dấu hiệu để theo dõi tình trạng này.
Sự khác biệt giữa ‘sa sút trí tuệ’ và ‘sa sút trí tuệ do điện thoại thông minh’
‘Sa sút trí tuệ’ (Dementia) là tình trạng não không thể tiếp nhận thông tin — vùng hồi hải mã trong não bắt đầu thoái hóa, khiến não không thể tiếp nhận dữ liệu, đồng nghĩa với việc không thể ghi nhớ.
Ngược lại, ‘sa sút trí tuệ do điện thoại thông minh’ là tình trạng liên tục nhìn chằm chằm vào điện thoại một cách vô định, khiến thông tin liên tục dồn dập vào não. Lượng lớn thông tin này làm não mệt mỏi, dần dần không thể ghi nhớ những gì đã tiếp nhận, dẫn đến phản ứng chậm chạp và hiệu suất công việc giảm sút.
Vậy làm sao để nhận biết?
Các chuyên gia đưa ra một chỉ số đơn giản: bạn có thể ngay lập tức nhớ ra bữa tối hôm kia bạn đã ăn gì không?
Nếu không thể nhớ ra ngay, rất có thể bạn đang mắc phải ‘sa sút trí tuệ do sử dụng điện thoại thông minh quá mức’.
Mức độ nguy hiểm của ‘sa sút trí tuệ do điện thoại thông minh’? Hãy kiểm tra 11 dấu hiệu
Chuyên gia thần kinh học hàng đầu Nhật Bản – ông Ayumu Okumura, Giám đốc Phòng khám Trí nhớ Okumura, đã tổng hợp “Bảng kiểm tra mức độ nguy hiểm của chứng sa sút trí tuệ do điện thoại thông minh” với 11 dấu hiệu sau:
Cảm thấy lo lắng khi không mang theo điện thoại thông minh
Đi vệ sinh hoặc tắm cũng phải mang theo điện thoại
Không có điện thoại thì không ngủ được
Thường xuyên có cảm giác nghe thấy tiếng rung hay thông báo từ điện thoại
Hay quên tên người hoặc tên đồ vật
Không nghĩ ra cách đáp lời phù hợp hoặc rất khó phản hồi người khác
Hiệu suất làm việc hoặc làm việc nhà giảm sút
Có quá nhiều điều phải lo nghĩ, như công việc, việc nhà, chăm con…
Cảm thấy lo âu
Bị thiếu ngủ
Trả lời lệch chủ đề, không đúng trọng tâm
Nếu bạn có nhiều dấu hiệu trong số này, có thể bạn đang rơi vào tình trạng ‘sa sút trí tuệ do dùng điện thoại thông minh quá mức’.
Làm sao để thoát khỏi sự cám dỗ của điện thoại?
Bác sĩ chuyên khoa thần kinh Nhật Bản – ông Katsuyuki Uchino cho rằng, điện thoại thông minh không phải là thứ “xấu xa”; nếu bạn chủ động tìm kiếm thông tin thì nó sẽ trở thành công cụ hữu ích. Nhưng nếu bạn chỉ xem một cách vô định, không suy nghĩ gì, thì não bộ sẽ biến thành một “bãi rác dữ liệu” — tình trạng này được gọi là ‘sa sút trí tuệ do điện thoại thông minh’.
Ông chỉ ra rằng, điều cần đặc biệt lưu ý trong “chứng sa sút trí tuệ do điện thoại” chính là vùng thùy trán của não – nơi chịu trách nhiệm kiểm soát hành vi và khả năng thực thi. Nếu ngay cả những nhiệm vụ đơn giản cũng bắt đầu trở nên rối loạn, đó có thể là một tín hiệu cảnh báo.
Lời khuyên của bác sĩ Katsuyuki Uchino:
Tạm thời không nhìn vào điện thoại, ra ngoài đi bộ trên đường phố.
Thử đi cắm trại hoặc xông hơi để “giải độc kỹ thuật số”.
Ngủ trưa ngắn để phục hồi sự mệt mỏi của não bộ. Lưu ý: Không nên ngủ quá lâu, thời gian lý tưởng là khoảng 40–50 phút
Những cách này giúp não nghỉ ngơi, lấy lại sự tỉnh táo và giảm phụ thuộc vào điện thoại thông minh.
Lý Ngọc theo Vision Times
Từ khóa điện thoại sa sút trí tuệ tổn thương não
