Con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn
Buổi sáng hôm ấy, Đại Hãn, vị Đại Hãn vĩ đại và là chiến binh dũng cảm nhất thảo nguyên Mông Cổ, cùng những chiến tướng cận thần phóng ngựa vào rừng bắt đầu một chuyến đi săn mới. Khu rừng mọi hôm yên ắng, hôm nay bỗng rộn lên tiếng người cười nói, tiếng vó ngựa, tiếng chó sủa…
Trên cổ tay Đại Hãn ngất ngưởng con chim ưng mà ông rất mực yêu quý. Vào thời đó, chim ưng được huấn luyện để đi săn. Chỉ cần nghe hiệu lệnh của chủ nhân là con chim bay vút lên cao nhìn dáo dác xung quanh tìm kiếm con mồi. Nếu phát hiện thấy nai hoặc thỏ, nó sẽ lao xuống như tên bắn và tấn công chúng.
Mặt trời bắt đầu khuất dần sau các dãy núi nhưng Đại Hãn và đoàn tùy tùng vẫn chưa săn được nhiều con mồi như mong đợi. Nóng lòng, Đại Hãn thúc ngựa vượt lên phía trước tách khỏi đoàn. Ông đã quá quen thuộc với khu rừng này.
Trong khi mọi người tiếp tục đi theo con đường cũ thì ông lại chọn con đường xa hơn, chạy xuyên qua thung lũng giữa hai dãy núi.
Sau nhiều giờ quần thảo trên ngựa dưới sức nóng của buổi chiều hè, Đại Hãn bắt đầu cảm thấy khát nước. Con chim ưng vụt khỏi cổ tay ông và lao vút đi, ông tin là nó sẽ tìm được đường quay về. Chợt ông thấy có nước rỉ ra từ một ghềnh đá. Đại Hãn xuống ngựa, lấy từ trong túi săn một cái cốc nhỏ bằng bạc rồi bước đến hứng những giọt nước đang rỉ ra. Ông kiên nhẫn và biết rằng phải lâu lắm cốc nước mới đầy. Miệng ông khát đắng nên không kịp chờ nước đầy ly, ông vội đưa ngay lên miệng chuẩn bị uống.
Bất thình lình, một âm thanh vút lên từ trên không và một vật xẹt ngang tay ông, chiếc ly rơi xuống đất. Thì ra đó là con chim ưng yêu quý của ông. Con chim ưng bay tới bay lui thêm vài lần rồi buông cánh đậu giữa các vách đá bên khe nước.
Đại Hãn nhặt chiếc ly lên và một lần nữa đưa vào hứng lại từng giọt. Lần này ông không đợi lâu hơn. Khi hứng được gần nửa ly, ông nâng ly lên miệng nhưng trước khi chiếc cốc chạm vào môi, con chim ưng lại bay vụt xuống và làm rớt ly nước khỏi tay ông.
Đại Hãn bắt đầu nổi giận. Ông tiếp tục lần nữa và lần thứ ba con chim ưng lại đánh đổ ly nước. Đại Hãn vô cùng giận dữ, hét lớn:
– Con vật khốn kiếp kia, sao ngươi dám làm như thế? Đừng để ta bắt được ngươi, không thì ta sẽ vặn cổ ngươi đó!
Và rồi ông hứng lại ly nước khác. Lần này trước khi đưa lên miệng uống, ông rút gươm cầm sẵn trên tay.
– Nào, đây là lần cuối cùng ta chịu đựng ngươi đó! – Đại Hãn nóng giận hét lên thành lời. Gần như ông vừa dứt hết câu, con chim lao nhanh xuống và hất mạnh ly nước. Nhà vua không tha thứ được nữa. Một lằn sáng vút lên và thanh gươm của ông chém trúng con chim. Con chim đáng thương nằm quằn quại và giẫy chết dưới chân chủ nhân nó. Không chút xót thương, Đại Hãn gằn giọng:
– Cái chết thật xứng đáng với tội láo xược của nhà ngươi.
Khi phát hiện chiếc ly bị rơi vào giữa hai tảng đá và ông không thể với lấy nó được, ông tự nhủ “Ta sẽ uống nước tại con suối”. Và ông bắt đầu leo lên sườn đá dốc, ngược theo dòng nước chảy để lần đến con suối. Khi đến nơi, con suối mà ông nghĩ thực ra chỉ là một vũng nước nhỏ, nhưng vật nằm trong đó đã làm nước trào hẳn ra ngoài. Và chính vật này khiến Đại Hãn hoảng sợ thật sự: một con rắn lớn, nổi tiếng là loài cực độc, đang nằm chết rữa giữa vũng nước.
Đại Hãn đứng khựng lại, quên cả cơn khát cháy cổ. Ông đau đớn khi nghĩ đến hành động vừa rồi của mình, cơn tức giận nhất thời đã khiến ông vung gươm giết chết con chim yêu quý – chỉ vì nó muốn cứu mạng ông. Kể từ đó, hình ảnh con chim ưng giẫy chết trong vũng máu luôn nhắc nhở ông đừng bao giờ hành động điều gì trong cơn tức giận.
Theo The Stories of Life
Ghi chú: Câu chuyện trên không phải là chính sử, chỉ có tác dụng tham khảo.
Xem thêm:
Từ khóa Bài học cuộc sống Thành Cát Tư Hãn Suy ngẫm nóng giận Chim ưng