Đằng sau vẻ đẹp của sợi tự nhiên – Phần II: Len
- Ngọc Chi
- •
Len là loại sợi tự nhiên được sản xuất từ lông động vật, chủ yếu là cừu. Trong vài nghìn năm, len chủ yếu cung cấp cho con người loại vải dệt ấm áp, chống cháy và không gây dị ứng để may quần áo hoặc làm thảm trải sàn, thảm trang trí, v.v.
Lông cừu
Cừu là một trong những động vật được thuần hóa đầu tiên, được nuôi chủ yếu để lấy thịt, sữa và da ngay từ năm 11.000 trước Công nguyên ở Mesopotamia (Lưỡng Hà). Mặc dù rất khó tìm thấy các mẫu vật của loại vật liệu có thể phân hủy sinh học này, nhưng có bằng chứng về việc con người sản xuất len vào khoảng thời gian đó.
Vào cuối thời kỳ đồ đá, trong thời kỳ đồ đá mới, loài người chuyển từ lối sống săn bắn hái lượm sang định cư, trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Cừu được nuôi ở miền nam nước Pháp vào khoảng năm 6.000 trước Công nguyên. Khi nền văn minh nhân loại phát triển, cừu được nhân giống để có nhiều bộ lông phong phú với các đặc tính đa dạng.
Ví dụ, giống cừu Shetland của Scotland cho loại len dày và bền chắc, thường được sử dụng làm áo len aran cổ điển – loại áo truyền thống của nông dân và ngư dân Scotland và Ireland.
Cừu Romney là một giống cừu phổ biến trên toàn thế giới cho cả thịt và lông. Bộ lông dài và thô của chúng có thể có màu trắng, xám, bạc, nâu hoặc đen. Nó có vẻ ngoài tự nhiên, giống màu đất, phù hợp làm áo khoác ngoài, chăn và thảm trang trí.
Hầu hết cừu được nuôi để lấy loại len mịn đều là giống cừu Merino. Cừu Merino có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, thường được nuôi trong gia đình hoàng gia. Giống cừu này được đánh giá cao nhờ lớp lông mềm mại có thể so sánh với lông cừu non, đến mức việc buôn bán chúng ra nước ngoài có thể bị xử tử. Tuy nhiên, sau năm 1765, chính quyền quân chủ Tây Ban Nha thấy phù hợp để tặng những đàn cừu nhỏ cho các quốc gia đồng minh và các cơ sở chăn nuôi gia súc chọn lọc, nên đã giúp những nước khác cũng có thể sản xuất len merino chất lượng cao.
Khi việc chăn nuôi cừu phát triển rộng, len trở thành một trong những loại sợi được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Ngày nay, Trung Quốc và Úc là những nước sản xuất len lông cừu hàng đầu. Nước láng giềng nhỏ bé của Úc, New Zealand, xếp ở vị trí thứ ba đầy ấn tượng – với sản lượng len bằng hơn một nửa của nước Úc – một quốc gia có diện tích gần gấp ba mươi lần.
Các loại len khác
Mặc dù cừu là nguồn cung cấp len lớn nhất thế giới cho đến nay, nhưng nhiều loài động vật cũng cho lông sản xuất len, mỗi loại đều có những phẩm chất độc đáo riêng.
Loài dê cho lông sản xuất ra cả len mohair và cashmere. Dê Angora thường được cắt lông hai lần một năm để có lớp lông tơ dày và bóng, được gọi là mohair. Sau khi cạo lông, chúng cần được bảo vệ khỏi cái lạnh cho đến khi lông mọc lại.
Dê Kashmir có lớp lông tơ cực kỳ mịn và ấm áp để bảo vệ chúng khỏi nhiệt độ đóng băng trong môi trường sống ở dãy Himalaya. Những con dê được chải lông hoặc cạo lông vào cuối mùa đông, trước khi bắt đầu rụng lông. Cần có một “máy cạo lông” để tách các sợi lông tơ khỏi các sợi lông bảo vệ dày dặn để có được chất liệu cashmere bóng mượt và bền đẹp.
Thỏ Angora, với bộ lông dài và xốp, có lẽ là loài cung cấp loại sợi tự nhiên tốt nhất, ấm nhất và nhẹ nhất, được gọi là len angora. Những người chăn nuôi thỏ Angora chải lông cho chúng hàng ngày để tránh bị bết. Lông được thu hoạch bằng cách nhổ nhẹ nhàng khi thỏ thay lông – ba hoặc bốn lần mỗi năm – hoặc cắt cẩn thận bằng kéo.
Loại len mỏng manh này thường được trộn với các loại sợi khác để cải thiện độ bền hoặc để tăng độ mềm cho các loại vải khác.
Loài lạc đà và lạc đà không bướu như Alpaca, Llama cũng có bộ lông xốp đặc biệt nhẹ và ấm. Lông của lạc đà Alpaca, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được cắt tỉa thủ công (bằng kéo) vào mỗi mùa xuân để có loại len rất mềm mà lại bền.
Lạc đà không bướu chỉ được cắt lông hai năm một lần. Lớp lông bảo vệ thô hơn phù hợp làm thảm trải sàn và thảm trang trí, được tách ra khỏi lớp lông tơ có giá trị hơn.
Như bạn có thể tưởng tượng, việc xén lông cho một con lạc đà lớn và không hợp tác có thể mang lại nguy hiểm, vì vậy lông lạc đà thường được thu thập bằng cách chải lông hoặc thu thập vào mùa xuân khi chúng thay lông.
Bò rừng bison, một loài động vật hung dữ khác cũng có bộ lông mềm đáng kinh ngạc với kết cấu tương tự như mohair và độ ấm tương đương với cashmere. Bò rừng thích loại bỏ lông vào mùa xuân khi đến thời kỳ thay lông. Lúc này, có thể dùng một chiếc bàn chải to và cứng để chải lông cho chúng.
Chế biến len
Ngoài len angora từ thỏ – vốn là động vật rất sạch sẽ — thì hầu hết các loại len đều cần được xử lý kỹ lưỡng trước khi sản xuất sợi.
Ví dụ, lông cừu phải trải qua một số bước trước khi kéo thành sợi. Lông của chúng không chỉ tích tụ nhiều mảnh vụn và phân, mà còn chứa lanolin – một chất sáp có thể làm cho sợi len bị dính.
Bước 1: Xén lông
Quá trình này bắt đầu với việc xén lông hàng năm, thường được thực hiện bằng máy cắt điện. Các sợi lông sau khi xén vẫn được kết dính với nhau nguyên vẹn thành một mảnh, trông giống như một tấm da thú.
Quy trình này không chỉ mang lại cho chúng ta những sợi len ấm áp mà còn có lợi cho cừu. Xén lông giúp cừu không bị quá nóng trong mùa hè, ngăn chặn ký sinh trùng và giảm tải trọng đáng kể cho chúng.
Bước 2: Xử lý lông
Xử lý lông là việc cắt bỏ những vùng không sử dụng được ra khỏi bộ lông. Vùng lông ở bụng và chân là nơi có sợi ngắn nhất và bẩn nhất thường bị loại bỏ. Bất kỳ khu vực nào có quá nhiều mảnh lông vụn, xỉn màu hoặc bết dính cũng được cắt tỉa ở bước này.
Bước 3: Phân loại
Sau khi xử lý, lông thành phẩm được phân loại theo độ dày và độ sạch để người mua biết được chất lượng hàng. Chiều dài của sợi và đường kính sợi trung bình (được đo bằng micromet) của lông cừu cũng được xem xét khi phân loại.
Bước 4: Đóng kiện
Lông sau khi xử lý được đóng gói thành kiện. Một kiện có thể nặng từ 200 đến 300 kg và chứa khoảng 100 bộ lông cừu riêng lẻ.
Bước 5: Pha trộn len
Lông cừu đã được cắt và phân loại được pha trộn với nhau bằng cách tách các bộ lông ra và kết hợp các loại lông ở các kiện khác nhau để đảm bảo có một sản phẩm đồng nhất. Pha trộn cũng có thể được thực hiện ở các giai đoạn khác.
Bước 6: Giặt len
Quá trình giặt bắt đầu bằng việc ngâm lông cừu vào nước lạnh trong một thời gian dài để loại bỏ các mảnh vụn và muối (từ mồ hôi). Để tránh lông bị bết dính thì không được khuấy trộn trong quá trình giặt.
Tiếp theo là giặt lông cừu. Lông cừu được cho vào bể nước nóng với chất tẩy rửa để loại bỏ các chất gây ô nhiễm còn sót lại và lanolin dạng sáp. Lanolin, một chất làm mềm hiệu quả để làm dịu da khô, nứt nẻ. Ở bước này, khi lanolin bị tan chảy, người ta sẽ hớt bỏ lớp trên cùng. Về mặt thương mại, nó được chiết xuất thông qua quá trình ly tâm và được sử dụng trong nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.
Trường hợp có nhiều sạn thực vật như hạt cây và cỏ gai dính vào lông, các cơ sở sản xuất quy mô lớn cũng sẽ sử dụng quy trình gọi là cacbon hóa, trong đó axit sunfuric được sử dụng để hòa tan các vật liệu lạ.
Len sạch sẽ được xả kỹ và phơi khô trên giá hoặc dây chuyền.
Bước 7: Gỡ rối
Len khô, sạch được gỡ ra để tách các sợi, loại bỏ nốt những mảnh vụn bị mắc kẹt và chuẩn bị công đoạn chải thô. Việc gỡ rối có thể được thực hiện bằng tay hoặc bằng lược; và trong quá trình này, len có thể được pha trộn thêm, phân loại và làm sạch. Thực hiện tốt công đoạn gỡ rối sẽ giúp bước tiếp theo — chải thô — dễ dàng hơn nhiều.
Bước 8: Chải thô
Chải thô là quá trình gỡ rối các sợi theo cách truyền thống bằng hai bàn chải lớn, cứng. Bạn đặt những cụm len đã gỡ lên bàn chải thứ nhất và dùng bàn chải thứ hai để chải bắt đầu từ dưới lên giống như chải tóc dài. Sau một vài lần chải, len dính sang bàn chải thứ hai và quy trình này được lặp lại ở mặt kia của len. Khi những sợi len trở nên tơi, mượt và không bị rối, người ta dùng bàn chải thô để cuộn lại thành một ống len nhỏ hình trụ mềm mại, gọn gàng.
Chải thô bằng tay tốn nhiều thời gian và công sức, vì vậy các cơ sở sản xuất thường sử dụng máy chải thô; nhưng chất lượng của len chải thủ công luôn được đánh giá cao hơn. Những ống len đã hoàn thiện, giống như trái cây chín, nên được sử dụng trước khi chất lượng len giảm sút. Bây giờ len đã sẵn sàng để quay.
Bước 9: Quay len
Những dấu tích cổ xưa của dây, dây thừng, cho thấy việc kéo sợi đã xuất hiện từ hàng chục nghìn năm trước, với bánh xe quay bằng gỗ chỉ xuất hiện vào nửa sau của thiên niên kỷ thứ nhất. Bánh xe đủ nhỏ và không đắt tiền nên được sử dụng phổ biến. Trước Cách mạng Công nghiệp thì hầu như gia đình nào cũng có một bánh xe quay trong nhà.
Quay len bằng tay là một quá trình tốn nhiều thời gian và công sức để để kéo các ống len thành sợi len mảnh và cuộn vào ống suốt. Có thể mất đến 14 giờ để có một cuộn len đầy. Để tạo sợi len dày và bền hơn người ta thường kết hợp các sợi len mảnh lại với nhau bằng cách xoắn theo hướng ngược lại; hoặc len có thể được sử dụng trực tiếp để dệt vải.
Với sự ra đời của sợi tổng hợp và các nhà máy dệt, việc kéo sợi gần như trở thành một nghệ thuật thất truyền; nhưng ngày càng có nhiều người đã hồi sinh lại hoạt động này trong những thập kỷ gần đây.
Mặc dù len là 100% tự nhiên, có thể phân hủy sinh học và có thể tái tạo; nhưng loại chất liệu bền đẹp và thoải mái này đang nhanh chóng được thay thế bằng sợi tổng hợp. Chuyên gia ước tính rằng, “chỉ trong vòng 10 năm tới, 73% toàn bộ thị trường quần áo sẽ được làm từ sợi tổng hợp, có nguồn gốc trực tiếp từ nhiên liệu hóa thạch,” và cảnh báo về tác động lâu dài của xu hướng này.
Từ khóa len sợi tự nhiên