Nghiện game có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ. Để giúp con tránh xa sự lệ thuộc vào trò chơi, cha mẹ cần hiểu rõ nhu cầu tâm lý của trẻ, làm gương trong việc sử dụng thiết bị điện tử và biết cách tôn trọng cũng như thiết lập quy tắc hợp lý.

tre nghien game
Nghiện game có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trẻ em thích chơi game trực tuyến là điều rất phổ biến trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt vào kỳ nghỉ hè khi nhiều trẻ có xu hướng sử dụng điện thoại để chơi các trò chơi. Trong trường hợp này, cha mẹ nên tự xem xét lại liệu mình có thường xuyên sử dụng điện thoại trước mặt con không, vì hành vi này có thể âm thầm ảnh hưởng, góp phần dẫn đến tình trạng nghiện trò chơi ở trẻ.

Nghiện game gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em

Vấn đề tâm lý

Nghiện game là một rối loạn hành vi tâm lý mãn tính, với biểu hiện chính là không thể kiểm soát hành vi chơi game. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, như mất phương hướng trong cuộc sống thực, giảm khả năng tự kiểm soát, dễ sinh ra các cảm xúc tiêu cực như lo âu, trầm cảm và thái độ thù địch.

Sự kiệt sức của Dopamine

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh trong não, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cảm giác thỏa mãn. Khi trẻ chơi game, dopamine được giải phóng vào nhân accumbens, vùng trung tâm vui vẻ của não. Khi chơi, não sẽ liên tục giải phóng dopamine, mang lại cảm giác hứng thú.

Tuy nhiên, theo thời gian, não của trẻ sẽ dần quen với mức dopamine nhất định. Lúc này, trò chơi không còn hấp dẫn như ban đầu nữa. Trẻ sẽ muốn chơi lâu hơn để có được cảm giác vui vẻ như trước. Nếu tình trạng này kéo dài, não sẽ trở nên chai sạn với mức dopamine cao, khiến trò chơi không còn thú vị. Khả năng chịu đựng dopamine của trẻ sẽ tăng lên, dẫn đến việc não dần cạn kiệt dopamine.

Một khi não của trẻ đã quá quen với mức dopamine từ chơi game, các hoạt động khác sẽ trở nên kém hấp dẫn. Trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán với những khoảng thời gian nhàn rỗi vì não đã quá quen với sự kích thích từ chơi game.

Vấn đề thể chất

Trẻ nghiện game có thể gặp phải các vấn đề như suy giảm thị lực, bệnh lý đáy mắt, thiếu ngủ, rối loạn nhịp sinh học, suy dinh dưỡng, loét dạ dày và béo phì. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể bị nghẽn tĩnh mạch ở chi dưới do ngồi lâu, thậm chí dẫn đến thuyên tắc phổi và đột tử.

Suy giảm chức năng xã hội

Nếu trẻ dành quá nhiều thời gian cho game, cuộc sống và việc học sẽ bị ảnh hưởng. Trẻ nghiện game thường ít tham gia các hoạt động xã hội, làm giảm khả năng nhạy cảm với các thông tin phi ngôn ngữ trong giao tiếp (như nét mặt, cử chỉ), từ đó ảnh hưởng đến khả năng xây dựng và duy trì mối quan hệ trong đời thực, gây ra xung đột gia đình và tổn hại các mối quan hệ quan trọng khác.

Kìm nén cảm xúc tiêu cực

Hạch hạnh nhân là phần não điều khiển các cảm xúc tiêu cực. Khi con người trải qua nỗi sợ hãi, tức giận, xấu hổ, buồn bã, thất vọng, v.v., hạch hạnh nhân sẽ được kích hoạt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi chơi game, hạch hạnh nhân cũng hoạt động. Do đó, chơi game có thể kìm hãm những cảm xúc tiêu cực.

Chơi game là một cách tuyệt vời khi trẻ em đang trải qua những tình huống khó khăn. Điều quan trọng là phải nhận ra chơi game ảnh hưởng đến cảm xúc của con bạn như thế nào. Kìm nén cảm xúc là một trong những lý do khiến trẻ có hành vi xấu. Khi không biết cách xử lý cảm xúc, trẻ có thể nổi giận và phát hỏa.

Cách nhận biết trẻ có nghiện game hay không

Nếu trẻ có những biểu hiện sau đây, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị:

– Trẻ không thể kiểm soát hành vi, tần suất, thời gian và hoàn cảnh khi chơi game trực tuyến.

– Trẻ ưu tiên chơi game trực tuyến hơn các sở thích và hoạt động khác trong đời sống hàng ngày.

– Dù gặp phải các hậu quả tiêu cực từ việc chơi game (như căng thẳng trong quan hệ gia đình, kết quả học tập giảm sút), trẻ vẫn tiếp tục chơi và thậm chí gia tăng thời gian, tần suất chơi.

– Thời gian và chi phí mà trẻ dành cho game trực tuyến ngày càng tăng.

– Khi ngừng chơi game, trẻ có thể nổi giận hoặc cảm thấy khó chịu. Ngay cả khi không chơi, trẻ vẫn suy nghĩ về chơi game.

Cách giúp trẻ tránh xa game

nghien game
Một khi não của trẻ đã quá quen với mức dopamine từ chơi game, các hoạt động khác sẽ trở nên kém hấp dẫn. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Hiểu rằng ham chơi là bản năng của trẻ

Chơi game trực tuyến có thể mang lại niềm vui và giúp tăng cường mối quan hệ bạn bè. Ngoài ra, trò chơi còn giúp cải thiện khả năng nhận thức và mở rộng kiến thức cho trẻ.

Hiểu nhu cầu tâm lý đằng sau việc chơi game của trẻ

Đối với trẻ vị thành niên, đang trong giai đoạn phát triển nhanh về thể chất và tâm lý, việc chơi game có thể là cách để giải tỏa căng thẳng, đặc biệt khi trẻ đối mặt với áp lực học tập và khao khát được công nhận.

Làm gương cho trẻ

Cha mẹ cần làm gương cho trẻ bằng cách giảm thời gian sử dụng điện thoại nếu yêu cầu trẻ hạn chế chơi game. Việc cha mẹ làm mẫu là cách giáo dục hiệu quả nhất.

Tránh ngắt quãng đột ngột khi trẻ chơi game

Trò chơi giúp trẻ cảm thấy có thành tựu. Nếu bị ngắt quãng đột ngột, trẻ có thể phản ứng mạnh mẽ, thậm chí gây xung đột. Nếu trẻ muốn chơi thêm, cha mẹ có thể cho phép gia hạn thời gian nhưng sau đó hãy bình tĩnh thảo luận và đưa ra các biện pháp bù đắp cho việc không tuân thủ thời gian, như giảm thời gian chơi trong lần sau.

Tôn trọng trẻ

Đối với trẻ vị thành niên, cha mẹ nên tôn trọng sự tự chủ của trẻ, tạo không gian thoải mái và cùng trẻ thiết lập những quy tắc chơi mà cả hai bên đều đồng ý. Điều này giúp trẻ cảm thấy có quyền quyết định đối với cuộc sống của mình.

Chú trọng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Trong quá trình giao tiếp, nếu cha mẹ nhận thấy trẻ đang trong trạng thái cảm xúc không tốt và rõ ràng thể hiện không muốn trò chuyện, hãy chọn thời điểm khác để nói chuyện. Giao tiếp khi trẻ đang bị kích động có thể làm tổn hại đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Xây dựng mối quan hệ với con

Hãy cổ vũ khi trẻ thắng một trận game hoặc bất kỳ trò chơi nào trẻ đang chơi. Con bạn cần phải coi bạn là một phần trong đội của chúng. Nhiều vấn đề phát sinh khi trẻ cảm thấy game và trẻ là một “phe”, còn cha mẹ là phe đối lập. Điều quan trọng là làm thay đổi suy nghĩ này trong tâm trí trẻ. Quá trình này có thể chậm, vì vậy sự kiên nhẫn là vô cùng quan trọng. Trước khi có thể giúp trẻ giảm nghiện game, cha mẹ cần xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, cho trẻ thấy rằng tình yêu của cha mẹ là vô điều kiện, nghĩa là luôn ở bên cạnh con, ngay cả khi trẻ đang chơi game.

Vì sao con thích chơi game?

Mục đích của việc đặt câu hỏi là để hiểu động cơ chơi game của con. Tuy nhiên, nếu trẻ có sự phòng thủ, nghĩ rằng bạn sẽ lấy mất trò chơi của chúng, trẻ sẽ không thể mở lòng. Vì vậy, nếu có căng thẳng, đừng vội hỏi.

Thay vào đó, hãy hỏi con bạn xem có thể ngồi gần chúng khi chúng chơi không. Nếu trẻ đồng ý, tuyệt vời! Đừng hỏi thêm câu hỏi nào, cũng đừng đòi hỏi sự chú ý từ trẻ, chỉ cần ở gần và để trẻ cảm thấy thoải mái. Bạn có thể đọc sách khi trẻ chơi trò chơi. Tuy nhiên, nếu trẻ không đồng ý, hãy tôn trọng quyết định của trẻ và cho chúng không gian riêng. Nếu trẻ cảm thấy quá phòng thủ, việc giao tiếp lúc này có thể tạo ra mối liên kết tiêu cực với sự hiện diện của bạn. Trong vài ngày tới, thử lại một lần nữa, chỉ hỏi một lần mỗi ngày. Nếu trẻ đồng ý, hãy ở bên trẻ khoảng 15-20 phút.

Chiến lược cai nghiện game cho trẻ

Bạn cần có một kế hoạch hoàn hảo để cai nghiện game cho con mình. Bạn cần phải kiên nhẫn khi thực hiện chiến lược này. Dưới đây là một chiến lược mẫu mà bạn có thể áp dụng trong nhiều tuần và nhiều tháng để cai dần việc chơi game cho con bạn.

– Ngồi bên cạnh và cổ vũ khi trẻ chơi game. Hãy tỏ ra tò mò về game đó.

– Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và cùng chung một đội với con. 

– Hỏi con về những trải nghiệm khó khăn mà con đang trải qua. Cố gắng hiểu con đang cảm thấy thế nào. 

– Hãy hỏi xem con có muốn cùng bạn làm một hoạt động vui vẻ trong một khoảng thời gian ngắn không. Hãy bắt đầu từ việc chơi trong vườn trong 10 phút.

– Giới thiệu cho trẻ những hoạt động thú vị như các hoạt động mạo hiểm nhưng an toàn hoặc các câu lạc bộ, nhóm và sự kiện mang lại cho trẻ cảm giác được thử thách.

– Thỉnh thoảng, hãy chúc mừng con vì sự tiến bộ của chúng. Hãy động viên con bạn khi chúng chọn làm điều gì đó khác ngoài chơi game.

– Hãy kiên nhẫn. Sự thay đổi không diễn ra trong một ngày, một tuần hay thậm chí một tháng.

Trúc Nhi t/h