Nghiên cứu mới: Tốc độ kéo dài tuổi thọ của con người đang chậm lại
- Lý Ngọc
- •
Vào những năm 90, nhiều nhà khoa học đã hoài nghi trước cảnh báo của một nhà dịch tễ học, cho rằng xu hướng gia tăng nhanh chóng tuổi thọ của con người trong thế kỷ 20 sẽ dừng lại. Ngày nay, một nghiên cứu mới cho thấy nhà dịch tễ học này là đúng.
Tốc độ tăng trưởng tuổi thọ trung bình toàn cầu trong thế kỷ 20 thật đáng kinh ngạc. Năm 1900, tuổi thọ trung bình của một đứa trẻ mới sinh chỉ hơi trên 30 tuổi, nhưng đến năm 2021, con số này đã đạt 71 tuổi. Nhờ vào những tiến bộ trong y tế và công nghệ, trong phần lớn thời gian của thế kỷ trước, tuổi thọ trung bình ở các nước phát triển đã tăng khoảng ba năm mỗi thập kỷ.
Nhiều nhà khoa học dự đoán hiện tượng này, được gọi là “kéo dài tuổi thọ triệt để”, sẽ tiếp tục kéo dài vô tận. Một số thậm chí còn cho rằng hầu hết những người sinh ra ngày nay sẽ sống đến một trăm tuổi. Tuy nhiên, vào năm 1990, nhà dịch tễ học S. Jay Olshansky (hiện làm việc tại Đại học Illinois ở Chicago) đã công bố một nghiên cứu gây tranh cãi khiến người ta nghi ngờ về điều này. Ông tin rằng bất chấp những tiến bộ không thể phủ nhận trong lĩnh vực y học, mức tăng tuổi thọ sẽ chậm lại và cuối cùng sẽ ổn định ở mức trung bình khoảng 85 năm.
“Vào năm 1990, chúng tôi dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng tuổi thọ sẽ chậm lại và các biện pháp can thiệp y tế mà chúng tôi gọi là ‘Band-Aids’ sẽ ngày càng ít ảnh hưởng đến tuổi thọ”, Olshansky nói với CNN, “Rất nhiều người không đồng ý với chúng tôi”, ông nói thêm. “Họ nói, ‘Không, không, không! Những tiến bộ trong công nghệ y tế và kéo dài sự sống sẽ tăng tốc và đưa việc kéo dài tuổi thọ lên một tầm cao hơn nữa’”.
Tăng trưởng tuổi thọ chậm lại
Giờ đây, Olshansky và các cộng sự của ông đã thực hiện một nghiên cứu mới được công bố ngày 7 tháng 10 trên tạp chí Nature Aging. Theo nghiên cứu, có vẻ như ông đã đúng. Dữ liệu cho thấy mặc dù tuổi thọ của con người vẫn tăng ở các nước phát triển nhưng tốc độ tăng đang chậm lại, cho thấy tuổi thọ của con người có thể đang tiến đến giới hạn sinh học.
Olshansky nói với trang web Gizmodo: “Chúng tôi đã chờ đợi ba mươi năm để xem điều gì thực sự xảy ra, vì vậy bây giờ chúng tôi đã biết câu trả lời và đó là những gì được nêu trong bài báo này”.
Nhìn chung, phân tích cho thấy tốc độ tăng trưởng tuổi thọ chậm lại ở Úc, Pháp, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ được nghiên cứu. Sự cải thiện ở Hàn Quốc và Hồng Kông là những quốc gia duy nhất theo kịp tốc độ ‘tăng tuổi thọ triệt để’ được dự đoán, nhưng các nhà nghiên cứu nghi ngờ điều này có thể là do mức tăng tuổi thọ của họ tập trung vào những năm gần đây.
Theo hãng tin AP, năm 1990, tuổi thọ trung bình tăng khoảng 2,5 năm mỗi thập kỷ, nhưng đến những năm 2010, mức tăng này đã giảm xuống còn 1,5 năm và gần như bằng 0 ở Mỹ.
Để nhấn mạnh hơn nữa điểm này, nhóm nghiên cứu đã tính toán tuổi thọ của con người ngày nay sẽ là bao nhiêu nếu các nhà khoa học ủng hộ mạnh mẽ việc “kéo dài tuổi thọ triệt để” là đúng. Theo Scientific American, nếu đúng như vậy thì 6% phụ nữ Nhật Bản ngày nay sẽ sống đến 150 tuổi, và cứ 5 người thì có 1 người sống đến 120 tuổi. Rõ ràng, điều này đã không thành hiện thực.
Trọng tâm là tăng tuổi thọ khỏe mạnh
Ông Luigi Ferrucci, giám đốc khoa học của Viện Lão hóa Quốc gia, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với New York Times rằng ông không nhất thiết đồng ý với kết luận của nghiên cứu. Ông chỉ ra rằng những tiến bộ trong khoa học y tế dự phòng có thể trì hoãn sự khởi phát của các bệnh liên quan đến lão hóa, do đó làm giảm thiệt hại gây ra “do sinh học của lão hóa”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nếu không có những tiến bộ trong y tế phòng ngừa, tuổi thọ có thể không tăng lên.
Nhìn chung, các nhà khoa học lưu ý rằng nghiên cứu này hỗ trợ sự thay đổi trọng tâm nỗ lực hướng tới cách làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường sức khỏe, theo tuyên bố của nghiên cứu, điều này có nghĩa là kéo dài thời gian một người sống một cuộc sống khỏe mạnh chứ không chỉ là thời gian sống sót của họ.
Olshansky nói với Nature News: “Có những giới hạn về việc chúng ta có thể thúc đẩy sự tồn tại của con người đến mức nào. Nếu bạn sống đủ lâu, bạn sẽ phải đối mặt với quá trình lão hóa sinh học”.
Tuy nhiên, ông nói thêm, đó thực sự là một điều tốt. “Đây là kết quả của thành công, không phải kết quả của thất bại. Đây là kết quả của việc người ta sống đủ lâu để trải nghiệm quá trình lão hóa sinh học, và quá trình lão hóa này hiện là yếu tố rủi ro chính”.
Lý Ngọc biên dịch
Từ khóa tuổi thơ Nghiên cứu