Người đàn ông phải dừng việc xây nhà vì đào phải ống dung nham dài nhất thế giới
- An Chi
- •
Câu chuyện tại khu vực đảo Lớn của Hawaii, một cư dân Mỹ tậu được mảnh đất lớn hàng trăm héc ta, hào hứng dọn mặt đào móng cho công trình xây dựng nhà ở. Thế nhưng kế hoạch sau đó bị gián đoạn khi ông đào thủng ống dung nham bí ẩn nhất thế giới.
Ông Harry Shick, người bang Pennsylvania – Hoa Kỳ, có thâm niên làm hướng dẫn viên du lịch biển đảo trong gần 30 năm. Ông Harry tốt nghiệp đại học ở Hawaii năm 1984 rồi chuyển đến sinh sống ở khu vực đảo Lớn, ông tích cóp đủ tiền để mua một mảnh đất cho riêng mình vào năm 1991.
Ông Harry, năm nay 59 tuổi, chia sẻ với báo The Epoch Times, kể lại chuyện hy hữu: “Sau nhiều năm tích cóp đủ tiền để xây nhà, mới chỉ đào đến được phần móng thì đụng phải hệ thống đường thông dẫn ra động núi lửa.”
Có hàng trăm đường thông dẫn vào hang núi lửa, một trong số đó nằm trên khu đất nhà ông Harry.
Đường thông trên đất nhà ông Harry dẫn đến hang Kazumura, một hang động thạch nhũ núi lửa dài và sâu nhất thế giới, nằm ở sườn phía đông núi Kīlauea, ngọn núi lửa gần đây thức giấc và phun trào trở lại trên đảo Lớn.
Hang động Kazumura được cho là được kiến tạo bởi dòng dung nham từ vụ phun trào núi lửa cách đây khoảng 500 năm, len lỏi bên dưới mặt đất với tổng chiều dài hơn 64km, nơi sâu nhất đến hơn 1000m.
Một trong những thông tin lâu nhất về hang động có từ những năm 1966, một trong các lối vào hang động từng được tận dụng để xây nên các khu vực trú ẩn phòng chiến tranh hạt nhân.
Vào năm 1995, từng có nhóm khảo sát cảnh báo cho ông Harry về rủi ro khu đất ông đang sở hữu có khả năng sụp lún do bên dưới là hệ thống hang động này.
Ông Harry kể lại, thời điểm khu đất ông mua còn chưa có mấy ai xây dựng hay dân cư đến sống, bán tín bán nghi, tuy nhiên gia chủ cũng thử liều một phen với phương án làm chân móng lớn hơn, kiên cố hơn đề phòng rủi ro sụp lún.
Là người làm du lịch lâu năm và có máu đam mê khám phá, ông Harry giờ đây tạm quên công trình xây dựng đã theo đuổi, ông cảm thấy ấn tượng bởi cấu trúc thạch nhũ trong hang động đã phát hiện và tổ chức các nhóm tham quan.
Đường thông vào hang động quanh co, có những đoạn tương đối bằng phẳng, rồi lại khúc khuỷu, rồi phía trước thậm chí là giếng sâu, để đi tiếp mọi người phải băng qua bằng dây cáp.
Theo các chuyên gia, các đường thông vào bên trong hang động được tạo ra từ dòng dung nham nóng chảy, nguội đi và tạo nên khí nén, khi phun trào núi lửa kết thúc, chúng sẽ dần cô đặc lại, còn khí gas sẽ thoát ra ngoài qua các ‘ống thở’ – tạo nên các lối thông.
Theo gia đình ông Harry, động núi lửa Kazumura được liệt vào hàng “bậc thầy” của các động thạch nhũ trên thế giới, bên trong hang, không thiếu những cảnh tượng kỳ vỹ với thạch nhũ treo lơ lửng hay nơi xói mòn có hình thù kỳ lạ.
Ông Harry cho biết không thể miêu tả đầy đủ qua lời kể, một trong những cấu tạo làm ông kinh ngạc nhất là các thạch nhũ lơ lững trên trần hang động trông như các cây nấm trồng ngược.
Theo ông mô tả, hang động giống như một kỳ quan biệt lập, kiệt tác của thời gian không gian, của khoảng cách xa gần.
Cho đến nay, gia đình Harry chỉ mới khám phá được khoảng 40 km hang động. Ông Harry trở lại nghề hướng dẫn viên, thành lập Kazumura Cave Tours, tổ chức các chuyến tham quan nơi lối vào trên khu đất kể từ năm 1996, trước khi Hawaii áp đặt lệnh cấm các tuyến tham quan hang động vào năm 2002.
Phải mất đến vài năm kiên trì thuyết phục, dịch vụ của ông Harry mới lấy được giấy phép hoạt động trở lại. Ông đã đón từ 800 đến 1.000 du khách mỗi năm.
Giá vé tham quan 2 giờ có giá 50 đô la, 4 giờ có giá 100 đô la. Nhà tổ chức đã dành phần lớn chi phí thu được cho việc bảo tồn và nghiên cứu nhằm giúp nâng cao kiến thức về du lịch khám phá hang động, vốn là nghề nghiệp và đam mê của gia đình ông Harry.
“Có nhiều điều xảy ra ở dưới đó hơn những gì tôi từng thấy ở bất kỳ hang động nào khác mà tôi từng đến,” ông cho biết.
Từ khóa Hawaii ống dung nham hang động nham thạch đảo Lớn