Sau nửa thế kỷ biến mất, Ó New Britain loài chim quý hiếm xuất hiện trở lại
- Trúc Nhi
- •
Sau nửa thế kỷ vắng bóng, loài chim quý hiếm Ó New Britain đã làm nên một kỳ tích khi xuất hiện trở lại khiến các nhà nghiên cứu và những người yêu thiên nhiên không khỏi phấn khích. Đây là lần đầu tiên trong hơn 50 năm, loài chim này được ghi lại hình ảnh, đánh dấu một sự kiện đáng chú ý trong cộng đồng khoa học và bảo tồn động vật hoang dã.
Loài chim quý hiếm Ó New Britain, từng được cho là đã tuyệt chủng suốt hơn nửa thế kỷ, bất ngờ xuất hiện trở lại. Không chỉ dấu vết của nó được phát hiện, mà hình ảnh của loài chim này cũng đã được ghi lại, khiến các nhà khoa học vô cùng phấn khích.
Bức ảnh của loài chim Ó New Britain (tên tiếng Anh: New Britain Goshawk, tên khoa học: Accipiter princeps), còn được gọi là Đại bàng New Britain, đã được nhiếp ảnh gia và nhà làm phim Tom Vierus chụp lại. Đây là bức ảnh đầu tiên được biết đến của loài chim quý hiếm này.
Vierus, với bằng thạc sĩ sinh thái biển nhiệt đới, là thành viên trong nhóm do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) dẫn đầu, đến tỉnh New Britain của Papua New Guinea. Nhóm anh có nhiệm vụ đánh giá đa dạng sinh học của khu vực hẻo lánh Pomio và nghiên cứu tiềm năng cho các sáng kiến bảo tồn mới. Cùng với các thợ săn địa phương, Vierus đã đi sâu vào rừng để có thể ghi lại càng nhiều hình ảnh động vật hoang dã càng tốt.
“Vùng này có sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú, và việc tôi có thể chụp được con chim săn mồi này quả là cực kỳ may mắn!” Vierus chia sẻ với The Epoch Times.
Nhiếp ảnh gia cho biết chuyến đi lần này vừa gian nan vừa nguy hiểm. Thức dậy trên dãy núi Nakanai hoang vắng, anh ngắm nhìn lớp sương sớm bao phủ tán rừng nhiệt đới và lắng nghe tiếng hót của các loài chim, trải nghiệm này thật kỳ diệu.
Mặc dù chuyến thám hiểm đầy thử thách, từ những đêm không ngủ, bị côn trùng cắn, đến việc kiệt sức khi đi trên những “con đường vô cùng nhỏ hẹp” nhưng khi nhận ra giá trị lịch sử của bức ảnh, Vierus cảm thấy rằng hành trình này “hoàn toàn xứng đáng”.
“Khi nhận ra tầm quan trọng của bức ảnh, tôi kinh ngạc đến mức không thốt nên lời. Thật khó tin rằng trong thời đại thông tin này, tôi lại có thể chụp được một loài động vật chưa từng được ghi hình trước đây!” Vierus phấn khích nói.
Trên thực tế, chỉ sau khi tải bức ảnh lên iNaturalist , một nền tảng khoa học công dân giúp các nhà nghiên cứu và những người đam mê ghi lại những lần nhìn thấy động vật hoang dã, anh mới nhận ra bức ảnh đặc biệt như thế nào. Tổ chức Tìm kiếm những loài chim mất tích (Search for Lost Birds , dự án do American Bird Conservancy và BirdLife International đồng sáng lập) đã xác nhận rằng con chim trong ảnh là một con đại bàng xám (Ó New Britain) và ghi nhận đây là lần phát hiện mới nhất, bởi lần cuối cùng loài Ó xám được ghi nhận là vào năm 1969.
Giới khoa học và các tổ chức bảo vệ động vật đều hoan nghênh tin tức này.
Giám đốc dự án ‘Tìm kiếm những loài chim mất tích’, ông John Mittermeier thuộc Hiệp hội Bảo vệ Chim Mỹ, phát biểu trong một tuyên bố: “Lần ghi nhận cuối cùng về loài này có thể là một mẫu vật được phát hiện vào tháng 7 năm 1969, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York. Dù đã có nhiều báo cáo về các lần nhìn thấy trong những năm gần đây, nhưng dường như không có bất kỳ hình ảnh, âm thanh hay tài liệu mẫu nào về Ó xám trong suốt 55 năm qua”.
Ông Oscar Pileng, một quan chức của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Pomio và là người sinh ra ở đây, cho biết trong một tuyên bố rằng, theo người dân địa phương, loài chim này “cực kỳ hiếm” và chỉ được phát hiện ở vùng sâu của Pomio, nơi nó “rất ít khi xuất hiện”.
Vierus đã quan sát thấy Ó xám vào tháng 3 năm nay tại khu vực này, nhưng đến tháng 9 anh mới công bố phát hiện. Anh mô tả Pomio và cảnh quan nơi đây là “cực kỳ đặc biệt” với vùng ven biển hoang sơ, rừng nhiệt đới rậm rạp và sự phong phú về động thực vật, trong đó có những loài “không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất”.
Nhiếp ảnh gia này cho biết, những lần nhìn thấy như thế này chứng minh sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và mang lại hy vọng cho giới khoa học cũng như cộng đồng. Anh tin rằng việc chụp ảnh động vật hoang dã giúp nâng cao nhận thức của mọi người về các vấn đề môi trường và thúc đẩy họ hành động.
“Nói một cách đơn giản, mọi người sẽ không quan tâm đến những gì họ không biết. Tuy nhiên, nếu họ thấy một câu chuyện cảm động đằng sau bức ảnh hoặc một bộ phim truyền cảm hứng về một vấn đề nào đó, họ không chỉ nhận thức được vấn đề mà còn có thể bị cảm động, từ đó khơi gợi mong muốn hành động của họ. Trong thế giới mà nhịp sống ngày càng gấp gáp, mọi người thường xuyên bị ‘bội thực thông tin’, vì vậy việc tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh về bảo tồn thiên nhiên hay kể một câu chuyện bảo tồn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết!” anh chia sẻ.
Từ khóa tuyệt chủng chim quý