Mark Zuckerberg hiện tại là một bản sao của Bill Gates thập niên 90
Công nghệ không ngừng thay đổi từng ngày từng giờ, nhưng chiến lược lãnh đạo của những tên tuổi lớn trong làng công nghệ đôi khi lại có sự đồng nhất qua từng thế hệ. Hình ảnh của Bill Gates luôn nỗ lực đánh bại các đối thủ dường như một lần nữa tái hiện qua Mark Zuckerberg khi vị tỷ phú công nghệ trẻ tuổi này nỗ lực đánh bại Snapchat.
Zuckerberg từng nói rằng, nếu không thể đánh bại hoặc tham gia cùng ai đó thì hãy đè bẹp họ. Thời thơ ấu, Zuckerberg rất ngưỡng mộ Bill Gates và có lẽ vì vậy mà chiến lược định hướng phát triển của anh đâu đó có phần ảnh hưởng từ vị tỷ phú giàu nhất thế giới này.
Từ những năm 1990, thời hoàng kim của Bill Gates, Microsoft nổi tiếng bất khả chiến bại, chiếm ưu thế ở nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ứng dụng văn phòng hay trình duyệt web. Với những đối thủ không thể thâu tóm được, Microsoft sẽ nỗ lực tạo ra sản phẩm mới ưu việt hơn nhằm giành thị phần người sử dụng về phía mình.
Thời điểm đó, dù trào lưu meme còn chưa xuất hiện, nhưng người ta đã bắt đầu chế hình ảnh Bill Gates như là Borg – nhân vật nửa người nửa máy phản diện trong bộ phim Star Trek với câu nói “bất hủ”: Kháng cự vô ích.
Và lịch sử dường như đang lặp lại với Mark Zuckerberg…
Zuckerberg từ lâu đã có ý định thâu tóm Snapchat. Năm 2013, khi Snapchat mới phát triển, Facebook đã cố gắng mua công ty này với giá 3 tỷ USD, nhưng Evan Spiegel – Nhà sáng lập Snapchat đã từ chối đề nghị này. Một tháng sau đó, Facebook đã phát hành Poke – bản sao của Snapchat nhưng ứng dụng này không gặt hái được thành công như mong đợi.
Tiếp đó, đến năm 2014, Facebook lại tung ra ứng dụng Slingshot và nó cũng không tạo được tiếng vang.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, tháng 8/2016, Facebook ra mắt tính năng Stories trên Instagram. Mặc dù không khác mấy so với tính năng Stories của Snapchat, nhưng lượng người dùng lại nhanh chóng đổ về Facebook và tỷ lệ nghịch với điều này là tốc độ tăng trưởng người dùng Snapchat đình trệ suốt nửa cuối năm 2016.
Tháng 1/2017 vừa qua, Facebook bắt đầu thử nghiệm Stories theo phong cách của Snapchat để thu hút thêm nhiều người dùng hơn và đây chính là dấu mốc đánh dấu sự chao đảo của Snapchat. Họ đã phải tiến hành phát hành cổ phiếu (IPO) vào thứ 5 vừa rồi. Theo tờ hồ sơ S-1 trước thềm IPO, tốc độ tăng trưởng người sử dụng của Snapchat đã ngừng lại kể từ thời điểm đó, dù vậy doanh thu của Snapchat năm 2016 đã tăng trưởng bùng nổ, lên đến hơn 590% so với năm 2015.
Không chỉ có Snapchat…
Nhìn trở lại lịch sử hình thành và phát triển của Facebook đến nay, mạng xã hội này đã nhiều lần chiếm ưu thế với các tên tuổi sừng sỏ khác, đáng kể nhất phải là Google Plus, khi mà Google plus từ một sản phẩm được quảng bá rầm rộ phải lui về núp dưới danh một nền tảng, và năm 2016 qua đi, dường như không còn có mấy người nhắc đến.
Vào thời điểm Google Plus ra mắt, Facebook đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp được gọi nội bộ là Lockdown, tức là tình trạng “chiến tranh”, và dốc toàn lực vào việc tiêu diệt Google Plus. “Mổ xẻ” Google Plus trên mọi góc độ, tìm cách mời nhân viên phát triển Google Plus về làm cho Facebook… Zuckerberg đã tấn công đối thủ tới tấp và đánh dấu mốc chiến thắng vào tháng 4/2014 khi Vic Gundotra, Phó Chủ tịch Google, cũng là người khởi đầu ý tưởng Google Plus chính thức nghỉ việc.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự thắng thế của WhatsApp hay ứng dụng tin nhắn Messenger so với hàng loạt công cụ chat của Google như Hangouts, Duo và Allo.
Trên lĩnh vực chia sẻ ảnh, Instagram cũng đánh bật nhiều dịch vụ chia sẻ ảnh khác.
Quan sát kỹ hơn, nếu như trước đây muốn ăn gì, đi đâu, người dùng sẽ truy cập Google để tìm kiếm thông tin, nhưng giờ thì không ít người lại vào Facebook để đọc chia sẻ của bạn bè. Mật độ xuất hiện của những đoạn video siêu ngắn cũng ngày một gia tăng trên Facebook thay vì Youtube.
Sự lấn sân ngày một sâu rộng của Facebook trên các lĩnh vực không còn là chuyện xa xôi, mà rõ ràng, bài học về Google Plus, về Snapchat thực sự là một “gậy cảnh báo” cho các hãng công nghệ hiện nay.
Minh Nhật (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa google Facebook chạy đua công nghệ Bill Gates Mark Zuckerberg chiến lược kinh doanh Ứng dụng snapchat lịch sử lặp lại