Siberi: Hồi sinh những con giun bị đóng băng 42.000 năm
- Quốc Hùng
- •
Đã bao giờ bạn tỉnh giấc từ một giấc ngủ dài và cảm thấy có chút mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu chưa? Nếu chưa, hãy thử tưởng tượng có người gọi bạn dậy sau một “giấc ngủ quên” kéo dài 42.000 năm.
Ở Siberi, người ta đã tìm cách làm tan chảy băng vĩnh cửu và giải phóng giun tròn – loại giun rất nhỏ sống trong đất – bị đông lạnh sâu từ thời kỳ Thế Pleistocen. Mặc dù bị đóng băng trong hàng chục ngàn năm, nhưng hai trong số các loài giun đã được hồi sinh thành công, theo một nghiên cứu mới đây được công bố.
Những phát hiện của họ được đăng tải trên số tháng 5 năm 2018 của tạp chí Khoa học Sinh học Doklady, và là bằng chứng đầu tiên cho việc các sinh vật đa bào có thể hồi sinh sau kỳ ngủ dài trong điều kiện lạnh giá vĩnh cửu ở vùng cực.
Mặc dù loại giun tròn có kích thước rất nhỏ – với chiều dài chỉ khoảng 1 milimet – nhưng thân lại mang nhiều tuyệt kỹ. Một số có thể sống ở độ sâu 1,3km dưới mặt đất, sâu hơn bất kỳ loài động vật đa bào nào khác. Những con giun sống trên một hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương có thể phát triển một trong năm kiểu miệng khác nhau, tùy thuộc vào loại thức ăn sẵn có của chúng. Một số khác có thể thích nghi để phát triển mạnh mẽ trong ruột ốc sên và di chuyển trong phân của loài này.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã phân tích 300 mẫu vật đóng băng vĩnh cửu ở vùng Cực và phát hiện ra hai mẫu có chứa những con giun tròn được bảo quản tốt. Một mẫu được lấy từ hóa thạch hang sóc gần Sông Alazeya ở phía Đông Bắc Yakutia, Nga – mẫu này ước tính có tuổi đời khoảng 32.000 năm. Mẫu thứ hai lấy từ Sông Kolyma ở Đông Bắc Siberi với độ tuổi khoảng 42.000 năm.
Các nhà khoa học sau đó đã tách các con giun – tất cả đều thuộc giống cái – từ các mẫu đóng băng vĩnh cửu. Các con giun thuộc hai loài giun tròn là Panagrolaimus detritophagus và Plectus parvus. Sau khi được làm tan giá, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy chúng di chuyển và ăn; đánh dấu bằng chứng đầu tiên của quá trình “bảo quản lạnh tự nhiên” của các động vật đa bào, nghiên cứu cho biết.
>> Hiện tượng lạ: Cá bị đóng băng trong ‘không khí’
Tuy nhiên giùn tròn không phải là sinh vật đầu tiên tỉnh lại từ những giấc ngủ kéo dài thiên niên kỷ trong điều kiện đóng băng. Trước đó, một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra một con virút khổng lồ sống lại sau 30.000 năm ngủ đông ở Siberi. (Đừng lo, con virus cổ đại này chỉ làm khó duy nhất được loài amíp mà thôi.)
Các học giả sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ cơ chế sống sót kỳ diệu của loài giun tròn, và mở rộng ra là tìm hiểu những ứng dụng của nó cho các lĩnh vực khoa học khác nhau, như “thuốc lạnh, sinh học lạnh và sinh học vũ trụ.”
Từ khóa sinh vật thời tiền sử đóng băng Siberia