Tín hiệu vô tuyến khó hiểu có tên gọi “Tín hiệu Wow!” cuối cùng có thể được giải thích hợp lý, nhưng câu trả lời không phải là sự sống ngoài hành tinh.

wow
Bản in tín hiệu vô tuyến “Tín hiệu Wow!” từ máy tính thời kỳ đầu. (Ảnh: Đài quan sát vô tuyến Big Ear và Đài quan sát vật lý thiên văn Bắc Mỹ)

Nghiên cứu mới chỉ ra “tín hiệu bí ẩn của người ngoài hành tinh” gây chấn động năm 1977 có thể bắt nguồn từ chùm bức xạ giống tia laser phát ra từ đám mây khí hydro được kích thích bởi một ngôi sao từ cực mạnh.

Năm 1977, nhà thiên văn học Jerry Ehman đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra kính viễn vọng vô tuyến Big Ear của Đại học bang Ohio đã thu được tín hiệu vô tuyến mạnh và hẹp bất thường từ không gian, tín hiệu kéo dài ít nhất 72 giây. Trên báo cáo dữ liệu in ra, Ehman khoanh tròn chuỗi chữ cái và số đại diện cho tín hiệu bằng mực đỏ tươi, đồng thời bên cạnh viết nguệch ngoạc một từ mà hiện nay trở nên nổi tiếng.

“Tôi không nghĩ nhiều, chỉ viết đại ‘Wow!’”, vào năm 1994 Ehman nói với phóng viên Barry Kawa của The Plain Dealer ở Cleveland, “Đó là hiện tượng phi thường nhất mà chúng tôi từng quan sát thấy”.

Ông rất ngạc nhiên vì cường độ tín hiệu và tần số cụ thể – tương tự như tần số được giải phóng tự nhiên bởi các nguyên tử hydro – cho thấy rằng sự kiện này không phải phát sóng vô tuyến thông thường trong không gian, mà là một hiện tượng bất thường. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người bắt đầu suy đoán rằng hiện tượng được gọi là “Tín hiệu Wow!” này có thể là một thông điệp được gửi đến bởi sự sống ngoài Trái đất.

Tuy nhiên hiện nay 3 nhà thiên văn học đã đưa ra lời giải thích mới và loại trừ khả năng có người ngoài hành tinh. Vào ngày 16/8 họ đã đăng kết quả nghiên cứu lên nền tảng trước công bố chính thức là arXiv, nghiên cứu này vẫn chưa được bình duyệt.

Các nhà khoa học này suy đoán rằng “Tín hiệu Wow!” có thể bắt nguồn từ một hiện tượng hiếm gặp trong không gian: độ sáng của đám mây khí hydro lạnh tăng đột ngột. Họ tin vùng sáng phát ra từ ngôi mật độ cao có từ trường mạnh có thể đã tác động đến các đám mây khí hydro, làm tăng độ sáng của chúng. Đám mây hydro có thể đã phát ra những chùm bức xạ giống tia laser trong một hiện tượng gọi là maser.

Robin George Andrews của  tạp chí phổ biến về khoa học Scientific American đã mô tả chuỗi sự kiện giả định là “một mớ hỗn độn vật lý thiên văn cực kỳ hiếm gặp”.

Trong nhiều thập niên kể từ khi Ehman phát hiện ra “Tín hiệu Wow!”, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc của nó. Một trong những tuyên bố gây tranh cãi rộng rãi xuất hiện vào năm 2016, khi các nhà thiên văn học cho rằng tín hiệu có thể đến từ một sao chổi đi qua. Đến năm 2022, các nhà nghiên cứu đã loại trừ khả năng một ngôi sao cụ thể là nguồn phát tín hiệu.

“Tôi nghĩ giờ đây chúng tôi có thể đã tìm ra lời giải thích hợp lý nhất”, Abel Mendes – nhà sinh vật học hành tinh và giám đốc Phòng thí nghiệm Khả năng sinh sống của Hành tinh, nói với Science News Express.

Để đi đến kết luận, Mendes và các cộng sự  đã phân tích dữ liệu lịch sử được thu thập bởi Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico (hiện không còn hoạt động). Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong khoảng thời gian từ tháng 2 – 5/2020, đài thiên văn liên tục ghi lại hoạt động vô tuyến tương tự như tín hiệu bí ẩn năm 1977, nguồn của những tín hiệu này tương ứng với các vùng đám mây hydro lạnh trong không gian.

Mendez nói với Science News: “Tôi đã nói ‘Đợi một chút, đợi một chút!’ Nếu tín hiệu sáng lên vào một khoảnh khắc nào đó, thì đó là đúng. Đó chính là tín hiệu ‘Wow!’ từng gây tranh cãi”.

Những dữ liệu gần đây cho thấy tín hiệu này mờ hơn ‘Tín hiệu Wow!’, nhưng Mendez giải thích rằng đó là vì những đám mây hydro này không được chiếu sáng bởi loại sao từ tính (sao neutron), “Khi bạn tính toán độ sáng của chúng, nếu chúng được chiếu sáng, chúng sẽ trở nên rất sáng”.

Dù sao giải thích này hiện vẫn chỉ là giả thuyết và không phải chuyên gia nào cũng đồng tình.“Ông ấy đề xuất một hiện tượng chưa từng được quan sát”, nhà thiên văn học Jason Wright tại SETI không tham gia vào nghiên cứu nói với Science News, “Vẫn chưa chắc liệu có khả năng đó hay không”.

Tuy nhiên giả thuyết này vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với việc khám phá sự sống ngoài Trái đất. Nếu đúng là hiện tượng này, nó có thể là cách chỉ dẫn các cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất – khiến các nhà nghiên cứu phải xem xét lại liệu các tín hiệu tương tự có thực sự đến từ sự sống ngoài Trái đất hay chỉ là sự đánh giá sai về các đám mây hydro.