Trong tuyên bố ngày 19/4 vừa qua, NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) cho biết trực thăng Ingenuity đã trở thành chiếc máy bay đầu tiên trong lịch sử thực hiện thành công một chuyến bay trên một hành tinh khác ngoài Trái Đất.

Ingenuity
Trực thăng Ingenuity của NASA. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/ASU)

Thông tin trên được xác nhận bởi Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA sau khi nhóm vận hành nhận được dữ liệu từ Ingenuity thông qua xe tự hành thăm dò sao Hỏa Perseverance vào hôm nay 19/4.

Theo đó, các bức ảnh được Ingenuity gửi về hiển thị bóng của chiếc trực thăng lơ lửng trên bề mặt Hành tinh Đỏ, trong khi một video cho thấy nó đang hạ xuống bề mặt sao Hỏa. Một camera khác gắn trên xe tự hành Perseverance ở cách đó khoảng 60m đã quay được đoạn phim về chuyến bay lịch sử này.

Truc thang cua NASA lap ky tich voi chuyen bay dau tien tren sao Hoa 2
Bóng của chiếc trực thăng Ingenuity khi bay trên mặt Hành tinh Đỏ. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech)

“Giờ đây, 117 năm sau khi anh em nhà Wright thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên hành tinh của chúng ta, chiếc máy bay trực thăng Ingenuity của NASA đã thành công trong việc thực hiện kỳ ​​tích tuyệt vời này trên một thế giới khác,” Thomas Zurbuchen, quản trị viên cấp cao thuộc Ban giám đốc sứ mệnh khoa học của NASA phát biểu.

“Trong khi 2 khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong lịch sử hàng không có thể được ngăn cách bởi thời gian và khoảng cách 173 triệu dặm trong không gian, chúng giờ đây sẽ mãi mãi được liên kết với nhau. Để bày tỏ lòng kính trọng đối với anh em nhà Wright, sân bay đầu tiên trong số nhiều sân bay trên các hành tinh khác giờ đây sẽ có tên là Wright Brothers Field, nhằm ghi nhận rằng sự khéo léo và đổi mới sẽ tiếp tục thúc đẩy việc khám phá.”

Trên thực tế, trực thăng sao Hỏa nặng 1,8kg của NASA có mang một mảnh vải vốn từng được phủ lên phần cánh của chiếc máy bay Wright Flyer đồng hành cùng anh em nhà Wright vào năm 1903.

Được biết, Ingenuity đã cất cánh thành công vào khoảng 14h34 (theo giờ Việt Nam). Theo dữ liệu đo độ cao, Ingenuity đã leo lên độ cao khoảng 3m và duy trì ổn định độ cao này trong chừng 30 giây. Sau đó, nó hạ xuống, chạm trở lại bề mặt sao Hỏa, qua đó hoàn tất khoảng thời gian bay kéo dài 39,1 giây. Các dữ liệu khác về chuyến bay lịch sử này vẫn đang được xe tự hành thăm dò sao Hỏa Perseverance truyền tải về Trái Đất.

“Chúng tôi không biết chính xác Ingenuity sẽ dẫn chúng tôi đến đâu, nhưng kết quả của ngày hôm nay cho thấy bầu trời – ít nhất là trên sao Hỏa – ​​có thể không phải là giới hạn”, Giám đốc NASA Steve Jurczyk chia sẻ.

Chuyến bay đầu tiên này của Ingenuity diễn ra một cách tự động, được điều khiển bởi các hệ thống dẫn đường, định vị và kiểm soát trên máy bay dựa trên các thuật toán do nhóm nghiên cứu tại JPL phát triển. Tương tự như trường hợp của xe tự hành Perseverance, do Ingenuity ở một khoảng cách quá xa, nên các kỹ sư của NASA không thể trực tiếp điều khiển máy bay này từ Trái đất. Các máy tính trên trực thăng sẽ phối hợp với các cảm biến và camera để duy trì trực thăng trên tuyến đường đã lập trình sẵn. Bởi vì dữ liệu truyền từ sao Hỏa phải di chuyển một quãng đường lên tới hàng trăm triệu dặm, vậy nên chuyến bay này không thể quan sát được từ Trái đất trong thời gian thực.

Trước đó, NASA đánh giá chuyến bay chưa từng có tiền lệ của Ingenuity gặp khá nhiều rủi ro và là một thử thách thực sự do mật độ khí quyển trên sao Hỏa là quá loãng, chưa bằng 1% áp suất khí quyển của hành tinh chúng ta – Trái Đất. Điều này có nghĩ làa Ingenuity sẽ phải quay cánh quạt với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với khi cất cánh trên Trái Đất.

Dẫu được gọi là trực thăng, nhưng Ingenuity có bề ngoài tương tự thiết bị bay không người lái (drone) cỡ nhỏ. Ingenuity có 4 chân, phần thân có dạng hộp và 4 cánh quạt làm bằng sợi các-bon, được sắp xếp trên 2 trục quay theo hướng ngược nhau. Trực thăng này được trang bị thêm 2 camera, các máy tính và cảm biến dò đường, tiêu tốn tới khoảng 85 triệu USD vào việc phát triển và chế tạo.

Video quay khoảnh khắc trực thăng Ingenuity của NASA cất cánh:

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: