3 chính sách lớn của ông Trump được kỳ vọng sẽ vực dậy nền kinh tế Mỹ
- Cao Vân
- •
Trong vòng bầu cử Mỹ gần đây nhất, ông Trump và đảng Cộng hòa đã giành được những thắng lợi lớn. Họ không chỉ giành lại quyền kiểm soát Nhà Trắng và Thượng viện mà còn được dự đoán sẽ giữ quyền kiểm soát Hạ viện. Nhà báo Justin Haskins đã đăng một bài viết trên Fox News phân tích 3 chính sách kinh tế lớn do nhóm ông Trump đề xuất, và tìm hiểu xem những chính sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của nền kinh tế Mỹ.
Sau đây là bài phân tích của ông Haskins:
Hiện nay, nền kinh tế Mỹ đang ở một bước ngoặt quan trọng. Trong thời chính quyền Biden – Harris, người Mỹ đã trải qua khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Dữ liệu cho thấy giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, bao gồm xăng dầu và nhu yếu phẩm hàng ngày, cao hơn nhiều so với thời điểm ông Trump rời nhiệm sở.
Thị trường bất động sản đã trải qua những biến động đáng kể kể từ quý 4/2020, giá nhà trung bình đã tăng hơn 100.000 USD, hơn nữa, kể từ đầu năm 2021, lãi suất thế chấp đã tăng hơn gấp đôi. Đồng thời, nợ thẻ tín dụng và gánh nặng vay mua ô tô của các hộ gia đình Mỹ tiếp tục gia tăng.
Tổng thống đắc cử Trump đã đề xuất kế hoạch phục hồi kinh tế bắt đầu từ tháng 1/2025, ông và các đồng sự Đảng Cộng hòa tại Quốc hội sẽ có cơ hội thực hiện kế hoạch cải cách toàn diện của mình.
Dưới đây là 3 chính sách kinh tế quan trọng mà người Mỹ có thể mong đợi sau khi chính quyền Biden-Harris hết nhiệm kỳ:
1. Giảm gánh nặng thuế đối với người lao động và người về hưu
Ngoài việc khôi phục nhiều ưu đãi thuế doanh nghiệp trong Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế năm 2017, ông Trump còn ban hành một loạt biện pháp cắt giảm thuế dành riêng cho những người có thu nhập thấp và trung bình cũng như những người về hưu.
Ví dụ, ông Trump có kế hoạch miễn các khoản trợ cấp An sinh xã hội từ thuế thu nhập liên bang. Ông cũng đề xuất miễn thuế đối với thu nhập từ làm thêm giờ và tiền boa, điều này sẽ mang lại sự trợ giúp đáng kể cho nhiều gia đình lao động.
Ngoài ra, Trump đề xuất thiết lập một khoản khấu trừ thuế đặc biệt đối với lãi vay mua ô tô, điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế khi vay mua ô tô.
2. Phát triển toàn diện nguồn năng lượng
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, chính quyền của ông đã cắt giảm các quy định về năng lượng và tăng cường sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên. Điều này khiến Mỹ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu mỏ lần đầu tiên sau 75 năm.
Giá xăng vào thời điểm đó cũng vẫn ở dưới mức trung bình 10 năm. Giá xăng giảm làm giảm giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, vì giá năng lượng tăng có xu hướng làm tăng chi phí vận chuyển và sản xuất.
Giá xăng vào thời điểm đó cũng vẫn ở dưới mức trung bình 10 năm. Giá xăng giảm làm giảm giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, vì giá năng lượng tăng có xu hướng làm tăng chi phí vận chuyển và sản xuất.
Chính quyền Biden đã thực hiện một cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với chính sách năng lượng. Thay vì hỗ trợ ngành dầu khí trong nước, ông lại thắt chặt các quy định đối với ngành này, trì hoãn việc phê duyệt các hợp đồng thuê dầu khí mới và rót tiền đóng thuế để hỗ trợ những ngành được gọi là “năng lượng xanh” như năng lượng gió và mặt trời.
Ông Trump đã cam kết khôi phục chính sách Nước Mỹ trên hết trong việc hỗ trợ phát triển năng lượng. Nếu đạt được, những chính sách này sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trong lĩnh vực dầu khí ở Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và giảm chi phí vận hành nền kinh tế nói chung.
Trên trang web tranh cử của ông Trump, ông hứa sẽ hợp lý hóa quy trình phê duyệt các dự án dầu khí, đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ xây dựng đường ống tại mỏ khí Marcellus ở Pennsylvania, Tây Virginia và New York.
Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo ra việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả.
3. Thúc đẩy chính sách thương mại công bằng
Nhiều quốc gia, bao gồm một số đối thủ kinh tế lớn của Mỹ, đã áp đặt mức thuế cao đối với các sản phẩm của Mỹ, khiến các nhà sản xuất và công ty trong nước gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Để giải quyết vấn đề quan trọng này, ông Trump đã đề xuất “Dự luật Thương mại cùng có lợi Trump” (Trump Reciprocal Trade Act).
Cốt lõi của dự luật là “nguyên tắc đối đẳng” (có qua có lại). Nếu một quốc gia nước ngoài áp đặt mức thuế cao hơn đối với hàng hóa của Mỹ so với Mỹ, thì Mỹ sẽ có quyền thực hiện các biện pháp thuế quan ở mức tương tự. Đồng thời, dự luật cũng dành chỗ cho đàm phán để cùng cắt giảm thuế quan.
Các nhà kinh tế thị trường tự do không đồng ý về hiệu quả của các loại thuế quan. Một số người tin rằng việc tăng thuế sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ vì nó sẽ đẩy giá thành của các sản phẩm ở nước ngoài lên cao, cuối cùng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng Mỹ.
Nhưng bất kể quan điểm chung về thuế quan như thế nào, các chính sách thương mại công bằng như “Dự luật Thương mại cùng có lợi Trump” sẽ không gây tranh cãi. Nếu một quốc gia nước ngoài áp đặt mức thuế cao đối với các sản phẩm của Mỹ, thì sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương ứng.
Các chính sách thương mại có đi có lại do ông Trump đề xuất sẽ giúp ích rất nhiều cho người lao động Mỹ, đặc biệt là những người trong ngành sản xuất, vì chúng có thể hạn chế các hành vi thương mại không công bằng của nước ngoài.
Quan trọng hơn, chính sách này có thể mang lại sự giảm thuế quan chung vì nhiều nhà sản xuất nước ngoài phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng Mỹ và họ có thể lựa chọn loại bỏ thuế quan để bảo vệ ngành sản xuất của mình.
Các chính sách thương mại công bằng sẽ giúp các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài theo cách mà họ chưa từng làm được trong suốt nhiều thập kỷ qua, đồng thời tạo ra và bảo vệ việc làm tại Mỹ.
Nếu ông Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội có thể giữ lời hứa và thực hiện các chính sách thuế thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nền kinh tế Mỹ sẽ sớm được cải thiện và đất nước sẽ tiếp tục thịnh vượng trong nhiều năm.
(Ông Justin Haskins là tác giả sách bán chạy nhất của New York Times, thành viên cấp cao tại Viện Heartland và là chủ tịch của Mạng lưới Tự do Henry Dearborn.)
Từ khóa Dòng sự kiện Donald Trump Kinh tế Mỹ