Ngoài việc chần chừ và không quyết định cho Ukraine sớm gia nhập NATO, Bloomberg phân tích, thì tuần qua chính quyền Biden đã cho phép dùng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, duyệt gửi mìn sát thương vào chiến trường Ukraine, xóa gần 5 tỷ USD nợ cho Kiev, xiết thêm nữa trừng phạt kinh tế Nga bằng cách chặn ngân hàng thanh toán việc bán khí đốt. Trước đó, chính quyền Biden đã kiên quyết chuyển 9 tỷ USD súng đạn cho Kiev thật nhanh cho trước ngày mãn nhiệm. Lý do? Theo Bloomberg, đó là vì họ sắp phải trao quyền cho Donald Trump, người đã hứa một cách hùng hồn rằng sẽ sớm kết thúc chiến tranh Ukraine.

Biden Trump 13 11
Tổng thống Joe Biden hứa sẽ chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa cho Tổng thống Đắc cử Donald Trump, hôm 2 người gặp mặt tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc ngày 13/11/2024 . (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Bloomberg viết: “Chính quyền Biden cũng cân nhắc việc công khai kêu gọi chính thức mời [Ukraine] gia nhập NATO, nhưng cuối cùng đã quyết định không làm vậy, trong tình huống khả năng thành công quá nhỏ vì chỉ còn thời gian ngắn. [Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã định rằng [Ukraine] gia nhập NATO, điều mà các đồng minh từ hồi tháng 7 đã nói rằng không thể tránh khỏi, là lý do chiến tranh.”

Theo Bloomberg, e sợ rằng chính quyền Kiev sẽ gặp bất lợi khi Donald Trump tiếp quản Tòa Bạch Ốc, và chính quyền Biden cảm thấy đưa Ukraine gia nhập NATO đã không kịp, cho nên, “thay vào đó, một chuỗi các thỏa thuận an ninh đã được gộp lại để cung cấp cho Ukraine sự bảo đảm [an ninh].”

  • “Tại sao [Biden] ngươi cho làm điều đó khi ngươi đang rời nhiệm sở?! Người dân không muốn ngươi ở đó nữa!” chủ chương trình podcast Joe Rogan chửi bới om sòm, văng tục f**king các kiểu trên chương trình, khi bình luận về việc chính quyền Biden cho dùng vũ khí tầm xa leo thang chiến tranh Ukraine, đầu độc quan hệ Mỹ-Nga sau khi phát hiện Donald Trump đắc cử tổng thống. Theo ông, việc làm đó là trái với ý nguyện của dân chúng Mỹ, bởi vì một trong những lý do dân Mỹ bầu Donald Trump là vì dân Mỹ muốn tập trung vào giải quyết các bài toán nội địa nước Mỹ chứ không muốn tiếp tục đầu tư cho chiến tranh. Ông nói, “Chúng ta bầu cho Trump vào đó và ông ấy muốn dừng tất cả các điều shit này, [chúng ta] hy vọng ông ấy sẽ làm được.” Ông cảm thấy “thật điên rồ” khi chính quyền Biden muốn “phá hoại (sabotage) chính quyền [Trump]”, vội vã leo thang chiến tranh dẫn tới nguy cơ Đại Thế chiến III:

Bài báo cáo của Bloomberg liệt kê các việc mà chính quyền Biden đã làm. Ngoài những điểm đã nêu trên là những gì xảy ra trong tuần rồi, thì Bloomberg chỉ ra rằng, trước đó Biden đã có các nỗ lực chuyển gần như tất cả các quỹ mà chính quyền có thể điều động cho Ukraine, dẫn đến việc sẽ đưa tổng số gần 9 tỷ USD súng đạn cho Ukraine dồn dập chỉ trong 2 tháng, trước ngày tái đăng quang của ông Trump.

“Tổng thống Biden đã cam kết đảm bảo mỗi đồng đô-la mà chúng tôi có thể có đều được đẩy ra khỏi cửa kể từ bây giờ cho đến ngày 20/1/2025,” tạp chí Bloomberg dẫn nguyên lời của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, khi ông nói ở trụ sở NATO vào đầu tháng này.

Những điều đó diễn ra trong khi mọi người Mỹ đều biết ông Trump và nhóm của ông nhiều lần chỉ trích việc chi tiêu tốn kém cho chính quyền Kiev.

Tuần rồi, khi chính quyền Biden cho dùng tên lửa ATACMS bắn vào lãnh thổ Nga, cũng dẫn tới Michael Walz lên tiếng phản đối, cho rằng điều đó có thể khiến tình hình vượt khỏi khống chế. “Đây là một bước leo thang mới, và không ai biết nó sẽ dẫn tới đâu,” tạp chí Bloomberg dẫn lời bình của Walz, người đã gặp Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại dinh thự Mar-a-Lago hôm Thứ Sáu, khi ông Rutte bay tới Mỹ để thảo luận với Walz, người được ông Trump chỉ định làm cố vấn an ninh nội địa.

Đây là điều khá rắc rối diễn ra vào thời điểm nhạy cảm này của chính trị Mỹ: Sau khi đã xác định tổng thống đắc cử, trước khi ông ấy vào nhiệm sở.

Rõ ràng chính quyền Biden vẫn đang tại chức, và có năng lực ban hành các chỉ lệnh, nhưng mà, hậu quả của các chỉ lệnh đó, thì là do chính quyền Trump phải đi giải quyết. Cho nên, sau khi Nga biểu diễn màn bắn thử tên lửa siêu thanh đời mới “Oreshnik”, hoàn toàn ngoài tính toán của NATO, thì ông Tổng Thư ký NATO phải bay sang Mỹ để nói chuyện với nhóm ông Trump, nhóm hoàn toàn không phải là nhóm đưa ra các chỉ lệnh đó.

Mà ông Trump cũng khá có ‘duyên nợ’ với chiến tranh Ukraine.

Rất nhiều bình luận của giới quan sát cho rằng sự kiện 24/2/2022 lẽ ra được thiết kế diễn ra vào 2017–2018, vào thời mà lẽ ra bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ làm tổng thống Mỹ và Petro Poroshenko làm tổng thống Ukraine. Ông Poroshenko được đưa lên làm tổng thống Ukraine sau đảo chính 2014 ở Kiev, do Mỹ đứng sau hậu thuẫn. Nhưng bất ngờ là bà Clinton thua ông Trump trong cuộc bầu cử 2016.

Ông Trump lúc đó tuyên bố tìm cách hòa hảo với Nga, bởi vì ông chủ trương hòa Nga đấu Trung, coi Trung Quốc mới là đối thủ chính. Do đó cũng dẫn tới việc là trước khi ông Trump nhậm chức, chính quyền Obama cũng tiến hành các việc đầu độc quan hệ Mỹ-Nga.

Thời ông Trump tại vị, năm 2019 Poroshenko thân Mỹ rớt đài khi dân chúng Ukraine bầu Volodymyr Zelensky làm tổng thống, người hứa hẹn sẽ đàm phán hòa bình để chấm dứt nội chiến Ukraine, cuộc nội chiến xuất hiện sau đảo chính năm 2014. Điều đó khá rõ khi ông Zelensky là tổng thống đầu tiên của nước này mà không phải chính khách, không phải tài phiệt, mà là một diễn viên hài. Như vậy ý nguyện của dân Ukraine là không muốn chiến tranh tiếp diễn. Tuy nhiên, sau khi vào nhiệm sở, ông Zelensky vì lý do nào đó đã tiếp tục chính sách hiếu chiến của ông Poroshenko.

Joe Biden của Đảng Dân chủ thắng cuộc trong cuộc bầu cử 2020, cuộc đấu mà ông Trump chưa bao giờ thừa nhận thất bại vì ông ta tin rằng đã có gian lận trong bầu cử.

Đến thời chính quyền Biden, nội chiến Ukraine căng thẳng, dân gốc Nga ở Ukraine yêu cầu Putin can thiệp để cứu họ khi mà chính quyền Kiev phá vỡ hòa ước Minsk.

Năm 2/2022, Nga tấn công vào Ukraine với lý do Mỹ và NATO đang đe dọa an ninh của họ. Chiến tranh leo thang vào thời chính quyền Biden-Zelensky, mà lẽ ra có thể đã xảy ra vào thời Cliton-Poroshenko. Sau đó Nga bị áp đặt các trừng phạt kinh tế còn nhiều hơn cả Liên Xô năm xưa. Thậm chí ngay cả những ngày cuối cùng thì chính quyền Biden cũng tìm cách chặn tiếp khả năng bán dầu khí của Nga bằng cách cấm vận ngân hàng Nga còn có năng lực này.

Đứng từ phía quyền lợi người Ukraine thì có những lúc khó giải thích một số quyết định của chính quyền Biden, ví dụ như, tại sao không ngay từ đầu cung ứng thật nhiều vũ khí cho Kiev? Tại sao lại lựa chọn chiến tranh tiêu hao rất tốn kém về mạng người của cả Ukraine và Nga? Nhưng mà, đứng từ góc độ giao đấu Mỹ-Nga, thì mọi thứ sẽ rõ ràng. Những điều chính quyền Biden làm trong suốt những năm tại vị là hợp lô-gic theo góc nhìn của chính quyền Biden: Họ đang ngăn chặn Nga trở lại thành một cường quốc bằng mọi cách, miễn là đừng kích phát gì đó như chiến tranh hạt nhân.

Năm 2024, ông Trump muốn tái tranh cử. Thế là ông đã bị ám sát hụt 2 lần, và thêm 1 lần có hiềm nghi bị ám sát. Bất ngờ của bầu cử 2016 tái diễn vào năm 2024 khi ông Donlad Trump lại tái đắc cử. Lần này thể hiện ý nguyện của dân Mỹ cũng không muốn chiến tranh.

Đương nhiên, ông Trump tái đắc cử năm 2024 là một kỳ tích. Nếu vụ ám sát ông thành công, mà thực tế vụ ám sát hụt thứ nhất đã sút thành công khi ông Trump bị bắn sứt tai, thì nhiệm kỳ tới ông Biden vẫn ngồi nguyên ghế tổng thống.

Khác với cách nhìn nhận của ông Trump về quan hệ Mỹ-Nga, ông Biden ngay từ thời gian đầu nhậm chức đã bày tỏ mối quan ngại rất lớn trước khả năng vũ khí hạt nhân của Nga, cộng với năng lực lãnh đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chiến tranh Lạnh chưa từng thật sự kết thúc, nó chỉ ẩn đi một thời gian. Nhóm những người Mỹ ấy từ đó đến nay vẫn lo lắng một ngày nào đó Nga sẽ quay trở lại, mặc dù có lẽ sẽ không phải là một Liên Xô, nhưng sẽ là một đối thủ đáng lo lắng cho Mỹ.

Chỗ này thể hiện rõ ràng sự khác biện trong nhận định về Nga, nếu so sánh với nhận định của ông Trump, một nhà kinh doanh, người mà có lẽ sẽ nhìn từ góc độ kinh tế và cho rằng Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm hơn nhiều lần so với Nga.

Lần này Nga biểu diễn bắn thử Oreshnik, đã là cú cảnh cáo trần trụi với Mỹ. Tuy Nga tuyên bố bề mặt rằng đây là vũ khí mới, không phải tên lửa xuyên lục địa, nhưng mà Nga biểu diễn thành thạo như vậy, và tự tin như vậy, thì thông điệp của Nga đã rất rõ rồi.

Ông Putin cho thông báo với Mỹ 30 phút trước khi bắn Oreshnik, thông báo qua trên kênh Giảm thiểu Rủi ro Hạt nhân, kênh mà thường dùng khi thông báo bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM, vì tên lửa tầm trung thì theo thông lệ là không cần thông báo nếu bắn thử.

Sau khi bắn “thử nghiệm”, ông Putin đã xuất hiện trên truyền hình TV và nói rõ rằng Mỹ đã dẫn động “xung đột toàn cầu”. Ông nói rõ là “xung đột toàn cầu” chứ không phải là xung đột Nga-Ukraine. Theo truyền hình Pháp France 24 phân tích, lúc đó ông Putin xuất hiện trên truyền hình giống hệt cảnh ông xuất hiện vào tháng 2/2022. Trong đó có 2 chiếc điện thoại, mà France 24 miêu tả là loại cổ lỗ sỹ, để nhắc nhở tới thời Liên Xô:

241124Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa thông điệp nguy cơ “xung đột toàn cầu” 21/11/2024 với bài trí giống hệt khi ông tuyên bố “hoạt động quân sự đặc biệt” tấn công vào Ukraine 24/2/2022 (ảnh từ video)

Truyền hình Pháp France 24 cũng chỉ ra qua đoạn video nói trên, khi phóng viên hỏi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong cuộc họp báo, thì lúc bà Zakharova sắp trả lời về câu hỏi tên lửa, bà đã nhận được cuộc gọi điện khẩn và bà hủy ngang và không trả lời. Như vậy, người Nga đã tính trước việc này, họ không để bà Zakharova lên tiếng, mà là ông Putin xuất hiện và chính thức đưa ra thông điệp nói trên.

Câu chuyện này vẫn đang tiếp diễn, và người ta chưa biết được nó sẽ có kết cục như thế nào. Bất kể thế nào, dường như ông Trump sẽ phải đứng ra giải bài toán này, khi chiến tranh Ukraine dần dần lộ rõ bản chất là giao tranh Mỹ-Nga, hơn là xung đột Nga-Ukraine như truyền thông Tây phương thường miêu tả lâu nay.

Nhật Tân