Các quốc gia G7 cam kết cấm nhập khẩu dầu của Nga; Mỹ ban hành lệnh trừng phạt mới
- Thanh Minh
- •
Trong một tuyên bố chung, các quốc gia thuộc G7 đưa ra cam kết cấm nhập khẩu dầu từ Nga vào hôm Chủ nhật (8/5), trước một ngày diễn ra lễ Chiến Thắng của Nga. Mỹ cũng vừa công bố các biện pháp trừng phạt đối với Giám đốc điều hành của Tập đoàn năng lượng Gazprombank (Nga) để trừng phạt Moscow vì cuộc chiến xâm lược Ukraine, theo bản tin của Reuters.
- Thủ tướng Orban: Hungary sẽ không ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU
- Nga sẵn sàng bán dầu, khí đốt cho “các quốc gia thân thiện” với “bất kỳ giá nào”
Động thái này thể hiện nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xâm lược Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia cùng các nhà lãnh đạo G7 (gồm các nước: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương Quốc Anh và Mỹ) trong một cuộc gọi hội nghị trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, để thảo luận về cuộc chiến, hỗ trợ cho Ukraine và các biện pháp bổ sung chống lại Moscow, bao gồm lĩnh vực năng lượng.
Cuộc họp diễn ra trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga vào thứ Hai (9/5). Ông Putin gọi cuộc xâm lược là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” để phi quân sự hóa Ukraine và loại bỏ chủ nghĩa dân tộc chống Nga do phương Tây xúi giục. Ukraine và các đồng minh nói rằng Nga đã phát động một cuộc chiến tranh vô cớ.
Do vậy, Mỹ và châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga kể từ cuộc xâm lược của nước này, nhắm vào các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân trong nỗ lực siết chặt nền kinh tế Nga và hạn chế các nguồn lực được sử dụng để thúc đẩy chiến tranh.
“Chúng tôi cam kết loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, bao gồm cả việc loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu dầu của Nga. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi làm như vậy một cách kịp thời và có trật tự”, các nhà lãnh đạo G7 cho biết trong một tuyên bố chung.
“Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau và với các đối tác của chúng tôi để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu ổn định và giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.”
Các biện pháp chống lại các Giám đốc điều hành của Tập đoàn năng lượng Gazprombank là lần đầu tiên liên quan đến nhà xuất khẩu khí đốt khổng lồ của Nga. Vì Mỹ và các đồng minh đã tránh thực hiện các bước có thể dẫn đến sự gián đoạn khí đốt sang châu Âu, vốn là khách hàng chính của Nga.
Các Giám đốc điều hành của Tập đoàn này bị trừng phạt bao gồm: Alexey Miller và Andrey Akimov, theo một tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ.
“Đây không phải là một lệnh cấm đầy đủ. Chúng tôi không đóng băng tài sản của Tập đoàn Gazprombank hoặc cấm bất kỳ giao dịch nào với Gazprombank”, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên. “Những gì chúng tôi đang báo hiệu là Tập đoàn Gazprombank không phải là nơi trú ẩn an toàn và vì vậy chúng tôi đang trừng phạt một số giám đốc điều hành kinh doanh hàng đầu của họ.”
Các hạn chế kiểm soát xuất khẩu mới nhằm trực tiếp làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của ông Putin, bao gồm kiểm soát nền công nghiệp động cơ, máy ủi, sản phẩm gỗ, xe cộ và quạt. Liên minh châu Âu đang di chuyển song song với các biện pháp kiểm soát bổ sung đối với các hóa chất cung cấp trực tiếp vào nỗ lực quân sự của Nga, vị quan chức này cho biết.
Bên cạnh đó, 8 vị Giám đốc điều hành từ Sberbank (công ty nắm giữ 1/3 tài sản ngân hàng của Nga, đã được thêm vào danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ) và 10 công ty con cũng được bổ sung.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Promtekhnologiya – một nhà sản xuất vũ khí đã bị trừng phạt, cùng với 7 công ty vận tải biển và công ty kéo hàng hải. Nhà Trắng cũng cho biết Ủy ban Điều hành Hạt nhân sẽ đình chỉ giấy phép xuất khẩu vật liệu hạt nhân đặc biệt sang Nga.
Trong khi đó, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với ba đài truyền hình Nga, cấm người Mỹ cung cấp dịch vụ kế toán và tư vấn cho người Nga và áp đặt khoảng 2.600 hạn chế thị thực đối với các quan chức Nga và Belarus.
Các đài truyền hình bị trừng phạt trực tiếp hoặc gián tiếp do nhà nước kiểm soát, bao gồm: Công ty Cổ phần Channel One Russia, Đài truyền hình Nga-1 và Công ty Cổ phần phát sóng NTV.
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine cấm vận dầu khí Nga khí đốt Nga