Đồng CNY phá mức 7 làm tăng khả năng khủng hoảng tài chính của Trung Quốc
- Tuyết Mai
- •
Không lâu sau khi Mỹ tuyên bố trừng phạt bổ sung thuế quan hàng hóa Trung Quốc, tỷ giá Nhân dân tệ (CNY) với Đô la Mỹ (USD) đã vượt qua mốc 7 CNY đổi một USD. Giới quan sát phổ biến cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phá giá CNY là hành vi trả đũa đòn thuế hàng hóa mới của Trump lên hàng hóa Trung Quốc. Có phân tích cho rằng biện pháp của ĐCSTQ đầy bất ổn, có thể đẩy nhanh tình trạng hỗn loạn tài chính trong nước.
Không lâu sau khi Mỹ tuyên bố trừng phạt bổ sung thuế quan hàng hóa Trung Quốc, tỷ giá CNY với USD đã vượt qua mức 7. Phân tích cho rằng cách tiếp cận của ĐCSTQ có thể đẩy nhanh tình trạng hỗn loạn tài chính trong nước (Ảnh: Getty Images).
Ngày 01/8, Tổng thống Trump tuyên bố từ 01/9 sẽ áp thêm mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đến ngày 05/8, tỷ giá CNY với USD hạ xuống mức một USD đổi 6,92 CNY, sau đó tỷ giá CNY với USD cả trong và ngoài Đại lục đều hạ vượt mức 7 CNY đổi một USD. Quan điểm phổ biến cho rằng ĐCSTQ phá giá CNY là hành vi trả đũa đòn thuế hàng hóa mới của Trump lên hàng hóa Trung Quốc.
Đồng CNY phá mức 7 gây ra hai vấn đề lớn
Liên quan vấn đề này, tờ Epoch Times tại Mỹ có cuộc trao đổi với giáo sư Thẩm Vinh Khâm thuộc Đại học York ở Canada. Ông cho biết, giới quan sát có nhiều quan điểm khác nhau trong việc ĐCSTQ phá giá đồng CNY. Theo quan điểm truyền thống, sau khi chính quyền Trump tăng thuế thì ĐCSTQ hạ tỷ giá hối đoái trong nước nhằm tránh hậu quả của việc tăng thuế, “Vì thuế tăng làm cho hàng xuất khẩu đắt hơn, sau khi tỷ giá hạ sẽ giúp bù đắp một phần hậu quả do tăng thuế gây ra, giúp khả năng cạnh tranh của hàng Trung Quốc trên thị trường quốc tế không bị tác động quá nặng.”
Giáo sư Thẩm Vinh Khâm cho rằng có hai vấn đề trong cách tiếp cận của ĐCSTQ. “Thứ nhất, tỷ giá giảm mặc dù giúp hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn, nhưng hàng hóa nhập khẩu lại đắt hơn, ví dụ nhiều loại sản phẩm phải nhập các linh kiện về lắp ráp sau đó mới lại xuất khẩu, cuối cùng vẫn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Ngoài ra cộng thêm vấn đề giá nhập khẩu thực phẩm và năng lượng tăng lên có thể làm tăng lạm phát tiền tệ.”; “Vấn đề thứ hai nghiêm trọng hơn, việc hạ thấp tỷ giá sẽ đẩy nhanh dòng vốn chảy ra nước ngoài, vấn đề thứ hai này càng nghiêm trọng hơn vấn đề thứ nhất.”
Ông phân tích rằng vấn đề cốt lõi của Trung Quốc hiện nay là mô hình phát triển kinh tế trong quá khứ đã dẫn đến khoản nợ kếch xù, hiện nay khoản nợ này ước tính đã vượt quá 300% GDP. Thêm nữa gần đây nhiều ngân hàng đã gặp vấn đề về thanh khoản, được gọi là “khoảnh khắc Minsky” (đề cập đến một khoảng thời gian khi thị trường thất bại hoặc rơi vào khủng hoảng sau giai đoạn tăng giá kéo dài với đầu cơ thị trường bị thổi phồng cao và tăng trưởng không bền vững). Khi tính thanh khoản có vấn đề thì giá tài sản sẽ sụt giảm nhanh chóng, cuối cùng có thể gây hiệu ứng domino khủng hoảng tài chính trong nước, ông cho rằng mức độ nghiêm trọng của vấn đề này rõ ràng sẽ cao hơn vấn đề đầu tiên.
Theo phân tích của giáo sư Thẩm Vinh Khâm, việc ĐCSTQ để CNY phá mức 7 không phải do họ chủ động. Theo phân tích của ông, khi tỷ giá tiếp tục giảm sẽ đẩy nhanh dòng vốn chảy ra nước ngoài, “Một khi dòng vốn chảy ra ngoài đạt đến một mức nhất định nào đó thì khủng hoảng nợ sẽ nổi lên, lúc đó ngân hàng thiếu khả năng thanh khoản gây tình trạng đứt gãy dòng vốn sẽ thúc đẩy hỗn loạn tài chính trong nước. Kịch bản này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp nguy cơ nghiêm trọng.”
Xếp Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ là logic tất yếu
Vào ngày mà tỷ giá CNY phá mức 7, Kho bạc Mỹ chính thức xếp Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ. Hôm 06/8, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kudlow cho biết, rằng nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ, Mỹ chiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán thương mại với Trung Quốc.
“Phái ‘diều hâu’ trong chính quyền ông Trump chủ trương kinh tế cứng rắn với Trung Quốc,” ông Thẩm Vinh Khâu cho biết. Theo góc nhìn này thì việc Mỹ đưa Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ lúc này là một mắt xích của toàn cuộc chiến kinh tế, “Mục tiêu là làm tăng khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc.”
Giáo sư Thẩm Vĩnh Khâm chỉ ra, động thái này của Mỹ là do vấn đề của chính ĐCSTQ. “Nguồn gốc của vấn đề là mô hình phát triển kinh tế của chính Trung Quốc gây tình trạng nợ nước ngoài cao. Đây là chìa khóa của vấn đề. Cách làm hiện nay là có căn nguyên từ trước.”
ĐCSTQ để CNY phá mức 7, quan điểm phổ biến cho rằng ĐCSTQ đang đẩy cuộc chiến thương mại phát triển thành cuộc chiến tiền tệ. Tuy nhiên chuyên gia Thẩm Vinh Khâm tin rằng ĐCSTQ không phải bên chủ động muốn mở cuộc chiến tiền tệ, mà là đáp trả bị động trước tấn công của chính quyền Trump. “Đối với ĐCSTQ, điều quan trọng nhất hiện nay là duy trì ổn định tỷ giá, khôi phục niềm tin thị trường, tránh để dòng vốn ồ ạt chảy ra nước ngoài, cố gắng duy trì tính thanh khoản của các tổ chức tài chính để tránh khủng hoảng tài chính trong nước.”
Truyền thông Đại lục đưa tin, chỉ đến ngày thứ hai sau khi tỷ giá CNY phá mức 7 (ngày 06/8) thì tỷ giá tiền tệ cả thị trường trong và ngoài Trung Quốc Đại lục đồng thời tăng. Thông tin cho biết, sau khi tỷ giá CNY so với USD thấp ở mức 7,0699 đã tăng lên mức tối đa 7,0270, đóng cửa ở mức 7,0321, cao hơn 31 điểm cơ bản so với mức 7,0352 vào ngày giao dịch trước đó.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố kế hoạch phát hành tín phiếu ngân hàng trung ương tại nước ngoài trị giá 30 tỷ thì lập tức tỷ giá hối đoái ở nước ngoài của CNY so với USD (phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư quốc tế) đã tăng trở lại gần 800 điểm cơ bản. Còn ngày hôm trước, sau khi Bộ Tài chính Mỹ liệt Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ thì giá trị xuống mức thấp nhất là 7,1388.
Nhiều nhận định cho rằng, việc đồng CNY sau khi phá mức 7 đến ngày thứ hai lại lập tức tăng trở lại là do hành động của ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Giáo sư Thẩm Vinh Khâm cho rằng, mấu chốt của vấn đề ĐCSTQ có muốn mở cuộc chiến tiền tệ hay không thì phải xem Ngân hàng Trung ương (Ngân hàng Nhân dân) còn được bao nhiêu “đạn dược”, khả năng lớn phụ thuộc vào dự trữ ngoại hối, “Tuy Trung Quốc có dự trữ ngoại hối rất cao, về lý thuyết thì cần có đủ tài chính cho cuộc chiến tỷ giá, nhưng dự trữ ngoại hối còn cần để ứng phó với nợ nước ngoài, ngoài ra phần lớn nguồn tiền là từ đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, cho nên thực tế rất đáng nghi ngờ liệu ĐCSTQ có đủ nguồn lực không.”
Quan sát cho rằng sự mất giá tiền tệ cũng có thể phản ánh nguồn lực tài chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho thấy số “đạn dược” của họ thực tế không sung mãn như nhiều quan sát bên ngoài, “Nếu đây là sự thực thì đó là minh chứng tình trạng khủng hoảng bong bóng về khủng hoảng tài chính của Trung Quốc mà tôi đã chỉ ra, cốt lõi của thực trạng khủng hoảng bong bóng nằm ở các tổ chức tài chính,” ông Thẩm Vinh Khâm nhấn mạnh.
Theo nhận định của ông, trong hệ thống của ĐCSTQ, số tiền trung ương nắm giữ luôn vượt xa địa phương, còn hầu hết địa phương đều phải gánh số nợ cao. “Vì vậy một khi ngân hàng trung ương gặp vấn đề thì khả năng khủng hoảng về thanh khoản là rất lớn.”
“Ngoài ra, khi tỷ giá sụt giảm sẽ đẩy nhanh tốc độ chảy dòng vốn ra nước ngoài, khi dòng vốn chảy ngược về ồ ạt lại làm tăng khủng hoảng tính thanh khoản, hệ quả lại làm tăng khả năng bất ổn tài chính trong nước (ở đây không hàm nghĩa nhà nước không can thiệp, để thị trường tự do hoạt động)”.
Hiện nay vấn đề cả hai bên đều rất quan tâm là nghiên cứu xác suất tình hình này sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc nguy cơ tài chính của Trung Quốc ở mức độ nhất định. “Tôi nghĩ đây mới là vấn đề liên quan cơ bản, không chỉ đơn thuần là yếu tố thương mại,” giáo sư Thẩm Vinh Khâm bình luận.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung Trung Quốc thao túng tiền tệ Dòng sự kiện phá giá đồng nhân dân tệ