Thứ Tư (6/12), công ty xếp hạng tín dụng Moody’s Investor Service (MIS) đã hạ triển vọng đối với Hồng Kông và Ma Cao từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Moody
Trụ sở của Tập đoàn nghiên cứu, xếp hạng tín dụng và rủi ro toàn cầu Moody’s. (Ảnh: Scott Eells/Bloomberg qua Getty Images)

Một ngày trước, Moody’s vừa điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc từ “ổn định” sang “tiêu cực”, với lý do rủi ro nợ của chính quyền nước này và cuộc khủng hoảng ngành bất động sản ngày càng sâu sắc.

Moody’s cho biết, việc điều chỉnh giảm triển vọng của Hồng Kông phản ánh đánh giá về mối quan hệ chính trị, thể chế, kinh tế và tài chính chặt chẽ giữa Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục.

Buổi tối cùng ngày, chính phủ Hồng Kông đã phản hồi rằng họ không đồng ý với việc Moody’s hạ xếp hạng tín dụng của Hồng Kông xuống mức “tiêu cực” dựa trên mối quan hệ chặt chẽ của Hồng Kông với Đại Lục.

Công ty xếp hạng này khẳng định, xếp hạng Aa3 của Hồng Kông phản ánh các thế mạnh tín dụng của Hồng Kông, như khả năng cạnh tranh kinh tế, tài chính, bộ đệm bên ngoài, và thành tích về chính sách tài chính và tiền tệ hiệu quả.

Moody’s cho biết, sau khi thực thi Luật An ninh Quốc gia vào năm 2020 và những thay đổi đối với hệ thống bầu cử của Hồng Kông, quyền tự chủ ra quyết định về chính trị, thể chế và kinh tế của Hồng Kông dự kiến ​​sẽ tiếp tục dần dần bị xói mòn hơn nữa.

Báo cáo nhận định, xu hướng suy yếu ở Trung Quốc Đại Lục sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Hồng Kông, và sự tăng trưởng yếu ở Hồng Kông có thể làm suy yếu vùng đệm tài chính của chính phủ.

Tháng trước, Chính phủ Hồng Kông đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm xuống 3,2% từ mức 4,0% – 5,0% trước đó.

Với lý do tương tự, công ty xếp hạng này cũng hạ triển vọng của Ma Cao từ ổn định xuống tiêu cực trong một đánh giá riêng.

Moody’s nhấn mạnh rằng quyết định này phản ánh đánh giá của họ về mối quan hệ chặt chẽ về chính trị, thể chế, kinh tế và tài chính giữa Ma Cao và Đại Lục. Ngành du lịch và game khổng lồ của Ma Cao phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Hệ thống ngân hàng của khu vực này cũng có nguy cơ bị yêu sách xuyên biên giới từ Đại Lục.

Đồng thời, mặc dù Ma Cao được hưởng quyền tự chủ về chính sách theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng mối quan hệ chính trị và thể chế với Đại Lục đã trở nên chặt chẽ hơn trong những năm gần đây.

Thứ Tư (6/12), Moody’s cũng hạ triển vọng của 8 ngân hàng Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực” do lo ngại về mức nợ.

Một ngày trước đó, Moody’s đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín dụng chủ quyền của Trung Quốc từ “ổn định” thành “tiêu cực”, và cảnh báo rủi ro nợ của chính quyền địa phương, cũng như cuộc khủng hoảng ngành bất động sản ngày càng sâu sắc.

Dữ liệu phát hành trái phiếu của Trung Quốc được China Business News tiết lộ cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng trị giá khoảng 9.140 tỷ nhân dân tệ. Quy mô này lần đầu tiên vượt mốc 9.000 tỷ nhân dân tệ, vượt xa quy mô phát hành trái phiếu vào năm 2022.

Hôm thứ Ba (5/12), tờ Wall Street Journal cảnh báo, vấn đề nợ tiềm ẩn khổng lồ của Trung Quốc đã đến thời điểm quan trọng.

Báo cáo trích dẫn đánh giá từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các ngân hàng đầu tư Phố Wall cungx chỉ ra rằng, tổng số nợ chính phủ ngoại bảng tồn đọng ở Trung Quốc là khoảng 7.000 tỷ USD – 11.000 tỷ USD. Một khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát, chính quyền địa phương sẽ khó duy trì việc trả nợ lãi và gốc.

Một số nhà kinh tế chỉ ra rằng phần lớn nợ tiềm ẩn của Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ cao, quy mô dao động từ 400 tỷ USD – hơn 800 tỷ USD.

Ngoài ra, thứ Tư (6/12), Moody’s cũng hạ triển vọng xếp hạng của 18 công ty Đại Lục bao gồm Alibaba và Tencent xuống mức “tiêu cực”.

Bình Minh (t/h)