Sau 25 năm dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Trung tâm tài chính của châu Á giờ đây chỉ còn là “chiếc ví” của ông Tập Cận Bình khi số lượng công ty đến từ Trung Quốc Đại lục chiếm 78% vốn hóa thị trường chứng khoán Hồng Kông. Cùng với nền tự do dân chủ đang chết dần, nhiều chuyên gia kinh tế tài chính và công ty quốc tế đang rời khỏi thành phố này.

Hồng kông mất di vị thế kinh tế hồng kông mất dân chủ mất di kinh tế
Chính quyền Bắc Kinh “nuốt chửng” Hồng Kông và khiến thành phố này mất đi vị thế kinh tế tài chính vốn có, “đốt cháy” nền tự do dân chủ. (Ảnh minh họa: Natanael Ginting/Shutterstock)

Năm 1997, Trung Quốc đã hứa hẹn với Hồng Kông một mức độ tự trị cao theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” và duy trì nền tự do dân chủ ít nhất trong 50 năm. Tuy vậy, hiện nay ông Tập Cận Bình đang sử dụng thành phố từng là trung tâm tài chính của châu Á như một “chiếc ví” của riêng mình bằng cách áp dụng hai tiêu chuẩn tách biệt “một quốc gia” cho chính trị và “hai chế độ” cho các vấn đề kinh tế.

Tổng giá trị nền kinh tế của Hồng Kông chiếm 18% tổng giá trị nền kinh tế của Trung Quốc (năm 1997) nhưng đến nay con số này chỉ còn là 2%. Cùng khoảng thời gian này, số lượng công ty ở Đại Lục niêm yết tại Hồng Kông tăng từ 101 lên 1.370 công ty, chiếm 78% vốn hóa thị trường chứng khoán Hồng Kông.

Theo thống kê, Hồng Kông là trụ sở châu Á của 252 công ty Trung Quốc và 254 doanh nghiệp Mỹ (năm 2021).

Charles Li, cựu Giám đốc điều hành của Hong Kong Exchanges and Clearing cho biết có vẻ Trung Quốc đã “nuốt chửng” Hồng Kông, trong 25 năm qua thành phố này đã giúp Bắc Kinh né tránh những bất lợi về kinh tế do thừa hưởng những giá trị từ nền tự do dân chủ còn sót lại từ chính quyền Anh Quốc. Thứ nhất là thương mại, thứ hai là đầu tư trực tiếp và thứ ba là thị trường vốn phát triển.

Hồng Kông cũng hoạt động như một con đường dẫn nguồn vốn quốc tế đi đến Trung Quốc. Vào năm 2021, 76% đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc đến từ Hồng Kông, tăng từ 46% vào năm 1997. Trong số nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Trung Quốc, 22% đến từ Hồng Kông. Đối với trái phiếu, con số này là 28%.

HỒNG KÔNG RƠI VÀO TAY TRUNG QUỐC HỒNG KÔNG MẤT DI VỊ THẾ TRUNG TÂM TÀI CHÍNH
Số lượng công ty quốc tế ngày càng ít, các chuyên gia kinh tế tài chính cũng rời bỏ vì Hồng Kông ngày nay mất đi nền tự do dân chủ. (Nguồn: Nikkei Asia/Chính phủ Hồng Kông)

Không giống như Trung Quốc Đại lục, lãnh thổ này không áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, vì đồng đô la Hồng Kông được liên kết với đồng tiền của Mỹ (USD). “Các công ty Trung Quốc đang sử dụng Hồng Kông để gây quỹ và kinh doanh toàn cầu nhằm tránh các hạn chế đối với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc”, Minoru Nogimori, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết.

Ngoài ra, nhiều công ty Trung Quốc cũng kiếm tiền ở nước ngoài thông qua dịch vụ tài chính ở Hồng Kông.

Hồng Kông đã nâng cao vị thế của mình như một trung tâm tài chính, trong đó dịch vụ tài chính hiện chiếm 23% tổng sản phẩm quốc nội của thành phố này, tăng từ 10% vào năm 1997. Khi Trung Quốc làm chậm tốc độ tự do hóa về kiểm soát vốn, “vai trò của Hồng Kông trong việc mở rộng nền kinh tế Trung Quốc đã tăng lên”, Toru Kurata, giáo sư tại Đại học Rikkyo cho biết.

Nhưng đồng thời Hồng Kông đang trở nên ít tính chất quốc tế hơn. Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện chiếm hơn một nửa tổng số vốn đầu tư cổ phần vào Hồng Kông, trong khi tỷ lệ của các nhà đầu tư Mỹ đã giảm xuống dưới 20%, giảm từ mức 40% của 25 năm trước đó.

Điều này phần lớn là do sự ra mắt của Shanghai-Hong Kong Stock Connect vào năm 2014, một chương trình tiếp cận thị trường cho phép các nhà đầu tư ở Trung Quốc Đại lục mua và bán cổ phiếu được niêm yết tại Hồng Kông. Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh cũng khiến nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông do khó khăn trong việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.

Khi các chuyên gia tài chính Mỹ và châu Âu rời khỏi Hồng Kông, họ ngày càng bị thay thế bởi người đến từ Trung Quốc Đại lục. Hồng Kông đã cấp khoảng 2.600 thị thực lao động cho nhân viên tài chính ở nước ngoài vào năm 2021, giảm gần 50% so với năm 2019, tương đương với 2.300 thị thực được cấp cho các ứng viên Đại lục cho các vị trí tài chính.

Tính đến cuối tháng 3/2022, Hồng Kông có tổng cộng 126 ngân hàng nước ngoài và Trung Quốc có văn phòng chính đặt bên ngoài thành phố, giảm 8% so với năm 2014. Singapore, nơi có 127 ngân hàng nước ngoài, đã vượt qua Hồng Kông lần đầu tiên sau 19 năm trong năm nay.

NGUỒN VỐN DẦU TƯ VÀO HỒNG KÔNG
Theo thời gian cai trị của chính quyền Bắc Kinh, nguồn vốn đổ vào thị trường chứng khoán Hồng Kông gia tăng đến từ Trung Quốc Đại lục. (Nguồn: Nikkei Asia/IMF)

Không chỉ lĩnh vực tài chính chứng kiến sự di cư của các chuyên gia nước ngoài: Số lượng luật sư và văn phòng luật sư nước ngoài tiếp tục giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2019. Sự sụt giảm mạnh của các chuyên gia pháp lý ở nước ngoài có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với hệ thống tư pháp của Hồng Kông, nền tảng của khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”.

Cũng đã có những thay đổi xã hội lớn ở Hồng Kông kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc vào năm 2020 sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn vào năm trước. Sự chuyển đổi này, kết hợp với cách xử lý đại dịch COVID-19 của Trung Quốc, đã thúc đẩy nhiều công ty và chuyên gia Mỹ và châu Âu rời đi.

Tiền cũng bắt đầu chảy ra khỏi Hồng Kông. Các quỹ đầu cơ ở Hồng Kông có 80,2 tỷ USD tiền được quản lý trong tháng 6, lớn hơn nhiều so với 53,1 tỷ USD ở Singapore và 18,1 tỷ USD được quản lý ở Nhật Bản, nhưng con số của Hồng Kông đã giảm 17% so với năm 2019, theo chuyên gia nghiên cứu Eurekahedge.

Với nền tảng pháp lý và chính trị không chắc chắn của Hồng Kông thời điểm này, không rõ “mảnh đất vương miện cũ” sẽ có thể hoạt động như một trung tâm tài chính trong bao lâu.