Quý 3/2022, nhóm Tài chính – Ngân hàng phát hành trái phiếu chiếm 82,5% thị trường
- Thiên Tùng
- •
Nhóm Tài chính – Ngân hàng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất trong quý 3/2022, chiếm 82,5% tổng giá trị phát hành, tương đương đạt hơn 48.680 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm, ngân hàng BIDV phát hành trái phiếu đứng đầu thị trường với hơn 19.870 tỷ đồng, tiếp theo là Tập đoàn Vingroup và các công ty con với gần 16.570 tỷ đồng,…
Trong quý 3/2022, tổng giá trị TPDN phát hành đạt mức 60.635 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với quý trước và giảm tới gần 71% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ và công chúng lần lượt là 97,4% và 2,6%, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect.
Cụ thể, Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 82,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương hơn 48.680 tỷ đồng, giảm 39,5% so với quý 2. Dẫn đầu thị trường là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 6.867 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đạt 6.600 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) là 4.210 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành Bất động sản chiếm tỷ trọng 13,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương hơn 8.090 tỷ đồng, giảm 45,9% so với quý trước. Nhiều nhất là Công ty TNHH NoVa Thảo Điền (2.300 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (hơn 2.285 tỷ đồng) và CTCP Fuji Nutri Food (1.000 tỷ đồng).
Tập đoàn đa ngành chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về giá trị phát hành riêng lẻ với khoản 1.500 tỷ đồng (giảm 89,5% so với quý 2/2022), chỉ có CTCP Tập đoàn Masan phát hành trong quý này.
Các ngành khác chiếm 1,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý này, tương đương 758 tỷ đồng (giảm 94,0% so với quý trước). Đáng chú ý có CTCP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast phát hành 300 tỷ đồng với kì hạn 3 năm.
Tính chung 9 tháng/2022, Tài chính – Ngân hàng vẫn là nhóm ngành dẫn đầu (chiếm 57,7%); kế đến là Bất động sản (chiếm 21,5%); nhóm Tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 6,3% và 14,5%.
Trong đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất gồm có 3 Ngân hàng và 2 tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán, bao gồm: Ngân hàng BIDV (19.872 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup và các công ty con (16.569 tỷ đồng); Tập đoàn Địa ốc NOVA và các công ty con (15.157 tỷ đồng), Ngân hàng Phương Đông – OCB (12.300 tỷ đồng) và Ngân hàng Á Châu – ACB (10.450 tỷ đồng).
Vào giữa tháng 9, Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật, Việt Nam Net đưa tin.
Điểm đáng chú ý Nghị định 65 vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó (dựa trên khoản 2 Điều 5).
Từ khóa bộ tài chính BIDV Dòng sự kiện Trái phiếu doanh nghiệp