Singapore chú ý các văn phòng gia đình Trung Quốc liên quan hoạt động rửa tiền
- Văn Long
- •
Bloomberg dẫn dữ liệu từ công ty tư vấn Henley & Partners của Anh đưa tin, một vụ rửa tiền lớn ở Singapore đã khiến cơ quan chức năng nước này chú ý chặt chẽ các văn phòng gia đình Trung Quốc và những người nhập cư giàu có.
Việc Singapore thắt chặt rà soát các quỹ nước ngoài có thể khiến người giàu Trung Quốc một lần nữa phải tháo chạy.
Hai chủ ngân hàng tư nhân cho biết, tác động của vụ rửa tiền ở Singapore đồng nghĩa với việc một số ngân hàng đang xác định lại “xem xét khách hàng” (KYC), theo đó những người Trung Quốc giàu có ở Singapore đang bị giám sát chặt chẽ. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) vào tháng 4 đã ra mắt một nền tảng kỹ thuật số để chia sẻ thông tin khách hàng nhằm chống rửa tiền.
“Xem xét khách hàng (KYC)” để chỉ các quy định ngân hàng và quy định chống rửa tiền về vấn đề giám sát hoạt động tài chính của khách hàng. Theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính về chống rửa tiền (FATF) được thành lập vào tháng 7/1989 tại Paris Pháp bởi đại diện các nước G7: Các nước nên cấm các tổ chức tài chính duy trì các tài khoản ẩn danh hoặc các tài khoản được mở rõ ràng dưới tên giả, các nước nên yêu cầu các tổ chức tài chính tiến hành thẩm định khách hàng khi xảy ra các trường hợp nêu trong khuyến nghị.
Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế trưởng Alicia Garcia-Herrero của khu vực châu Á-Thái Bình Dương – ngân hàng Natixis, chỉ ra những người bị kết án trong các vụ rửa tiền ở Singapore bao gồm những công dân Trung Quốc có hộ chiếu Vanuatu, St. Kitts và Nevi, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến họ thường là nhóm người bị nghi ngờ trong các hoạt động rửa tiền.
Singapore vẫn là nơi thu hút nhiều triệu phú nhập cư. Theo thống kê của công ty tư vấn về định cư và quốc tịch Henley & Partners, dự kiến Singapore trong năm nay sẽ chào đón 3.500 triệu phú, đứng thứ ba thế giới.
Liberty Times (Đài Loan) dẫn lời giáo sư tài chính Chen Zhiwu tại Đại học Hồng Kông, nói rằng đối với giới tỷ phú Trung Quốc lo ngại vì kiểm soát tài sản của nhà chức trách Trung Quốc khiến họ phải chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc, nếu Singapore lại làm giống vậy thì nước này sẽ mất đi sức hấp dẫn. Vì vậy, việc Singapore thắt chặt giám sát các quỹ nước ngoài có thể khiến người giàu có Trung Quốc bỏ chạy.
Nhóm ảnh hưởng nặng khi tài sản của người giàu Trung Quốc suy giảm
Viện nghiên cứu Hurun Trung Quốc vào ngày 25/3 đã công bố “Danh sách người giàu toàn cầu Hurun năm 2024”. Theo danh sách, chủ tịch Zhong Suisui của tập đoàn đồ uống khổng lồ Trung Quốc Nongfu Spring trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ròng 450 tỷ nhân dân tệ (61,88 tỷ USD), nhưng tài sản của ông giảm 9% so với năm ngoái. Một báo cáo tài sản khác trước đó của Hurun cho thấy tổng tài sản của các gia đình giàu có Trung Quốc giảm 3,6% so với năm trước.
Chủ tịch Đài Loan của Hiệp hội Văn phòng Gia đình châu Á (Association of Family Offices in Asia), ông Chen Yuan Cheng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA Mỹ rằng phần lớn tài sản của các gia đình giàu có ở Trung Quốc với tài sản hơn 10 triệu USD đều đến từ vốn cổ phần của công ty, nhưng 3 năm qua giá trị thị trường của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bốc hơi hơn 6,3 nghìn tỷ USD. Khi giá trị thị trường chứng khoán của các công ty của những người giàu này giảm xuống, tài sản của họ đương nhiên sẽ giảm sút, đây là lý do chính khiến tài sản của họ giảm. Lý do thứ hai, suy thoái thị trường bất động sản ở Trung Quốc làm giá trị tài sản ròng của nhiều gia đình giàu có sở hữu nhiều bất động sản giảm sút, khiến tài sản ròng của họ cũng giảm theo. Lý do nữa, sau đại dịch COVID-19, nhìn chung thị trường tiêu dùng của Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch. Do đó 3 yếu tố gồm: suy thoái thị trường chứng khoán, khủng hoảng bất động sản, và vũng lầy giảm phát đã khiến mức bình quân của cải tại Trung Quốc giảm.
Một số nhà phân tích cũng nói rằng mặc dù tài sản của người giàu Trung Quốc suy giảm nhưng họ có nhiều công cụ và kênh hơn để chuyển tài sản ra nước ngoài đầu tư và phòng ngừa rủi ro, thực tế ảnh hưởng nặng chủ yếu là đối với tầng lớp trung lưu thường giữ nguồn tài sản hạn chế tại Trung Quốc.
Vấn đề này được Giám đốc Chen Songxing của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế mới tại Đại học Donghua – Đài Loan chỉ ra, ông cho hay khi tổng tài sản của Trung Quốc sụt giảm thì tác động lớn nhất có lẽ là đối với tầng lớp trung lưu, bởi trong môi trường không ổn định thì với áp lực thất nghiệp và cắt giảm lương gia tăng đối với tầng lớp trung lưu, nhưng họ vẫn phải tiếp tục trả những khoản vay – đặc biệt như mua nhà trả dần. Do nguồn thu tài chính không đủ, chính quyền địa phương cũng có thể bị hạn chế trong các dịch vụ công và chăm sóc người già và trẻ em. Trong hoàn cảnh như vậy, tầng lớp trung lưu sẽ ngay lập tức trở nên thận trọng trong việc quản lý và chi tiêu tài chính.
Giới trung lưu “bỏ phiếu bằng chân” vì tình hình xã hội bấp bênh
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tầng lớp giàu có và trung lưu của Trung Quốc đang rời bỏ Trung Quốc với tốc độ ngày càng nhanh. Trong “Báo cáo di cư người giàu toàn cầu năm 2024” được công bố mới đây (21/6/2024), Trung Quốc một lần nữa trở thành nước có lượng triệu phú chảy ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Báo cáo dự đoán năm 2024 có 15.200 người giàu sẽ rời Trung Quốc Đại Lục, vượt xa con số 13.500 của năm ngoái và 10.800 của năm trước đó. Mỹ vẫn là một trong những lựa chọn nhập cư hàng đầu của giới nhà giàu Trung Quốc.
Theo “Báo cáo về xu hướng thương hiệu của nhóm người có giá trị ròng cao tại Trung Quốc” do Viện nghiên cứu Hurun công bố vào tháng 3 năm nay, gần 40% các gia đình có giá trị ròng cao được khảo sát đang cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài.
Theo Báo cáo Di cư Thế giới do Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc công bố trước đó, Trung Quốc là nước có dân số di cư lớn thứ 4 trên thế giới. Ngoài những người di cư giàu có, nhiều người tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng đang nỗ lực “bỏ phiếu bằng chân” để bắt đầu cuộc sống mới ở nước ngoài.
Năm 2022, lệnh phong tỏa của Thượng Hải đã gây ra làn sóng người giàu và trung lưu Trung Quốc di cư. Đặc biệt sau chính sách ngăn chặn dịch bệnh ‘Zero COVID’ của chính quyền Bắc Kinh gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, giới nhà giàu Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm kênh đầu tư nước ngoài để dịch chuyển tài sản.
Hiện nay, nguyên nhân chính khác dẫn đến xu hướng “bỏ phiếu bằng chân” là suy thoái kinh tế.
Đài VOA Mỹ ngày 19/6 đưa tin về kế hoạch của Frank Chu là bán một căn hộ ở Bắc Kinh để có được khoản đầu tư tối thiểu 800.000 USD cần thiết cho việc nhập cư đầu tư vào Mỹ, đồng thời trả các khoản phí hành chính và pháp lý. Nhưng vào năm 2023 sau khi nhờ đại lý giúp đăng bán căn nhà, người này đã giảm giá 20% nhưng căn nhà vẫn chưa bán được. Ông chia sẻ: “Có vẻ như nền kinh tế đang suy thoái nhanh hơn tôi tưởng, nếu tôi không rời đi, tôi có thể không đủ khả năng chi trả cho việc nhập cư Mỹ”.
Việc tài sản bị thu hẹp khiến tầng lớp trung lưu lo lắng. Họ đã bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và tích lũy được một lượng tài sản nhất định, nhưng họ lo lắng rằng suy thoái kinh tế sẽ sớm đưa họ trở lại tình trạng ban đầu.
Một lý do khác là áp lực chính trị. Ông He, người đã rời Trung Quốc, nơi ông đã sống 60 năm, nói rằng các chính sách ‘Zero COVID’ trong thời kỳ dịch bệnh như xét nghiệm axit nucleic toàn diện và đóng cửa thành phố đã trở thành “cọng rơm làm gãy lưng lạc đà”. Ông chia sẻ từ những gì ông đã nhìn thấy và nghe thấy trong trận dịch làm ông sợ hãi và quyết định rằng phải ra đi vì thế hệ sau: “Các biện pháp của chính phủ trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đã cho tôi thấy rằng gen của cuộc Cải cách Ruộng đất và Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc trong những thập kỷ trước vẫn còn tồn tại, chỉ cần có cơ hội là những biện pháp kiểm soát chống lại con người đó sẽ tiếp tục xuất hiện”; “Chính quyền thắt chặt kiểm soát truyền thông, đàn áp quyền tự do ngôn luận, kiểm soát thông tin cá nhân và kiểm soát suy nghĩ, khiến không gian sống mọi người như nghẹt thở”.
Từ khóa Rửa tiền Người giàu Trung Quốc người Trung Quốc di cư