TP.HCM: 40% doanh nghiệp chỉ còn tiền để hoạt động dưới 1 tháng
- Quý Bình
- •
Hôm 2/10, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tiếp xúc cử tri doanh nghiệp thành phố qua hình thức trực tuyến. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và một số ĐBQH đã tiếp xúc cử tri từ đầu cầu Hà Nội.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay từ ngày 9/7 đến nay, các doanh nghiệp hầu như tê liệt, ngừng kinh doanh, chỉ có khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ.
Khách hàng giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu kẹp đáng kể thậm chí không đủ trả nợ tiền và lãi vay. Tác động của phí vận chuyển trong hoạt động logistics làm điêu đứng các doanh nghiệp như giá phí vận chuyển container tăng 4-5 lần so với trước làm tăng giá sản phẩm Việt Nam bán ở nước ngoài, tử đó giảm mạnh lợi thế so sánh khi xuất khẩu…
Đáng chú ý, theo ông Dũng, khảo sát của hiệp hội cho thấy “tỷ lệ doanh nghiệp chỉ còn dòng tiền giúp duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng chiếm gần 40%; tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng đều quanh mức 46%”.
Bên cạnh đó, số liệu khảo sát cũng cho thấy có gần 30% lao động bị mất việc làm. Trong đó riêng ngành da giày giảm sâu hơn 62%; dệt may giảm 42,6%; ngành lưu trú và khách sạn giảm gần 40%. Người lao động gặp khó khăn do mất việc, không có thu nhập tăng cao áp lực lên công tác an sinh xã hội của thành phố…
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị được kéo dài thời gian nộp thuế trên sang quý 1/2022 để có thêm dòng tiền cho phục hồi sản xuất trong quý 4/2021. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp do vấn đề thực thi. Đặc biệt rào cản lớn nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường.
Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất nới lỏng điều kiện cho vay không bắt buộc thế chấp bằng tài sản, mở rộng hạn mức cho vay, kéo dài thời hạn hoàn vốn vay tương ứng thời gian cơ cấu lại các khoản nợ vay theo Thông tư 01 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ, địa phương cần công bố công khai thông tin về phòng dịch, Bộ tiêu chí phòng dịch, kịch bản điều hành kinh tế xã hội tương ứng với các tình huống để doanh nghiệp và người dân có đủ thông tin, để điều chỉnh kế hoạch mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết 9 tháng năm 2021, có hơn 90.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Riêng TP.HCM có gần 16.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. GDP 9 tháng năm 2021 của TP.HCM âm 4,98%.
“Đây là mức thấp nhất thời gian qua”, ông Phúc nói và cho rằng “tình hình kinh tế và an sinh xã hội là vấn đề bức bối trong giai đoạn hiện nay” khi lực lượng lao động giảm trên 22% so với cùng kỳ.
“Toàn bộ nền kinh tế thành phố, thu nhập, sức mua của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn”.
“Thời gian này, TP.HCM có hàng trăm nghìn người bị nhiễm bệnh và đang được điều trị, gần 15.000 người tử vong, hàng nghìn trẻ em mồ côi, rất nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh rất thương tâm”.
Theo ông Phúc, thiệt hại về kinh tế cũng rất lớn khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể. “Đây là thời kỳ khó khăn nhất”, ông Phúc nói.
Ông Phúc khẳng định “sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay về tài chính, tiền tệ”, để giúp từng bước mở rộng quy mô kinh doanh, trở lại với các điều kiện an toàn.
Quý Bình
Xem thêm:
Quý III/2021: GDP âm 6,17%; tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất kể từ quý I/2020
Từ khóa Dòng sự kiện COVID-19 TP.HCM